Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Năm 2015: Nhiều trường ĐH mở ngành mới

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 30-6, khoảng 1 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2015. Và sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Năm nay, nhiều trường ĐH, CĐ mở thêm ngành mới để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn.

ĐH Y Hà Nội: Mở ngành cử nhân khúc xạ nhãn khoa

Năm 2015, Trường ĐH Y Hà Nội mở thêm ngành mới là cử nhân khúc xạ nhãn khoa với 50 chỉ tiêu. Khác với nhiều chuyên ngành khác của ngành y, ngành này chỉ học trong 4 năm nhằm đào tạo ra những cử nhân có y đức, kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, kiến thức và kỹ năng thực hành để chăm sóc sức khỏe mắt ở cộng đồng, giải quyết các vấn đề về khúc xạ nhãn khoa… Nhiệm vụ cơ bản của ngành này là thực hành chăm sóc mắt ban đầu, bao gồm: Xác định các bệnh cơ bản về mắt, khám khúc xạ và cấp đơn kính, khám – tư vấn các dịch vụ khiếm thị và phục hồi chức năng, các bài tập thị giác hai mắt; thực hiện đầy đủ và thành thạo, lập kế hoạch thực hiện và tổ chức thực hiện quy trình khám mắt khi thăm khám người bệnh; phối hợp với thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh; tư vấn và giáo dục sức khỏe về mắt cho người bệnh và cộng đồng; tham gia các hoạt động cộng đồng như khám sàng lọc địa phương, tổ chức và xây dựng nghiên cứu về cộng đồng, đề xuất biện pháp phối hợp để phòng chống mù lòa… Khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác tại các cơ sở đào tạo, cơ sở y tế, khoa mắt các bệnh viện Trung ương và địa phương… Năm 2014, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phối hợp với Viện Thị Brien Holden và Bệnh viện Mắt TP.HCM đào tạo ngành này theo chương trình hợp tác đào tạo tiên tiến và đã tuyển 20 sinh viên.

Được biết, hiện nay cả nước chỉ có 3 cử nhân khúc xạ nhãn khoa nên nhu cầu về nguồn nhân lực này đang thiếu trầm trọng.

ĐH Sài Gòn: Tuyển sinh ngành quốc tế học

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Sài Gòn mở thêm ngành mới là quốc tế học với 100 chỉ tiêu. Theo đó, trường xét tuyển theo các tổ hợp môn là tiếng Anh, văn, toán; tiếng Anh, văn, sử. Sinh viên ngành này sẽ được học những học phần cung cấp kỹ năng và hiểu biết tính hiện đại cũng như lịch sử về xã hội toàn cầu, các nền văn hóa khác, ngôn ngữ, các hệ thống Chính phủ cũng như các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa lớn cùng những mối liên hệ mang tính định hướng toàn cầu. Tại Trường ĐH Sài Gòn, học ngành này sinh viên sẽ được đào tạo thêm chuyên ngành thứ hai, gồm 3 hướng ngành: Quan hệ quốc tế, châu Âu học và châu Mỹ học. Đồng thời, đào tạo thêm các chuyên ngành sâu về quan hệ công chúng, báo chí và truyền thông đa phương tiện… Do đó, khi tốt nghiệp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm như nhân viên quan hệ công chúng, nhân viên phân tích kinh doanh và thương mại quốc tế, quản trị viên của các chương trình quốc tế, nhân viên tư vấn truyền thông đa văn hóa, điều phối viên trong các doanh nghiệp liên doanh hoặc tổ chức phi chính phủ…

Các em học sinh tìm hiểu về ngành nghề tại chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức

ĐH Văn Hiến: Tuyển sinh ngành thanh nhạc và piano

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã cho phép Trường ĐH Văn Hiến mở thêm 2 ngành mới là thanh nhạc và piano. Đây là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên trong cả nước đào tạo chính quy về 2 ngành này. Theo đó, năm học 2015-2016, trường sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho 2 ngành này với phương thức xét tuyển là kết quả học tập của học bạ môn văn lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 cộng với môn thi năng khiếu. Sau khi được đào tạo những kỹ năng cơ bản, sinh viên ngành piano sẽ được định hướng theo sở trường các dòng nhạc gồm hàn lâm, thính phòng và đương đại; còn sinh viên ngành thanh nhạc được định hướng theo sở trường các dòng nhạc như nhạc kịch, thính phòng và đương đại. Ngoài ra, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn của trường còn mở thêm ngành văn hóa học và Việt Nam học với tổ hợp môn xét tuyển là văn, địa, tiếng Anh hoặc văn, sử, tiếng Anh.

ĐH Nguyễn Tất Thành: Có 3 ngành học mới mở

Bộ GD-ĐT đã ký quyết định cho phép Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh 3 ngành học mới trong năm nay là kiến trúc, Luật Kinh tế và quản trị nhân sự. Theo đó, ngành kiến trúc trường xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 2 tổ hợp môn thi là toán, lý, vẽ mỹ thuật (hình họa) hoặc toán, văn, vẽ mỹ thuật (hình họa). Hai ngành còn lại trường sẽ kết hợp xét tuyển theo học bạ THPT và kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ngành quản trị nhân lực xét tuyển theo 4 tổ hợp môn thi là toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh; toán, hóa, tiếng Anh. Ngành Luật Kinh tế trường xét tuyển theo 4 tổ hợp môn thi là toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh; văn, sử, địa.

ĐH Công nghệ TP.HCM: Thêm ngành Luật Kinh tế và thiết kế đồ họa

Năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển sinh 2 ngành học mới là Luật Kinh tế và thiết kế đồ họa. Theo đó, ngành Luật Kinh tế trường tuyển 200 chỉ tiêu với 4 tổ hợp môn xét tuyển là toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; văn, toán, tiếng Anh; văn, sử, địa. Ngành thiết kế đồ họa trường tuyển 50 chỉ tiêu với 2 tổ hợp môn xét tuyển là toán, lý, năng khiếu vẽ và toán, văn, năng khiếu vẽ. Với 2 ngành này, trường tuyển sinh theo 2 hình thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển theo học bạ THPT. Với môn năng khiếu vẽ, trường tổ chức cho thí sinh thi riêng vào 2 đợt: Đợt 1 ngày 12-7 (nhận hồ sơ trước ngày 1-7); đợt 2 ngày 12-9 (nhận hồ sơ trước ngày 1-9) hoặc thí sinh nộp kết quả này ở trường khác để xét tuyển.

Bài, ảnh: MINH CHÂU

Bình luận (0)