Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2015 thay đổi toàn bộ sách giáo khoa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong buổi chất vấn sáng nay (12-6), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ giáo dục -Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã tập trung trả lời 21 câu chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến việc quản lý trường đại học quốc tế, hiệu quả của việc tổ chức thi cụm, chấm chéo, việc đổi sách giáo khoa…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội – Ảnh: TTXVN
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) nêu câu hỏi: Thực tế việc thi theo cụm rất tốn kém cho người dân, dựa trên cơ sở nào mà Bộ tổ chức việc thi này?
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Việc thi theo cụm thực chất là để các em học sinh giám sát lẫn nhau. Theo kinh nghiệm ở Nghệ An, việc tổ chức thi cụm ở tại chỗ sẽ không gây khó khăn cho việc đi lại. Trong kỳ thi năm 2009, số học sinh bỏ thi chỉ hơn 5.000 em, giảm 3.000 em học sinh so với năm 2008. Qua việc tổ chức thi cụm đã thu được một số kết quả như học sinh bỏ thi giảm, học sinh phạm quy cũng giảm, đặc biệt là học sinh bị tai nạn giao thông giảm hẳn.
BT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong tổ chức thi cụm, địa phương tự quyết định chỗ nào thi 3 cụm chỗ nào thi 1 cụm, 80% các địa phương tổ chức thi 2 cụm. Nhờ thế, trong kỳ thi năm 2009 ít căng thẳng hơn về số người bỏ thi và bị tai nạn giao thông… BT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không có trường hợp nào học sinh phải đi xa 200 km để thi như một số thông tin nói.
Học sinh Trường THPT huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) vượt đường xa hơn 50 km bằng xe khách đến điểm thi tốt nghiệp THPT – Ảnh: Minh Thu
ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đặt vấn đề về đề án tổ chức kỳ thi 2 trong 1 sẽ khó kiểm soát được tiêu cực có thể xảy ra.  
BT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Từ năm 2002 ngành giáo dục tổ chức kỳ thi đại học 3 chung nhằm giảm hao phí cho xã hội nhưng tiêu cực vẫn còn lớn và đã chuyển sang thi trắc nghiệm 4 môn. Bắt đầu từ năm 2007 ngành giáo dục đã đưa giảng viên đại học vào tham gia coi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Trên thế giới chỉ còn 10% các nước đang duy trì cùng lúc 2 kỳ thi Tốt nghiệp và thi đại học, 90% các nước còn lại tổ chức kỳ thi 2 trong 1.
Nếu duy trì 2 cuộc thi, mỗi cuộc thi tổ chức trong 1 tháng sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội, áp lực lớn cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Còn duy trì kỳ thi đại học là còn lò luyện thi. Nếu lấy kết quả thi phổ thông làm kết quả xét tuyển vào đại học thì học sinh cùng lúc chỉ cần nộp bảng điểm cho nhiều trường đại học và chọn ngành mình thích… như thế sẽ giảm đi nhiều áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội. 
ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) lo lắng việc chấm chéo có hạn chế được tiêu cực? BT Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện tại còn phải chờ địa phương báo cáo vì còn đang triển khai chấm điểm cho kỳ thi tốt nghiệp. Chờ đến khi thực hiện chấm chéo có kết quả, thống kê rút kinh nghiệm xem có cần triển khai tiếp nữa hay không…
ĐB Triệu Đình Sinh (Quảng Ninh) chất vấn: Bộ trưởng cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giáo viên trường bán công miền núi và vùng sâu vùng xa; Tại sao đến nay vẫn chưa xây dựng dự án phát triển ngành giáo dục mầm non nhà trẻ; chương trình học hiện tại quá nặng đối với học sinh, tại sao đến 2015 mới có thể xem xét sửa đổi…?
Về chương trình sách giáo khoa, BT Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ phấn đấu đến 2010 sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình chương trình hiện tại có cơ sở tồn tại nữa hay không và hướng sửa đổi như thế nào?
Sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành
Theo tiến trình này, năm 2002 ngành giáo dục tiến hành đổi sách giáo khoa cho lớp 1 và lớp 6, năm 2003 đổi SGK cho khối lớp 2 và lớp 7; Năm 2008-2009 thay đổi sách giáo khoa cho lớp 12 là kết thúc chu kỳ. Hết năm 2009, việc thay SGK đủ 1 vòng từ lớp 1 đến lớp 12. Năm 2010 sẽ tổ chức đánh giá tổng quan chương trình sách giáo khoa 12 năm. Trên cơ sở đó cân nhắc có nên thay đổi sách giáo khoa nữa hay không.
Năm 2011 đánh giá xong, rút kinh nghiệm. Năm 2012 thiết kế chương trình và chuẩn bị viết lại sách giao khoa mới cho phù hợp với xu hướng hội nhập giáo dục. Năm 2014 tổ chức dạy thử và báo cáo. Năm 2015 tổ chức thay toàn bộ sách giáo khoa. Như vậy để đảm bảo bộ sách giáo khoa có thể dùng cho 13 năm. Không có chuyện mỗi năm đổi sách một lần và Bộ trưởng khuyến khích phát động học sinh năm trước tặng sách cho học sinh năm sau để giảm chi phí học tập cho các gia đình nghèo.
Cũng liên quan đến sách giáo khoa, BT Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện việc biên soạn sách là do ngành giáo dục chịu trách nhiệm nhưng Bộ trưởng cũng khẳng định không có chuyện độc quyền in sách giáo khoa như một số đại biểu đặt vấn đề.
Về đề án phát triển ngành giáo dục mầm non, BT Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện đã có chuẩn giáo viên, chuẩn bậc học và chuẩn cơ sở vật chất, đến đầu tháng 7 sẽ đủ điều kiện hoàn chỉnh đề án. Đối với giáo viên các trường miền núi gặp khó khăn, Bộ trưởng khẳng định chỉ có tình trạng khó khăn ở các cơ sở bán công. Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo đối với cơ sở bán công ở những nơi nào găp khó khăn thì sẽ chuyển sang công lập.
Năm nay, ngành giáo dục sẽ triển khai tập trung đầu tư mạnh cho vùng khó khăn. Phối hợp với các Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn tổ chức trường đào tạo nghề cho khu vực nông thôn. Giám sát chặt việc đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, xây dựng thêm 200.000 chỗ ở cho sinh viên và tiếp tục chương trình cho học sinh sinh viên vay vốn học tập…
H.NHỰT (theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)