Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Năm 2020, bỏ thi đại học ?

Tạp Chí Giáo Dục

Thêm một kỳ thi tuyển sinh ĐH trôi qua, lại thêm một lần dư luận dấy lên câu hỏi: Liệu có cách nào để kỳ thi đầu vào của các trường ĐH không còn là một "chiến dịch" huy động sự vào cuộc của nhiều lực lượng xã hội với một áp lực cao đến mức… căng thẳng.
Cả xã hội cùng thi
Nhìn lại công tác tổ chức kỳ thi ĐH vừa qua, khi đề cập đến một số sự cố, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: "Trong một kỳ thi lớn như vậy, sai sót là điều có thể xảy ra". Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hinh cũng nêu lên một thực tế: "Chỉ riêng trường tôi đã huy động 1.500 cán bộ vào công tác tuyển sinh. Số cán bộ đó lại tương tác với ít nhất là 20.000 thí sinh và người nhà của họ. Tính trên cả nước thì có tới hàng triệu con người được huy động vào guồng máy tuyển sinh. Với kỳ thi có quy mô cồng kềnh, phức tạp như vậy, không xảy ra trục trặc, sai sót mới là điều bất bình thường". Và dù có rút kinh nghiệm đến mức nào cũng khó ai có thể dám chắc rằng năm sau những sự cố khác sẽ không xảy ra, không ở lĩnh vực này thì lĩnh vực kia, không ở mức độ này thì ở mức độ khác. Một sự cố nhỏ nơi trường thi cũng có thể thành sự kiện lớn, khi việc tuyển sinh không còn là việc của mỗi trường.
Nên tổ chức thi theo khối trường?
Phương pháp thi ĐH ba chung như hiện nay có nhiều ưu điểm nhưng cũng gây nhiều áp lực cả về kinh tế và xã hội. Ảnh: Viết Thành
Để việc tuyển sinh không còn là một áp lực lớn đối với xã hội và tâm lý thí sinh, nhiều lãnh đạo các trường ĐH đã đặt ra vấn đề bỏ hình thức thi "3 chung" đang áp dụng, dù đều khẳng định những ưu điểm nổi bật của hình thức thi này. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Vũ Văn Hóa: Về tương lai, bộ nên quay lại ủy quyền cho các trường ĐH hay các khối ĐH tổ chức tuyển sinh riêng từng đợt cho những khối ngành khác nhau như kinh tế, xã hội, kỹ thuật… Đến một lúc nào đó, việc tuyển sinh ĐH có thể được tổ chức như thi cao học hiện nay, các trường đảm nhiệm, thi nhiều đợt trong một năm. Theo ông Hóa, như vậy các nguồn lực không phải căng ra, dàn trải quá mức, mà có thể tập trung vào làm tốt công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cũng nhìn nhận: Mỗi hình thức thi có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Nhưng hình thức thi "3 chung" này có rất ít nước thực hiện. Với ngành y, thi "3 chung" cũng không cho thấy được sự đặc thù của ngành. Trong khi đó, các thí sinh đang phải trải qua 2 kỳ thi quá gần nhau là thi tốt nghiệp và ĐH. Thí sinh đi thi ĐH còn chưa có bằng tốt nghiệp THPT, đang phải sử dụng giấy chứng nhận. Vậy tại sao chúng ta không nghiên cứu để nhập 2 kỳ thi này làm một. Vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thế nào. Việc này đòi hỏi có một "tổng công trình sư" thực sự cùng một cuộc cách mạng trong thi cử.
Chưa đến lúc bỏ thi
Việc bỏ kỳ thi ĐH cũng là điều nhiều chuyên gia đề cập như một giải pháp cải tiến thi cử và giảm áp lực cho xã hội, song hầu hết ý kiến đều cho rằng chưa đến thời điểm chín muồi.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương: Về lâu dài có thể bỏ thi kỳ thi ĐH song phải chuẩn bị kỹ tiền đề. Nhìn ra các nước tiên tiến, chẳng hạn như Nhật Bản có nhu cầu học ĐH thấp hơn nhiều so với khả năng đào tạo của các trường nhưng họ vẫn tổ chức thi. Như vậy việc tổ chức thi là để người dân thấy rõ việc học ĐH cần phải có khả năng thực chứ không phải ai muốn học cũng được. Ngoài ra, việc mở cửa đầu vào xét với điều kiện Việt Nam thì còn điểm bất lợi: người không đủ khả năng vào học rồi lại bị loại ra hoặc kéo dài thời gian học tập thì sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội, chi phí quá cao. Vì vậy vẫn cần thi đầu vào để sàng lọc ngay từ đầu, tránh phát sinh những chi phí không cần thiết. Theo ông Sơn, nước Nga cũng đã thí điểm bỏ thi ĐH vào năm 2010 và áp dụng đại trà vào năm 2011 nhưng tình hình diễn ra khá lộn xộn và phức tạp. Ông Sơn nhấn mạnh: Ở góc độ cá nhân tôi thấy rất nên bỏ kỳ thi ĐH song nước ta vẫn chưa đủ điều kiện triển khai việc này. Ở thời điểm hiện nay, muốn hài hòa giữa các yếu tố như điều kiện kinh tế, xã hội và bảo đảm chất lượng đào tạo thì vẫn cần phải tổ chức thi ĐH. Đơn cử, gần đây có trường ĐH đưa ra quyết định tuyển thẳng học sinh năng khiếu do chính trường đó đào tạo nhưng cuối cùng phải rút lại, bởi lẽ nảy sinh nhiều vấn đề trước sức ép của xã hội. Nếu trường đó thực hiện được chính sách tuyển thẳng thì sẽ dẫn tới việc học sinh đổ xô vào học trường năng khiếu để chắc một suất vào ĐH.
Năm 2015: Bắt đầu lộ trình đổi mới tuyển sinh
Đề cập tới đổi mới tuyển sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng việc thi ĐH vẫn chưa thể bỏ trong tương lai gần, bởi áp lực về nhu cầu được đào tạo ĐH hiện nay quá cao: Mỗi năm có khoảng 2 triệu hồ sơ thi, trừ số ảo đi còn khoảng 1,5 triệu thí sinh trong khi chỉ tiêu ĐH chỉ có 550 nghìn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang cùng một số trường nghiên cứu để từ năm 2015 sẽ có lộ trình đổi mới tuyển sinh. Mạng lưới đào ĐH-CĐ đang được mở rộng, dự kiến đến năm 2020 đáp ứng quy mô 4 triệu sinh viên, mỗi năm tuyển 1 triệu sinh viên. Như vậy, với con số dự báo 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT ở thời điểm đó sẽ có 1 triệu chỗ học ĐH, áp lực không còn. Lúc đó chỉ tổ chức thi với các trường ĐH ở tầm cao, mang tính nghiên cứu. Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh: Việc đổi mới không phải nói là làm ngay, mà sẽ có thời gian cho thí sinh thay đổi cách học, lộ trình đổi mới sẽ từng bước được công bố để đạt mục tiêu về một kỳ thi gọn nhẹ nhất có thể. Quan trọng hơn, ông Ga nhấn mạnh: Việc đổi mới thi cử phải đi đôi với việc đổi mới cách dạy và học trong trường phổ thông thì mới có hiệu quả.
Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)