Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2013: TP.HCM xóa trắng phường không có trường công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) được đưa vào sử dụng trong năm học 2012-2013

Ngày 21-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức giao ban công tác xây dựng cơ bản 24 quận/huyện. Đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo ban quản lý dự án (BQLDA), phòng GD-ĐT các quận/huyện đã trao đổi thẳng thắn những thuận lợi, khó khăn trong việc đầu tư xây dựng trường lớp năm 2012.
Ông Nguyễn Đình Thái Châu – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về xây dựng trường học (Sở GD-ĐT) – cho biết: UBND TP vừa phê duyệt tiếp kinh phí đợt 3 (trên 200 tỷ đồng) cho các dự án xây dựng trường, lớp của các quận/huyện. Đã có 70 dự án hoàn thành, 28 dự án triển khai thi công và còn 4 dự án chưa triển khai được do vướng giải phóng mặt bằng, trượt giá…
Còn nhiều khó khăn
Tập trung toàn lực, kêu gọi xã hội hóa giáo dục nên trong thời gian ngắn vừa qua quận 3 đã khởi công nhiều công trình trường học, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Nhưng hiện nay nhiều dự án xây dựng trường đang phải tạm dừng vì không có tiền. Ông Phạm Thế Huy, Giám đốc BQLDA quận 3 kiến nghị Sở KH-ĐT ghi vốn các công trình: Trường THCS Bàn Cờ (đã khởi công) và THPT Nguyễn Thị Minh Khai đang “khát tiền” không thể khởi công. Trong khi đó, quận Phú Nhuận cũng có ba công trình đề nghị được ghi vốn là Tiểu học Sông Lô và hai trường mầm non phường 13, phường 14 (đã giải phóng mặt bằng). Tương tự, quận 9 có ba công trình bị ngập nước và CSVC xuống cấp, dự án đã được phê duyệt nhưng không được cấp vốn… Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó giám đốc BQLDA quận Thủ Đức, trăn trở: “Quận Thủ Đức có 3 công trình cần xây dựng ngay và 2 công trình đủ điều kiện để khởi công nhưng đến giờ vẫn không được rót vốn, đặc biệt hai trường mầm non Hiệp Bình Chánh và Linh Chiểu nếu không được khởi công trong quý 1 năm 2013 sẽ không đảm bảo được chỗ học cho trẻ 5 tuổi của hai phường này”.
Đặc biệt, tại quận Tân Phú, sau những buổi hiệp thương đạt kết quả tốt với các doanh nghiệp và những hộ dân trong việc di dời, giải phóng mặt bằng cũng như thỏa thuận về mức giá đền bù, đến nay, quận đã có được ba khu đất sạch nhưng không thể khởi công xây dựng, gồm: 1.500m2 tại khu vực 93ha, phường Tân Kỳ; 7.000m2 của Xí nghiệp Nakyco; 7.000m2 trên địa bàn phường Hòa Thạnh để xây mới và mở rộng Trường THCS Võ Thành Trang và Nguyễn Huệ; Mầm non Hòa Thạnh; Tiểu học Hồ Văn Cường và Đặng Trần Côn.
“Không thể khởi công xây mới vì… không có tiền! Nếu được TP ghi vốn, quận sẽ khởi công ngay và năm học 2013-2014 mới cơ bản đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân tại các phường này”, đại diện BQL đầu tư xây dựng quận Tân Phú mong muốn.
Đặc biệt, tại quận 8, ngoài những trường mầm non mới xây dựng gần đây đạt chuẩn thì đa số các trường còn lại đều có quy mô nhỏ, nhiều điểm lẻ, diện tích phòng học không đạt mức tối thiểu theo quy định. “Trên địa bàn quận vẫn còn 11/17 trường công lập có từ 3 đến 8 điểm lẻ”, ông Nguyễn Phương Hậu, Phó giám đốc BQL đầu tư xây dựng quận 8, trăn trở.
Đẩy nhanh tiến độ xây trường

Trường THPT Trần Văn Giàu được xây mới đưa vào sử dụng trong năm học này. Ảnh: Q.Huy

“Thời gian qua, Sở Xây dựng nhận được nhiều hồ sơ, dự án xây dựng, sửa chữa trường, lớp nhưng trong đó nhiều dự án chưa được TP chấp thuận ghi vốn. Với trách nhiệm của mình, sở cũng giúp tư vấn, hoàn chỉnh các hạng mục, bản thiết kế của các công trình này”, ông Lê Trung Kiên, đại diện Sở Xây dựng, trao đổi. Bà Phạm Thị Hương Mai, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho rằng: Trong danh mục xây dựng trường, lớp năm 2012 của Sở GD-ĐT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đã lập danh mục quy hoạch từ năm 2011 đến 2020. Sở đã kiến nghị TP chỉ đạo và cho chủ trương những dự án xây dựng trường lớp cấp bách, CSVC xuống cấp, tạm bợ… không thể sử dụng cho việc dạy và học được xây dựng ngay trong năm học 2012-2013.
Nhìn chung, tiến độ xây dựng trường, lớp tại quận 8 không thua kém gì các quận/huyện khác nhưng do đặc điểm của quận là dân cư đông, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục. “Trước thực tế này, lãnh đạo quận đã có nhiều giải pháp để kiến nghị TP cho quận những cơ chế đặc thù nên trong thời gian vừa qua đã khởi công xây mới được nhiều trường học. Đã thu hồi được đất kho, bãi của các dự án Trường THPT Ngô Gia Tự, Tiểu học Lý Thái Tổ…”, ông Nguyễn Phương Hậu cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuấn (Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn) cho biết: “Năm học này huyện đã đưa vào sử dụng nhiều công trình trường, lớp mới đạt chuẩn quốc gia như: Mầm non Xuân Thới Đông; Tiểu học Dương Công Khi, Tây Bắc Lân, Xuân Thới Thượng và THCS Tô Ký”… 
Năm 2012, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng TP vẫn đặc biệt quan tâm và đầu tư kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhiều ngôi trường mới khang trang, hiện đại. “Hiện nay trên địa bàn TP có 14 phường “trắng” trường mầm non công lập; vì vậy, ngay trong quý 1-2013 các BQL đầu tư xây dựng quận/huyện có phường còn “trắng” trường này cần phải tập trung toàn lực để hoàn thiện dự án và khởi công ngay để đến cuối năm 2013 có thể đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục cộng đồng cũng phải được quan tâm để xây mới, hoặc nâng cấp, sửa chữa”, ông Nguyễn Đình Thái Châu kết luận.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
 
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo: “Những dự án chậm triển khai hay vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… nhất là những phường đang “trắng” trường công lập (mầm non, tiểu học), các sở – ngành liên quan cùng quận/huyện phải chung tay tháo gỡ để xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2013”.

Bình luận (0)