Năm 2023 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh thêm 5 ngành mới. Tuy nhiên, đáng chú ý là trường không còn tuyển sinh chương trình chất lượng cao như trước đây.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong thư viện. HÀ ÁNH
Chiều 4.1, tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đã tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 và có những định hướng tuyển sinh năm 2023.
Vì sao dừng chương trình chất lượng cao?
Chia sẻ những điểm mới trong tuyển sinh và đào tạo ĐH chính quy năm 2023, tiến sĩ Bùi Quang Hùng cho biết trường tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển của năm trước. Đồng thời, nhà trường thực hiện rà soát các chuyên ngành, ngành để xác định các chương trình đào tạo sẽ tuyển sinh trong năm 2023 theo quy định mới của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, mỗi chương trình đào tạo sẽ có chỉ tiêu riêng ngay từ đầu và có điểm chuẩn xét tuyển ĐH riêng.
Đáng chú ý, theo tiến sĩ Hùng, bắt đầu từ năm 2023 trường không còn các chương trình chất lượng cao. “Trong chiến lược đào tạo công dân toàn cầu, mỗi ngành đào tạo của trường sẽ có chương trình chuẩn tiếng Việt, chương trình tiếng Anh toàn phần và chương trình tiếng Anh bán phần trên nền tảng 1 chương trình chuẩn”, ông Hùng nói.
Lý giải việc không tiếp tục tuyển sinh chương trình chất lượng cao như trước đây, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Tất cả các chương trình chuẩn của trường đã tiệm cận chuẩn chương trình chất lượng cao”.
Thêm một điểm mới trong định hướng tuyển sinh và đào tạo năm tới của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là toàn bộ sinh viên của Phân hiệu Vĩnh Long sẽ tham gia chương trình luân chuyển campus, học tập tại cơ sở TP.HCM, trao đổi sinh viên với các trường khối ngành kinh tế và đặc biệt là chương trình Summer Camp hàng năm tại Phân hiệu Vĩnh Long.
Nhà trường cũng dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ và tối ưu hóa tuyển sinh hệ ĐH chính quy và hệ vừa làm vừa học đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
5 ngành học mới trong năm 2023
Năm 2023 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ tuyển sinh mới 5 ngành gồm: Robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ marketing, công nghệ logistics, công nghệ tài chính, kinh doanh số.
Trường định hướng sẽ giữ ổn định các phương thức như năm 2022. Theo đó, năm ngoái Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sử dụng 6 phương thức xét tuyển.
Phương thức 1: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (khoảng 1% chỉ tiêu ngành).
Phương thức 2: xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế (khoảng 1% chỉ tiêu các ngành).
Phương thức 3: xét tuyển học sinh giỏi, áp dụng 40-50% chỉ tiêu các ngành.
Phương thức 4: xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, áp dụng 30-40% chỉ tiêu ngành (chương trình chuẩn, chất lượng cao) và 40-50% chỉ tiêu (chương trình cử nhân tài năng).
Phương thức 5: xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, lấy 10 chỉ tiêu theo ngành.
Phương thức 6: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, áp dụng cho chỉ tiêu còn lại.
Được biết, điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào năm 2022 bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức từ 27 trở lên.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)