Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Năm 2018: Nhân lực ngành nào có giá?

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Trần Văn Giàu và Trường THPT Lương Thế Vinh.

Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu hỏi về chương trình liên kết ở Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM

Thông tin đến phụ huynh và học sinh về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2018, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho biết, hầu hết các trường ĐH lớn không xét tuyển điểm học bạ phổ thông mà xét từ kết quả thi THPT quốc gia. Một số trường ĐH còn ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh các trường THPT có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao,  học giỏi 3 năm liền và một số tiêu chí khác… Thêm nữa, số ít trường có kỳ thi đánh giá năng lực, cụ thể là Trường ĐH Luật TP.HCM. Theo đó, nếu học sinh không đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực xem như không được xét tuyển. Riêng ĐHQG TP.HCM, học sinh có thể đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực (không bắt buộc) để có thêm cơ hội xét tuyển.

“TP.HCM đang thiếu nhân lực kỹ sư thực hành và cử nhân thực hành ở 4 nhóm ngành trọng yếu và sư phạm nghề nghiệp”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết.

Tại Trường THPT Trần Văn Giàu, TS. Nguyễn Đức Nghĩa thông tin thêm với các em học sinh: Quy chế xét tuyển ĐH-CĐ năm 2018 về cơ bản không thay đổi so với năm 2017. Tuy nhiên, đề thi THPT quốc gia năm nay có chương trình lớp 11 và năm 2019 có thêm chương trình lớp 10. Ngoài ra, các em cũng lưu ý, các trường không giới hạn nguyện vọng đăng ký nhưng trường xét tuyển lấy nguyện vọng có điểm cao nhất, vì vậy cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn trường, chọn ngành để đưa vào thứ tự ưu tiên. Việc có nhiều hình thức xét tuyển đồng nghĩa với cơ hội vào ĐH càng lớn, tuy nhiên, chọn trường không khó như chọn ngành nghề phù hợp với khả năng cũng như nhu cầu nhân lực.

Giải đáp băn khoăn của học sinh hai trường về xu hướng việc làm trong giai đoạn 2020-2025, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP.HCM đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Cả nước hiện có 366 ngành đào tạo ở 4 bậc ĐH, CĐ, TC và sơ cấp. Học ngành nghề nào cũng có thể thất nghiệp nếu không có giá trị hành nghề. “TP.HCM đang thiếu nhân lực kỹ sư thực hành và cử nhân thực hành ở 4 nhóm ngành trọng yếu và sư phạm nghề nghiệp. Trong năm 2018, nhóm ngành phát triển mạnh là kinh tế – tài chính, ngân hàng, xây dựng, cơ khí, hóa – dược…”, ông  Trần Anh Tuấn cho biết.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TS. Lê Minh Hạnh (đại diện Trường ĐH Việt Đức) đã cung cấp cho phụ huynh và học sinh những thông tin cơ bản liên quan đến ngành khoa học máy tính. Cũng như 6 ngành cử nhân của trường, ngành khoa học máy tính tuyển sinh theo hai hình thức: Thứ nhất là xét điểm học bạ (trung bình các môn 7.0), sau đó tham gia kỳ thi năng lực về tư duy logic và tiếng Anh trên máy tính (nếu có TOEFL 450 hoặc IELTS 5.0 sẽ miễn thi). Thứ hai là xét điểm thi THPT quốc gia (21 điểm/3 môn liên quan thì có thể trúng tuyển). Cũng tương tự hình thức xét tuyển thứ nhất, trường sẽ có giấy mời thi tiếng Anh trên máy tính, nếu đạt 71/140 điểm sẽ đủ điều kiện học.

Tương tự, cung cấp thông tin về chương trình liên kết cho học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, TS. Nhan Cẩm Trí (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết năm 2018, trường tuyển sinh hai ngành mới là Quản trị truyền thông và Hàn Quốc học. Với các chương trình liên kết, sinh viên có thể tham gia các khóa học trải nghiệm tại Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… Trường đã kết nối với 120 tập đoàn, doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên học, thực tập và trải nghiệm.

Điều kiện, học phí học nghề phi công

Một phụ huynh học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Điều kiện tuyển sinh nghề phi công, trường nào đào tạo, thời gian học bao lâu và mức học phí thế nào? – nhiều học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu và Lương Thế Vinh hỏi.

– Ông Phạm Đức Huy (đại diện Trường ĐH Hàng không và Công nghệ Spartan, Hoa Kỳ) trả lời: Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nghề phi công rất khan hiếm. Theo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV), Việt Nam sẽ cần khoảng 330 phi công/năm để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không. Trường ĐH Hàng không và Công nghệ Spartan thành lập từ năm 1928, đã đào tạo hơn 130.000 phi công và kỹ thuật viên trên khắp thế giới. Bằng cấp được chấp nhận trên toàn thế giới với 97% học viên tốt nghiệp được tuyển dụng ngay. Thời gian học được thực hành lái máy bay từ 1.000 đến 1.500 giờ bay. Theo khảo sát, mức lương phi công tại các hãng hàng không Việt Nam dao động từ 36.000 USD đến 96.000USD/năm tùy theo từng loại hình bay. Điều kiện tuyển sinh như sau: Tốt nghiệp THPT trở lên, tiếng Anh TOEFL 500 trở lên, tuổi từ 18-45. Chiều cao 1,65m và cân nặng 52kg (nam) và 1,58m và cân nặng 48 kg (nữ), ngoại hình cân đối, không dị tật. Thời gian đào tạo trong 24 tháng, học tại Hoa Kỳ. Trường khai giảng vào mỗi tháng. Học phí khoảng 91.000 USD.

Năm 2018, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có xét tuyển thẳng ngành sư phạm toán? – một học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh hỏi.

– ThS. Lê Phan Quốc (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trả lời: Từ năm 2017, trường không xét tuyển thẳng ngành sư phạm toán. Điểm trúng tuyển ngành này của trường năm 2017 là 26,25 điểm, tức trung bình mỗi môn gần 9 điểm.

Con trai tôi học tốt môn tiếng Anh và cháu có nguyện vọng học ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng còn mơ hồ về ngành này? – một phụ huynh Trường THPT Lương Thế Vinh hỏi.

– ThS. Nguyễn Anh Vũ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) giải đáp: Bên cạnh đào tạo tiếng Anh thương mại, ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có đào tạo thêm các tín chỉ về ngân hàng, kinh tế… để trang bị cho sinh viên kiến thức tương đối về chuyên môn, từ ngữ chuyên môn trong chuyên ngành. Tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như biên phiên dịch, giảng dạy ở các trung tâm, bộ phận quan hệ quốc tế, đối ngoại, truyền thông, marketing ở các tập đoàn kinh tế. Năm 2018, trường có 200 chỉ tiêu cho ngành ngôn ngữ Anh và điểm trúng tuyển ngành này năm 2017 là 23,25 điểm.

T.An (ghi)

Đại diện Trường ĐH FPT cho biết năm 2018, trường có chương trình học bổng cho học sinh đoạt các giải thể thao quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, sinh viên có thể hưởng các chương trình học bổng khác với mức 50%, 75% và 100% (tương đương 270 triệu đồng/năm và áp dụng cho 4 năm liên tục). Trường xét tuyển theo hai hình thức: theo học bạ (điểm trung bình 7.0), điểm THPT quốc gia (21 điểm) và tham gia kỳ thi riêng vào ngày 13-5.

Tại chương trình, em Phi Long (lớp 12A6, Trường THPT Lương Thế Vinh) cho biết rất quan tâm đến chương trình đào tạo song ngữ của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM. Em muốn biết cụ thể về tiếng Anh đầu vào của trường như thế nào? ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) thông tin: Trường đào tạo theo chuẩn quốc tế song ngữ ở các ngành với 50% học bằng tiếng Anh. Sinh viên được miễn phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào, nếu chưa đạt sẽ có 2 tháng học căn bản, đạt yêu cầu mới bước vào lộ trình chuẩn. Đồng thời, những sinh viên ưu tú của trường cũng sẽ tham gia hỗ trợ tiếng Anh cho các sinh viên mới. Sinh viên có thể lựa chọn ngoài chương trình đại trà như chương trình liên kết quốc tế, chương trình 3+1, 2+1, chương trình song bằng… Năm 2018, trường tuyển sinh theo hai hình thức: Xét tuyển điểm học bạ và kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt trường có chính sách miễn giảm 50% học phí cho con em ngành giáo dục suốt thời gian học. Ngoài ra, học sinh đạt điểm trung bình 9.0 sẽ được miễn 100%; 8.0 giảm 50% và 7.0 giảm 25% học phí…

Trần Anh

Bình luận (0)