Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2024: Kỳ vọng kinh tế vươn lên như… rồng

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2023 đã khép li, chúng ta đang bưc vào nhng ngày đu ca năm 2024 – Năm Giáp Thìn – vi hy vng kinh tế s phát trin hơn, đi sng ca ngưi dân, nht là nhng ngưi lao đng s bt vt v

1.Năm 2023, thế giới ghi nhận hơn 180 cuộc xung đột lớn nhỏ. Mặc dù các cuộc xung đột này nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trong nước, ảnh hưởng nặng nề nhất là kinh tế. Việc xuất khẩu các mặt hàng nông – thủy sản bị ảnh hưởng; các đơn hàng may mặc, giày da giảm sút đáng kể…

Ắt hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những tháng đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp may mặc, giày da phải cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc hoặc cắt giảm giờ làm. Riêng tại TP.HCM, chỉ một công ty – Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) – đã cắt giảm ba đợt với hơn 9.500 công nhân phải nghỉ việc.

Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho thấy, chỉ 11 tháng đầu năm 2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lên tới 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãi suất vay ngân hàng cao ngất ngưởng, lên tới 2 con số. Tại các cuộc họp trong những tháng đầu năm 2023 giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp, không ít chủ doanh nghiệp thừa nhận, lợi nhuận họ làm ra không đủ trả lãi ngân hàng.

Tại các tuyến phố sầm uất ở những thành phố lớn lần lượt hết căn nhà này đến căn nhà khác treo bảng cho thuê mặt bằng. Trong các trung tâm thương mại, các chợ…, người bán nhiều hơn người mua. Doanh số bán lẻ giảm cực mạnh…

Người lao động lúc nào cũng nơm nớp lo lắng không biết đến khi nào thì tới lượt mình phải mất việc; các chủ doanh nghiệp thì lo lắng không biết trụ được đến bao giờ…

Có thể nói, bức tranh kinh tế quý I, quý II năm 2023 chỉ toàn màu xám.

2.Bắt đầu từ quý III, tình hình kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Mọi người đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm… Tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho thấy, quý III, cả nước ghi nhận 118.400 lao động mất việc, giảm trên 99.000 người so với quý II. Bên cạnh đó, số lao động nghỉ giãn việc của quý III cũng giảm 187.000 người so với quý II – còn 54.000 người. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm 2023, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước thay vì thông báo sa thải lao động như trước thì đã  thông báo tuyển lao động mới. Có không ít doanh nghiệp tuyển tới cả ngàn lao động.

Cụ thể tại TP.HCM (một trong 2 địa phương có số lao động bị mất việc nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2023), từ quý III, các doanh nghiệp đã rục rịch tuyển dụng mới. Đặc biệt là từ đầu quý IV, nhiều công ty thông báo tuyển dụng hàng ngàn công nhân. Chẳng hạn Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi) có nhu cầu tuyển dụng 8.000 công nhân. Các vị trí tuyển mới gồm công nhân may, cắt, in… Thu nhập mỗi tháng từ 7-10 triệu đồng cùng chế độ thưởng Tết và các khoản phụ cấp khác. Công ty còn có xe đưa rước và ký túc xá cho công nhân lưu trú. Hay như Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam (huyện Hóc Môn) cũng đang tuyển hơn 500 công nhân cho các vị trí thợ may, ủi, kiểm hàng… với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Dệt may Thái Dương Việt Nam (TP.Thủ Đức) cần tuyển 200 công nhân… Đặc biệt, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam từng phải cắt giảm hơn 9.500 công nhân trong những tháng đầu năm 2023 do thu hẹp sản xuất thì nay đã bắt đầu tuyển dụng trở lại. Theo đó công ty thông báo tuyển dụng hơn 100 công nhân…

Tại Bình Dương – địa phương có số công nhân mất việc chỉ ít hơn TP.HCM – hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH Leading Star sản xuất đồ may mặc xuất khẩu tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH Vision sản xuất gậy golf tuyển dụng 1.000 lao động; Công ty TNHH Vision sản xuất đồ may mặc tuyển dụng 400 lao động; Công ty TNHH Accasete tuyển dụng 500 lao động; Công ty TNHH Shyang Hung Cheng sản xuất giày thể thao tuyển dụng 150 lao động; Công ty TNHH May mặc Prominent tuyển 100 lao động; Công ty TNHH TM DV may mặc Hòa Sơn tuyển 350 lao động…

3.Đánh giá chung cả năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

4.Tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP – thừa nhận, năm 2023 là một năm rất nhiều thách thức, khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài đối với TP. Hậu quả đại dịch Covid-19 kéo dài, sự tác động khó lường của tình hình thế giới vượt ngoài dự báo và những vướng mắc, tồn đọng phức tạp kéo dài nhiều nhiệm kỳ, một số vụ án lớn đã xảy ra trên địa bàn TP. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự quyết liệt của Thành ủy – HĐND – UBND TP, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, TP.HCM đã duy trì đà phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội theo từng quý. Quý I tăng thấp 0,7%, quý II vượt lên 5,87%, quý III tiếp tục tăng cao 6,71%, quý IV bứt phá về đích với mức tăng 9,62% và cả năm 2023 ước đạt 5,81%. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước cũng có kết quả đáng trân trọng khi thu nội địa (bao gồm cả dầu thô) đạt 325.963 tỷ đồng, đạt 100,74% dự toán.

Năm 2024, TP.HCM xác định chủ đề năm về kinh tế – xã hội là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Theo ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP thì, đây sẽ là 2 nhiệm vụ trọng tâm được triển khai quyết liệt trên toàn TP để đem lại những kết quả rõ nét. Vì vậy, TP sẽ tập trung tham mưu để Trung ương ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Song song đó, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.

Cũng theo Chủ tịch TP, những khó khăn, thách thức của năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Tuy nhiên, TP vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8%. Đây là một chỉ tiêu rất cao và rất thách thức. Tuy nhiên, cơ sở chính trị là Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đều xác định tăng trưởng của TP hàng năm phải từ 8% trở lên. Chúng ta đặt ra mục tiêu cao cũng là để tự thách thức mình và phấn đấu hoàn thành.

Hòa Triu

 

 

Bình luận (0)