Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2022: Chật vật đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

2022 là năm ngành GD-ĐT chật vật xoay xở để đổi mới chương trình, áp dụng sách giáo khoa mới trong điều kiện thiếu trầm trọng giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học, giáo viên nghỉ việc…

Khắp nơi thiếu GV tiếng Anh, tin học

Năm học 2022 – 2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; trong đó có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với các lớp 3, 7, 10.

Dù ở cấp tiểu học đã trải qua 2 năm đổi mới với lớp 1 và 2 nhưng năm nay mới thực sự là năm thử thách khi 100% trường học trên cả nước đều phải đưa môn tiếng Anh và tin học vào dạy học bắt buộc với thời lượng quy định 4 tiết/tuần/môn. Đồng loạt các địa phương đều khó khăn về giáo viên (GV) và trang thiết bị dạy học cho 2 môn học này.

H.Mèo Vạc (Hà Giang), nơi gần như “trắng” GV tiếng Anh ở cấp tiểu học, sau nỗ lực tuyển dụng GV mà không có nguồn tuyển, đã phải “cầu cứu” sự giúp đỡ của Trường Marie Curie ở Hà Nội.

Trên cả nước, việc thiếu GV hiện hữu khắp nơi. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 cho lớp 3 năm học 2022 – 2023 cần thêm 5.322 GV; cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 GV và 2.061 GV; để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 GV.

Năm 2022: Chật vật đổi mới giáo dục - ảnh 1

Năm 2022, tất cả trường học trên cả nước đều phải đưa môn tiếng Anh và tin học vào dạy học bắt buộc. ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù coi chương trình là “pháp lệnh”, bằng mọi giá phải thực hiện nhưng vì thiếu GV trầm trọng nên có nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được đúng tinh thần của “pháp lệnh” này.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho hay kết quả khảo sát đầu năm học cho thấy, hiện có 6 tỉnh chưa dạy đủ tiếng Anh cho học sinh (HS) lớp 3 vì thiếu GV gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Bình và Quảng Trị. “Không có bất cứ lý do gì để những HS vùng xa không được tiếp cận môn học này. Do đó, khi tham mưu cho các tỉnh, Bộ GD-ĐT luôn kiên định mục tiêu dù khó khăn đến đâu cũng không được phép dừng hoặc lùi chương trình các môn học bắt buộc, trong đó có tiếng Anh và tin học”, ông Tài khẳng định.

Giống như môn tiếng Anh, môn tin học cũng lâm vào tình trạng dạy học bắt buộc từ lớp 3 nhưng nhiều nơi thiếu “cả cày lẫn trâu”, thiếu cả máy tính và người dạy. Trên toàn quốc, số trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học chưa có phòng học tin học chiếm tới gần 30%. Không những vậy, số phòng máy tính hiện có phần lớn đã cũ, lạc hậu và không đồng bộ. Để đủ phòng máy dạy môn tin học theo Chương trình GDPT 2018 (tính tối thiểu 1,2 phòng/trường) cần bổ sung 5.560 phòng. Để đủ GV dạy tin học lớp 3 năm nay (tính tối thiểu 1 GV/trường), cả nước cần bổ sung 3.684 GV. Co kéo để dạy môn học này, nhiều nơi cũng chỉ đủ đảm bảo “dạy cho có”, cho đủ số tiết/tuần. Chất lượng như mục tiêu mà Chương trình GDPT mới đưa ra có lẽ là điều khá xa vời ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Báo động tình trạng gv nghỉ việc

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả nước thiếu khoảng hơn 100.000 GV mầm non, phổ thông; thiếu GV một số môn học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 như môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với THPT. “Trong khi đó, năm 2022 có khoảng 16.000 GV xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học”, báo cáo nêu. Bậc mầm non thiếu nhiều GV nhất, với 44.068 GV và số GV nghỉ việc ở bậc học này cũng chiếm tỷ lệ cao nhất, với khoảng 40%.

Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều giải pháp nhằm “giữ chân” GV ở lại với ngành, trong đó có việc đề xuất tăng lương, nâng phụ cấp, giảm áp lực không đáng có, tạo môi trường làm việc dân chủ… cho nhà giáo.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay để giải quyết bài toán thiếu GV, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế GV cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có HS thì phải có GV đứng lớp.

Ngày 18.7.2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế GV trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026, riêng năm học 2022 – 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập. Ngay sau khi có quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai tuyển dụng biên chế GV mầm non, phổ thông. Về lâu dài, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026; chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo GV trên cơ sở nhu cầu GV và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

Xoay xở dạy học tự chọn

Năm 2022 là năm đầu tiên việc đổi mới Chương trình GDPT được thực hiện ở cấp THPT với thay đổi lớn nhất, được kỳ vọng nhiều nhất, đó là tăng cường dạy học lựa chọn, giảm số môn học bắt buộc. Gần đến thời điểm bắt đầu năm học mới, thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT chuyển môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc ở cấp THPT. Cùng với thay đổi này, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. HS bắt buộc phải chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Năm 2022: Chật vật đổi mới giáo dục - ảnh 3

Học sinh lớp 10 trong giờ học môn sử. Gần đến thời điểm bắt đầu năm học mới 2022-2023, thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT chuyển môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc ở cấp THPT.. NHẬT THỊNH

Năm học này, về lý thuyết, lần đầu tiên HS lớp 10 được lựa chọn môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để học tập. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết địa phương, nhà trường THPT đều chưa có GV chuyên trách để giảng dạy môn học này. Do vậy, về cơ bản, rất hiếm trường đưa môn nghệ thuật vào các môn HS được phép lựa chọn. Cũng vì thực tế đó nên cơ hội lựa chọn của HS lớp 10 không nhiều và chưa đa dạng như kỳ vọng của Bộ GD-ĐT khi xây dựng Chương trình GDPT mới.

Giá sách giáo khoa cao đột biến

Năm 2022, HS đang học các lớp 1, 2 và 6 theo Chương trình GDPT mới đều phải mua sách giáo khoa (SGK) mới với giá cao hơn gấp 2 – 3 lần so với sách của chương trình cũ. Nếu như bộ sách lớp 3 cũ là 58.000 đồng thì năm nay phụ huynh phải trả 208.000 – 209.000 đồng/bộ khi mua sách của Nhà xuất bản Giáo dục VN.

“Ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ”

Tháng 10.2022, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có “trải lòng” thẳng thắn, gây ấn tượng về GD-ĐT. Nói về những khó khăn và những điều chưa hài lòng mà các đại biểu nêu về đổi mới GD-ĐT, ông Sơn cho rằng chúng ta đặt kỳ vọng vào Chương trình GDPT mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. “Ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ là GV và tài chính. Thiếu cả hai điều này, chúng tôi không khác gì mấy với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”, người đứng đầu ngành GD-ĐT nêu thực tế.

Với bộ sách mang tên Cánh Diều (do Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản ĐH Huế phát hành) thì giá còn cao hơn, với 220.000 đồng/bộ sách lớp 3. Sách lớp 7 có mức giá 255.000 đồng/bộ (chưa tính giá sách tiếng Anh). Với lớp 10, chỉ riêng các đầu sách của những môn học bắt buộc (chưa tính ngoại ngữ, giáo dục địa phương) mức giá là gần 200.000 đồng/bộ. Các sách thuộc nhóm môn học lựa chọn có giá từ 35.000 – 39.000 đồng/cuốn, sách chuyên đề từ 13.000 – 20.000 đồng/cuốn.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá SGK mới cao đột biến. Bên cạnh những lý giải về chi phí tốn kém hơn khi in như in màu, giấy tốt, khổ to… thì nguyên nhân khiến giá sách đội lên phải kể đến là có quá nhiều đầu sách bắt buộc so với trước.

Năm 2022: Chật vật đổi mới giáo dục - ảnh 4

Giá sách giáo khoa mới tăng đột biến khiến phụ huynh bức xúc. NGỌC THẮNG

Tại các diễn đàn dành cho phụ huynh HS và đặc biệt là các kỳ họp Quốc hội năm 2022, chủ đề giá SGK tăng đột biến đã làm “nóng” các phiên thảo luận về vấn đề KT-XH. Tiếp thu các ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề xuất đưa SGK vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá và giao Bộ GD-ĐT định giá cụ thể với mặt hàng này khi sửa luật Giá.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)