Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045; triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ GD-ĐT tổ chức tuần qua tại Đắk Lắk.
Giáo dục Tây Nguyên thấp hơn mặt bằng chung cả nước
Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của nước ta, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng này có diện tích lớn thứ ba trong 6 vùng; quy mô dân số chiếm 6,1% dân số cả nước với 53 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo về thực trạng giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2022 của Bộ GD-ĐT, trong 10 năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Về cơ bản, vùng này không còn xã “trắng” về giáo dục mầm non, mọi thôn bản đều có lớp mầm non. Tất cả các xã đều có trường tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã. Hiện toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Đáng chú ý, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của Tây Nguyên đạt 99,6%, cao hơn so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc. 100% trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày, cao hơn bình quân cả nước và cao hơn cả vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học trong những năm qua đều gia tăng, tương đương với mức bình quân chung của cả nước và tương đương với các vùng khác. Toàn vùng có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú và 68 trường phổ thông dân tộc bán trú; trong đó, có 49 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được cải thiện qua từng năm.
Mặc dù có thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 5 trên 6 vùng của cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tuy nhiên, Tây Nguyên lại là một trong những vùng có tốc độ phát triển giáo dục ngoài công lập cao nhất cả nước. Năm học 2020-2021, toàn vùng có 261 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng 150 cơ sở giáo dục so với cách đây 10 năm. Vùng hiện có 9 cơ sở giáo dục ĐH và phân hiệu của các trường ĐH, 4 trường CĐ sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy mô ĐH của vùng là 30.221 sinh viên; trong đó, sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm 13,3%.
Quang cảnh hội nghị
Báo cáo của bộ cũng chỉ ra, dù đã có nhiều nỗ lực, song với điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ trung cấp, CĐ, ĐH tuy tăng nhưng vẫn còn thấp so với cả nước. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng.
Giáo dục Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Đến năm 2045, phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với các vùng khác trên cả nước và từng bước tiệm cận với nền giáo dục trong khu vực.
Nhân lực là giải pháp quan trọng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, phát triển giáo dục cả nước có những chính sách chung, vấn đề chung nhưng nhóm theo từng vùng miền lại mang những đặc trưng, đặc thù riêng và việc thấy được tính đặc thù của vùng miền sẽ rất quan trọng trong thiết kế, thực thi chính sách.
Với Tây Nguyên, Bộ trưởng cho rằng, trong 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước, Tây Nguyên là vùng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đó chính là lợi thế. Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên tuy là núi cao nhưng không quá khó khăn, chia cắt địa hình như vùng Tây Bắc, có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế và còn nhiều tiềm năng chưa được khơi dậy, phát huy hết. Cư dân ở nhiều nơi trong vùng có kinh tế khá, thuận lợi cho xã hội hóa giáo dục.
Song, với đặc điểm của một vùng nhiều khó khăn, Bộ trưởng nhìn nhận, giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác khi vừa phải theo kịp các vùng nhưng lại phải thực hiện đổi mới như các vùng. Bên cạnh đó, đặc điểm của một vùng lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng điểm đòi hỏi nâng cao dân trí là yêu cầu cấp bách; đặc điểm của một vùng có tỷ lệ người dân theo học bậc ĐH thấp nhất cả nước, cần cấp bách nâng cao tỷ lệ người đi học ĐH để có nguồn nhân lực chất lượng cao…
Trao đổi về một số nhiệm vụ lớn đặt ra trước mắt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với đề nghị các tỉnh Tây Nguyên sẽ có những tổng kết, đánh giá đầy đủ, khách quan những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị tối đa những vấn đề còn vướng mắc.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai trên cả nước, Bộ trưởng lưu ý lộ trình thực hiện để không cứng nhắc, không nóng vội trong đánh giá. Bộ trưởng mong muốn các địa phương dành sự ưu tiên cao độ đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, nhân lực cho hai năm 2023-2024 để nhịp đầu tư rơi đúng thời điểm triển khai quan trọng nhất.
Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng cho rằng, nếu triển khai không khéo, không tập trung nguồn lực có thể làm gia tăng khoảng cách giữa các tỉnh và các vùng miền về giáo dục. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ráo riết việc triển khai chương trình mới; các sở GD-ĐT cần tham mưu kịp thời để tháo gỡ khó khăn.
Một số vấn đề khác như thực hiện đúng 20% nguồn chi ngân sách cho giáo dục; tập trung cho kiên cố hóa trường học; phát huy hơn nữa xã hội hóa giáo dục, trong đó vừa quan tâm, tạo điều kiện vừa thực hiện đầy đủ quản lý Nhà nước đối với công tác xã hội hóa… cũng được Bộ trưởng lưu ý với các tỉnh Tây Nguyên.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, đối với quốc gia, phát triển giáo dục – đào tạo là giải pháp đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với vùng còn nhiều khó khăn như Tây Nguyên, để phát triển mạnh kinh tế – xã hội thời gian tới thì nhân lực càng là giải pháp quan trọng. Mong rằng bằng giải pháp tổng thể, Tây Nguyên sẽ từng bước thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục.
Việt Ngân
Bình luận (0)