Các giải pháp đảm bảo ATGT sẽ tiếp tục được thực hiện rốt ráo trong năm 2013 |
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2013 tiếp tục được chọn là Năm An toàn giao thông và kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Chương trình hành động của Bộ GTVT năm 2013 gồm các mục tiêu chủ yếu trong bốn lĩnh vực: Vận tải, công nghiệp GTVT, kế hoạch đầu tư phát triển, đảm bảo ATGT khắc phục ùn tắc giao thông với 12 nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm kiến nghị gửi đến Chính phủ và các bộ ngành.
Nâng cao chất lượng các công trình giao thông
Các giải pháp chủ yếu của kế hoạch năm 2013 là phấn đấu cả năm 2013 vận tải hàng hóa tăng trưởng 8-9%; vận tải hành khách tăng 9-10% so với năm 2012; công nghiệp ô tô phấn đấu tăng trưởng 12% về giá trị sản xuất và 7% về doanh thu; công nghiệp tàu thủy phấn đấu giữ vững thị trường truyền thống, chú trọng nâng cao năng lực công nghiệp sửa chữa và dịch vụ kỹ thuật; tiếp tục thực hiện “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”; hoàn thành kế hoạch giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế TNGT trên cả 3 tiêu chí, giảm từ 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2012; lấy “Năm An toàn giao thông – 2013” là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ GTVT đề ra các giải pháp: Tập trung xây dựng các dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành bao gồm Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật Hàng hải Việt Nam theo kế hoạch; triển khai xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các đề án năm 2013 theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT; tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”; tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt các dự án có khả năng hoàn thành trong 2013, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành; tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức; thực hiện đánh giá, công bố năng lực các chủ đầu tư, tư vấn, kết quả thực hiện của các nhà thầu; đẩy mạnh phân cấp, xã hội hóa quản lý duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng và thực hiện chiến lược cạnh tranh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn ngành…
Những điểm cần đổi mới trong năm 2013
Theo phân tích của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì có 10 điểm cần được quan tâm, đổi mới trong năm 2013. Trong đó, vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, cải cách thủ tục hành chính cần trên cơ sở tiêu chí hóa các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, để không làm đi làm lại. Cần nâng cao chất lượng công tác quản lý xây dựng từ trong quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, năng lực tư vấn, các ban quản lý dự án… Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, Bộ GTVT nên có cơ chế để đẩy mạnh công tác vận tải hành khách và hàng hóa năm 2012 cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải trong và ngoài nước; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách và hàng hóa; công tác bảo đảm an ninh, an toàn đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách năm 2012 đạt 2.874 triệu lượt khách, tăng 12,2% và 123,2 tỷ hành khách/km, tăng 9,5% so với năm 2011; vận tải hàng hóa năm 2012 đạt 941 triệu tấn, tăng 9,5% và 185,2 tỷ tấn/km, giảm 8,7% so với năm 2011. Sản lượng vận tải hàng hóa đạt 734,6 triệu tấn, tăng 11,5% và 38,6 tỷ tấn/km, tăng 8,7% so với năm 2011; vận chuyển hành khách đạt 2,646 tỷ lượt khách, tăng 13,4% và 91,698 tỷ hành khách/km, tăng 11,1% so với năm 2011.
Ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã chỉ đạo và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện mục tiêu đặt ra của “Năm chất lượng công trình”. Thực hiện rà soát, hoàn chỉnh thể chế quản lý đầu tư xây dựng. Rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu trong công tác quản lý đầu tư xây dựng để bổ sung, sửa đổi phù hợp, chấn chỉnh một bước năng lực các ban quản lý dự án, tư vấn… Đồng thời, lãnh đạo bộ đã tập trung chỉ đạo và tăng cường kiểm tra hiện trường; trực tiếp làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, với các chủ đầu tư, các nhà thầu, các nhà tài trợ, các đại sứ quán để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án công trình trọng điểm tập trung chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, thi công liên tục kể cả các ngày chủ nhật, lễ, Tết để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch. Nhờ tăng cường chỉ đạo, điều hành nên công tác đầu tư, xây dựng đạt kết quả đáng ghi nhận, nhiều công trình, dự án tiến độ đạt và vượt kế hoạch. Chất lượng công trình đã được cải thiện rõ rệt, các công trình thực hiện cơ bản đảm bảo yêu cầu chất lượng; các dự án có tồn tại về chất lượng của các năm trước đã được sửa chữa khắc phục, duy trì khai thác ổn định.
Hà Anh
Bình luận (0)