Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Năm 2014: Nhà nước phải chi 8,8 tỷ đồng tiền bồi thường công dân

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo của Chính phủ về công tác bồi thường nhà nước năm 2014 do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi tới các ĐBQH.

Theo báo cáo này, số liệu tổng hợp từ các báo cáo của Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2014, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 94 vụ việc (trong đó có 50 vụ việc thụ lý mới), tăng 12 vụ việc so với cùng kỳ năm 2013. Hiện đã giải quyết xong 53/94 vụ việc, đạt tỉ lệ 56,3%, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2013, với số tiền là trên 4,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 23 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước đã được toà án các cấp thụ lý, tăng 5 vụ việc so với cùng kỳ năm trước, đã giải quyết xong 17 vụ việc, với số tiền là trên 4,1 tỷ đồng. Vẫn còn 6 vụ việc đang giải quyết. Như vậy, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là gần 8,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ tiếp nhận, giải quyết 20 hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường với tổng số tiền cấp phát là 6,9 tỷ đồng.

Báo cáo cho thấy, hoạt động quản lý hành chính phát sinh nhiều vụ việc bồi thường về thuế, đất đai, xử phạt vi phạm hành chính (có 24 vụ việc được thụ lý giải quyết với số tiền hơn 900 triệu đồng). Đối với lĩnh vực tố tụng, báo cáo nêu là lĩnh vực có nhiều vụ việc nhất. Tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trên 3,6 tỷ đồng, tuy nhiên mới chỉ 39/67 vụ việc được thụ lý giải quyết. Riêng hoạt động tố tụng hình sự, có 12 vụ việc cần giải quyết (trong đó 11 vụ thụ lý mới) nhưng mới chỉ 6 vụ được thực hiện. Về vụ việc yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang trong vụ án oan 10 năm, hiện nay toà phúc thẩm TAND tối cao đang hướng dẫn đương sự hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định.

Đáng chú ý, về việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của các cá nhân đối với khoản tiền nhà nước phải bỏ ra để thực hiện bồi thường cho công dân bị oan sai thì báo cáo cho thấy, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chỉ đề ra đối với 8 vụ việc, với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý hành chính có 5 vụ việc, với tổng số tiền hoàn trả là 320 triệu đồng; trong lĩnh vực thi hành án dân sự có 2 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 13 triệu đồng; trong ngành tòa án có 1 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 170 triệu đồng. Tỷ lệ vụ việc xem xét thực hiện trách nhiệm hoàn trả thấp. Nguyên nhân là do người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả và sau khi được cấp kinh phí và thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại xong mới thực hiện xem xét trách nhiệm hoàn trả.

PHAN THẢO
(SGGP)

Bình luận (0)