Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2025 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo môn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 nhưng năm 2025, thí sinh sẽ thi theo môn thay vì bài thi tổ hợp như hiện nay.


Ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) phát biểu tại hội nghị

Thông tin này được Bộ GD-ĐT cho biết tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 diễn ra ngày 20-9.

Tiến dần đến việc thi trên máy tính

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình tuy nhiên cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục những hạn chế bất cập của kỳ thi năm trước.

Còn với năm 2025, ông Chương cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi theo môn gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi trắc nghiệm. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ chính thức không còn thi theo bài thi tổ hợp như hiện nay.

Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ GD-ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung) phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước. Theo lộ trình, giai đoạn 2025 – 2030, kỳ thi sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Ở kỳ thi này, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi. Đồng thời, quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các địa phương thì chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của bộ.

Kỳ thi 2023 còn một số hạn chế

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2023 là 98,88%. Qua phân tích phổ điểm cho thấy đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp; kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền. Các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn; các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây bắc, một số tỉnh Tây Nguyên…
Bộ GD-ĐT đánh giá, phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Các môn toán, vật lý, hóa học phổ điểm không thay đổi so với các năm trước. Môn giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh đã tốt hơn.

Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ ra một số hạn chế ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 như: Trong quá trình coi thi, còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi.

Việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Một số sở GD-ĐT chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ GD-ĐT những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các sở.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)