Giờ học vẽ của trẻ 5 tuổi Trường MN Bến Thành, Q.1 (ảnh chụp chiều 14-1-2011)
|
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là quyết định phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành có hiệu lực được 1 năm. Song, đến nay mới chỉ có 25/63 tỉnh, thành đã xây dựng đề án, trong đó chỉ có 5 địa phương hoàn thành…
Trước nhu cầu cấp bách của việc thực hiện đề án, ngày 14-1-2011, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chỉ đạo: “Các địa phương nên chủ động trong việc thực hiện đề án, trong giai đoạn 1 (2010-2012) phải có ít nhất 10 tỉnh, thành hoàn thành phổ cập…”
Địa phương chủ động kinh phí phổ cập
Với 4 dự án: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định của Điều lệ trường MN; mua sắm trang thiết bị – đồ chơi; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia cho các huyện khó khăn, đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 có tổng kinh phí lên tới 14.660 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền này không phải từ trung ương “rót” về cho các địa phương mà theo ông Lê Khánh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ GD-ĐT thì: “Các địa phương phải chủ động kinh phí. Sở GD-ĐT tỉnh, thành phải là đơn vị tham mưu với UBND để ưu tiên kinh phí cho phổ cập…”.
Một trong 4 dự án của Đề án PCGDMN là xây mới 11.600 phòng học và 1.570.000m2 khối phòng chức năng với kinh phí dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng. Vấn đề mà các địa phương quan tâm là lấy tiền ở đâu để xây trường, ông Tuấn cho rằng: “Sở GD-ĐT địa phương đề nghị với UBND tăng tổng mức đầu tư xây dựng trường lớp, chẳng hạn trước đây là 5% thì nay tăng lên 7 – 8%”.
Được biết, năm 2011, vốn chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT tăng khoảng 10% để thực hiện 5 dự án là PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, dân tộc – miền núi và tăng cường năng lực đào tạo cho các sở GD-ĐT. “Đề nghị các sở GD-ĐT đấu tranh để dành quyền ưu tiên kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia cho PCGDMN 5 tuổi”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bà Lê Minh Hà – Vụ trưởng Vụ GDMN cũng cho biết: “Hiện nay mới có 5 tỉnh, thành đã phê duyệt đề án PCGDMN. Trong đó Hà Nội đầu tư 3 nghìn tỷ đồng, Đà Nẵng – 326 tỷ đồng, Cần Thơ – chỉ riêng năm 2011 đã dành 20 tỷ đồng để xây dựng trường MN. Còn TP.HCM, vốn quyết tâm hoàn thành phổ cập vào năm 2012 đã chi 2.700 tỷ đồng thực hiện đề án. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã khẳng định, thành phố sẽ ưu tiên xây dựng trường MN trước khi xây dựng trường lớp cho các bậc học khác”.
Đối với vấn đề kinh phí để thực hiện đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chỉ đạo: “Các tỉnh, thành phải lồng ghép nhiều nguồn kinh phí như ngân sách, vốn ODA, chương trình nông thôn mới. Các địa phương cũng không nên trông chờ vào ngân sách của trung ương mà phải chủ động kinh phí để thực hiện phổ cập…”.
Đồ chơi không đúng chuẩn: Bỏ!
Năm 2011, Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh, thành phải đẩy mạnh việc thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Ảnh: N.H
|
Một trong những điều kiện tối quan trọng để hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là trường, lớp phải có bộ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục MN mới. Riêng ở vùng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội… phải có thêm các bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với vi tính để học tập.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM hỏi: “Kinh phí mua một bộ đồ chơi hợp chuẩn là bao nhiêu, chúng tôi dự trù khoảng 50 triệu đồng thì có đủ không? Những trường đã có đồ chơi rồi thì có phải mua không?”. Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều cán bộ phụ trách MN của các tỉnh, thành phía Nam.
Ông Phạm Ngọc Phương – Phó cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất & Thiết bị, Bộ GD-ĐT trả lời: “Một bộ đồ chơi đầy đủ (đồ chơi trong lớp, ngoài trời… với khoảng 100 mục) đúng chuẩn có giá cao nhất là 80 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ những trường mới xây dựng mới phải mua cả bộ, còn những trường cũ thì thiếu thứ gì mua bổ sung thứ đó”.
“Trước nay ở Cà Mau, việc mua sắm đồ chơi cho trẻ được giao cho trường, theo đó cũng có phần chủ quan của hiệu trưởng. Chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT cung cấp cho các tỉnh, thành danh mục những cơ sở sản xuất, cung cấp đồ chơi hợp chuẩn – hợp quy để tránh sự nhầm lẫn khi mua”, đại diện Ban giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau có ý kiến. Vấn đề này, ông Phương cũng cho biết, trong tháng 2-2011, Bộ GD-ĐT phối hợp với Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để cung cấp danh mục những đơn vị sản xuất, cung cấp đồ chơi hợp quy – hợp chuẩn cho các trường MN.
Theo ông Phương, trong đợt kiểm tra việc mua sắm đồ chơi – trang thiết bị dạy học MN năm học 2010-2011 ở một số địa phương, phát hiện rất nhiều đồ chơi không đúng chuẩn quy định. Không ít đồ chơi dù có dán nhãn hợp chuẩn – hợp quy nhưng là đồ chơi không có nhãn mác, được mua bán trôi nổi ở các chợ. Thậm chí ở tỉnh Lạng Sơn, việc mua đồ chơi cho trường MN là do Sở GD-ĐT đấu thầu, sau đó công ty mang hàng giao cho các trường. Trường lấy ra thì phát hiện đồ chơi không an toàn, không đúng chuẩn nên cất đi chứ không dám cho cháu chơi. “Đồ chơi không đúng chuẩn rất lãng phí, gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy việc mua sắm đồ chơi phải có sự tham gia của cán bộ phụ trách MN”, bà Minh Hà khuyến cáo.
Còn theo ông Phương, năm 2011 các trường MN ưu tiên mua đồ chơi – trang thiết bị cho trẻ 5 tuổi để thực hiện chương trình GDMN mới. Những đồ chơi cũ nát, không đạt chuẩn thì phải loại bỏ.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Cái khó nhất của việc thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là xây dựng đủ phòng học. Hiện nay ở nhiều tỉnh phía Nam vẫn còn tới 50% xã, phường chưa có trường MN độc lập, phải mượn phòng học. Cái khó thứ 2 là đội ngũ giáo viên, từng địa phương phải dự báo được nhu cầu giáo viên để đào tạo. Hiện tại vẫn còn tới 38 địa phương chưa xây dựng đề án, đề nghị khẩn trương. Mỗi địa phương phải có chuyên trách PCGDMN từ sở GD-ĐT xuống phòng GD-ĐT và xuống tới từng trường MN”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu.
|
Bình luận (0)