Năm 2019 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.
Học sinh TP.HCM sau một giờ kiểm tra học kỳ
Nội dung này được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học 2019 mới đây.
Cùng với đó sẽ là quá trình đổi mới cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông theo hướng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và dân chủ trong nhà trường.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2018, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có 5 kết quả nổi bật: Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế, khoa học trẻ quốc tế đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay; lần đầu Việt Nam có các trường ĐH lọt top châu lục và thế giới; ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, giáo dục năm 2018 cũng bộc lộ một số hạn chế tồn tại như bất cập trong quy định hiện hành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; kỳ thi THPT quốc gia để xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong chấm thi tại hội đồng thi của một số địa phương; bạo lực học đường vẫn còn diễn ra, một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Năm 2019, theo Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ bám sát nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; khắc phục những tồn tại, hạn chế gây bức xúc trong dư luận, tạo chuyển biến trong từng việc cụ thể; tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã được thực hiện từ nhiều năm qua, năm 2019, mỗi nhóm nhiệm vụ và nhóm giải pháp sẽ tập trung triển khai các công việc cụ thể, đảm bảo mỗi năm sẽ có điểm nhấn trong từng nhiệm vụ và giải pháp.
Theo đó, năm 2019 sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, ổn định trường lớp đối với bậc mầm non, phổ thông; tập trung sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm và các trường ĐH, tạo tiền đề cho quy hoạch mạng lưới các trường ĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tiếp đến là phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa thiếu giáo viên không phải là vấn đề dễ nhưng vẫn có thể giải quyết được. Mấu chốt mà ngành giáo dục cần quan tâm sâu sắc là chất lượng giáo viên cả về chuyên môn cũng như đạo đức, trong đó có việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng lưu ý, cần tiếp tục chú trọng việc dạy và học ngoại ngữ theo hướng bài bản và hiệu quả. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, hướng tới đào tạo công dân toàn cầu…
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc bộ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng tới công tác pháp chế, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và hoàn thiện Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Bộ trưởng cũng đề cập đến một số giải pháp cụ thể cần triển khai trong năm 2019 như tăng cường năng lực của cán bộ quản lý từ bộ cho đến sở, phòng và các nhà trường; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là các kỳ thi nói chung. Chủ động đẩy mạnh truyền thông giáo dục để xã hội cùng nhìn nhận những việc đã làm được của ngành, từ đó, niềm tin của xã hội với ngành sẽ được nâng lên, tạo động lực cho quá trình đổi mới.
T.Trân
Bình luận (0)