Năm 2023 ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng tiếp tục xét tuyển dựa trên tổ hợp nhiều tiêu chí và tăng chỉ tiêu xét điểm bài thi đánh giá năng lực.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phát biểu tại hội nghị chiều nay. HÀ ÁNH
Chiều 22.12, ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) tổ chức Hội nghị thường niên 2022. Từ những kết quả đạt được trong năm 2022, ĐH này đã đề ra kế hoạch chiến lược trong năm 2023. Đáng chú ý là kế hoạch đổi mới công tác tuyển sinh năm 2023 với chủ trương tiếp tục triển khai phương thức xét tuyển dựa trên tổ hợp nhiều tiêu chí và tăng chỉ tiêu xét điểm bài thi đánh giá năng lực.
Tiếp tục triển khai phương thức xét tuyển nhiều tiêu chí
Theo báo cáo của ĐHQG TP.HCM, năm 2022, tỷ lệ sinh viên nhập học tại ĐH này đạt 90,21% so với chỉ tiêu. Theo đó, các đơn vị xét tuyển tỷ lệ cao như: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (102,49%), Trường ĐH Công nghệ thông tin (102,06%), Trường ĐH Kinh tế-Luật (101,93%). Tuy nhiên, một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp như Phân hiệu ĐHQG TP.HCM tại tỉnh Bến Tre 50%, Khoa Y 62,70%, Trường ĐH Quốc tế (63,74%).
Đáng chú ý, số lượng thí sinh nhập học bằng phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực đạt 35,39% (chỉ tiêu đề ra là 40%). Dù chưa đạt được chỉ tiêu nhưng tỷ lệ này tăng mạnh so với năm trước đó (chưa tới 20%). Trong khi đó, phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT dưới 40% tổng chỉ tiêu.
Cũng theo báo cáo của ĐH này, số lượng thí sinh dự thi sau ĐH năm 2022 tăng so với năm 2021 đạt 159 thí sinh nghiên cứu sinh (vượt 300% so với năm 2021) và 1.184 học viên cao học (vượt 30% so với năm 2021). Bên cạnh đó, Trường Phổ thông Năng khiếu đổi mới cách thức tổ chức thi tuyển sinh với tổng thời gian thi rút ngắn từ 5,5 ngày xuống còn 2,5 ngày đã giúp giảm áp lực cho kỳ thi cũng như thí sinh. Số lượng học sinh nhập học đạt chỉ tiêu đã đề ra.
Theo kế hoạch hoạt động trọng tâm năm 2023, ĐHQG TP.HCM sẽ tăng cường triển khai các phương thức xét tuyển do ĐH này xây dựng chung và tổ chức thực hiện. Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực tối thiểu đạt 45%; mở rộng quy mô và địa điểm thi đánh giá năng lực. Đồng thời, sẽ đánh giá và tiếp tục triển khai phương thức xét tuyển dựa trên tổ hợp nhiều tiêu chí.
“Đây là quyết tâm lớn của ĐHQG TP.HCM nói chung và Trường ĐH Bách khoa nói riêng để bắt đầu sự thay đổi trong tuyển sinh theo hướng đa dạng hoá các tiêu chí đánh giá”, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho hay.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cũng cho biết, từ năm 2023 trường sẽ đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng tiếp tục xem kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM là một phần quan trọng trong công tác tuyển sinh của trường. Đồng thời tăng cường công tác xét tuyển theo phương thức tổng hợp nhiều tiêu chí nhằm tuyển đúng thí sinh giỏi, có năng lực và thái độ phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành/nghề.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM năm 2022. NGỌC DƯƠNG
Phát triển ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm hàng đầu châu Á
Theo báo cáo của ĐHQG TP.HCM, năm 2022 ĐH này đang dẫn đầu cả nước với 110 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế. ĐH giữ vững top 800-1.000 các trường ĐH tốt nhất thế giới (QS World), tiếp tục vươn lên top 56% ĐH xuất sắc nhất thế giới và top 22% ĐH xuất sắc nhất châu Á. Đồng thời, ĐH này tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng QS Asia 2023 đạt vị trí 167 các trường ĐH xuất sắc châu Á.
Ở bảng xếp hạng theo ngành, ĐHQG TP.HCM cũng dẫn đầu Việt Nam về số lượng ngành và lĩnh vực đào tạo. Cụ thể, năm 2022 ĐH này có 9 ngành được vinh danh trong QS Subject và 6 ngành trong bảng xếp hạng THE. Đặc biệt, ngành kỹ thuật dầu khí không chỉ đứng đầu cả nước mà còn tăng từ top 101-150 lên top 50-100 thế giới (QS Subject). Đơn vị này còn là cơ quan chủ quản của nhiều dự án quốc tế lớn với tổng kinh phí hơn 132 triệu USD.
PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết năm 2023 ĐH này xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 và thực hiện rà soát, đánh giá giữa kỳ. Thực hiện kế hoạch chiến lược với các hoạt động chính như: thúc đẩy chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn lực tài chính nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Trong đó, theo Giám đốc ĐHQG TP.HCM, ĐH này sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á". Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới cấu trúc quản trị ĐHQG TP.HCM theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Từng bước hoàn thiện mô hình tự chủ ĐH, chú trọng công tác giải trình với các bên liên quan, nâng cao hiệu lực của các hội đồng trường.
ĐH này cũng tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực tài chính ĐH; Hoàn thành quy chế tài chính, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của ĐHQG TP.HCM và thành lập doanh nghiệp trực thuộc. Trong lĩnh vực xây dựng khu đô thị, sẽ triển khai hiệu quả Dự án Phát triển các ĐH quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án ĐHQG TP.HCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ; khởi công một số công trình mới phục vụ sinh viên…
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)