Ngày 20-10-2023, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.Cần Thơ khóa 10, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiến hành khai mạc kỳ họp thứ 12.
Ông Phạm Văn Hiểu – Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ, phát biểu bế mạc kỳ họp
Tại kỳ họp, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu HĐND thành phố đã tập trung thảo luận, bàn bạc, và thông qua 06 nghị quyết, gồm 3 nội dung chính: “Phê duyệt bổ sung số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2023 của thành phố Cần Thơ”. “Xem xét, quyết định các nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế – ngân sách, gồm: Việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 các nguồn vốn ngân sách địa phương; điều chỉnh nghị quyết của HĐND thành phố về quyết định dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023; sửa đổi, bổ sung nghị quyết của HĐND thành phố về việc phân bổ dự toán ngân sách năm 2023; dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thành phố”. Và “Thông qua Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Các nghị quyết được ban hành đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh và mọi mặt của thành phố theo nghị quyết của Thành ủy và HĐND TP đề ra.
Đoàn chủ tọa điều hành kỳ họp
Trình bày nội dung: “Phê duyệt bổ sung số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2023…”, ông Châu Việt Tha – Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ, nêu rõ: Trên cơ sở đối chiếu số lớp, số học sinh năm học 2023 – 2024 do các quận, huyện báo cáo theo kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan hành chính, biên chế viên chức đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024. Sở Nội vụ đã căn cứ hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để thẩm định về định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND quận, huyện; lên phương án phân bổ 144 chỉ tiêu bổ sung cho các trường thuộc các đơn vị: Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Cái Răng, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền, huyện Cờ Đỏ. 3 đơn vị còn lại: Quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh và huyện Thới Lai, đề xuất giữ bằng số lượng người làm việc đã giao năm 2023.
Ông Châu Việt Tha – Giám đốc Sở Nội vụ, trình Tờ trình về việc phê duyệt 144 chỉ tiêu bổ sung cho các trường công lập thuộc 6 quận, huyện
Theo phân bổ: Quận Ninh Kiều bổ sung 33 biên chế (trong đó: 12 biên chế cho đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập (GDCL) do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; 21 biên chế cho đơn vị sự nghiệp GDCL tự bảo đảm 01 phần kinh phí chi thường xuyên). Quận Bình Thủy: Bổ sung 26 biên chế (trong đó: 20 biên chế cho đơn vị sự nghiệp GDCL do ngân sách nhà nước chi thường xuyên; 06 biên chế cho đơn vị sự nghiệp GDCL tự bảo đảm 01 phần kinh phí). Các đơn vị còn lại đều thuộc diện bổ sung biên chế đơn vị sự nghiệp GDCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, gồm: Quận Cái Răng: Bổ sung 17 biên chế. Quận Thốt Nốt: Bổ sung 23 biên chế. Huyện Phong Điền: Bổ sung 24 biên chế. Huyện Cờ Đỏ: Bổ sung 21 biên chế.
Đối với Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Mục tiêu đến năm 2030 TP.Cần Thơ là cực tăng trưởng, là trung tâm đô thị của vùng ĐBSCL; thúc đẩy phát triển toàn bộ của khu vực. Là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Một số chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: Nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp – xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt từ 11-15%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết
Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80%; bảo đảm 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về y tế, GD-ĐT và các công trình văn hóa cấp đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đạt 80%, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và chất thải nguy hại lây nhiễm được thu gom và xử lý 100%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%…
Về tầm nhìn đến năm 2050: Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á; trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam; là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao, tiên phong trong phát triển đô thị xanh. Tập trung phát triển các lợi thế của khu vực trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, nhấn mạnh: “Trên cơ sở các nghị quyết vừa được HĐND thành phố thông qua, đề nghị UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo việc thể chế hóa, cũng như sớm triển khai thực hiện các nghị quyết, làm cơ sở trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh của thành phố. Đặc biệt, đối với quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo đúng các trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Để đảm bảo các nghị quyết vừa được HĐND thông qua sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả, tôi đề nghị Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND thành phố thường xuyên đôn đốc và giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện”.
Đan Phượng
Bình luận (0)