Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Nắm đấm mềm” trong thời đại số

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi đi làm ba năm mà đến hai lần bị sếp cho thôi việc vì xung đột với sếp. Kỹ năng giải quyết xung đột như thế nào?”.

Háo hức đặt câu hỏi “quần” các diễn giả – ẢNH: N.NAM
Đó là câu hỏi của bạn Trần Bình Minh (làm việc ở KCN Tân Tạo) đặt ra với anh Vũ Minh Trí, giám đốc Yahoo VN, trong chương trình “Kỹ năng sống trong thời đại số” do Trí Tri Corp tổ chức đêm 7-11 ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Hơn 1.000 bạn trẻ tham dự chương trình háo hức chờ câu trả lời…
Và thật đơn giản, câu trả lời từ anh Vũ Minh Trí khiến nhiều bạn trẻ thấy thoải mái, như vỡ ra điều gì: đừng nghĩ đến sự đối kháng, hãy nghĩ đến sự kết hợp!
Không lệ thuộc
“Ai trong các bạn sở hữu các thiết bị công nghệ số như máy tính xách tay, điện thoại di động, iPod?”. Ban tổ chức vừa dứt lời thì một rừng cánh tay giơ lên. Bạn Lưu Thị Lệ Trinh, SV năm cuối ĐH Bách khoa TP.HCM, nhờ các diễn giả “gỡ rối” khi bản thân Trinh và bạn bè mắc chứng “cứ rảnh là vào mạng Internet nhưng nhiều khi vào mà chẳng có mục đích gì”. “Tôi thấy nhiều khi một ngày không sử dụng Internet mình lại làm việc hiệu quả hơn ngày sử dụng nó” – Trinh nói.
Anh Vũ Minh Trí “giải tỏa nỗi niềm” cho Trinh và nhiều bạn khác: “Mỗi ngày có 24 giờ. Quan trọng là chúng ta hoạch định như thế nào để sử dụng thời gian hiệu quả. Điều này thuộc về kỹ năng quản lý thời gian của các bạn”.
Bạn Trúc Vy, SV ĐH Ngoại thương, và nhiều bạn khác thắc mắc trong thời đại số này làm sao để biết được mình cần gì và muốn gì, làm sao thực hiện được ước mơ khi có quá nhiều cám dỗ quanh mình. “Tìm hiểu những thứ xung quanh thì ta sẽ chọn ra cái phù hợp với mình” – ông Lý Trường Chiến, giám đốc Trí Tri Corp, tư vấn.
Về vấn đề này chị Hoàng Thanh Thủy, giám đốc marketing EMIS, cho rằng phải luôn đặt câu hỏi tại sao cho đến khi không còn tại sao nữa cho những việc mình muốn làm. “Nếu không biết bản thân cần gì, muốn gì bạn hãy đặt câu hỏi “mai chết đi thì hôm nay mình sẽ làm gì?”, liệt kê những việc đó ra và quyết tâm thực hiện. Nhiều bạn sợ thất bại khi làm điều gì đó nên cứ phân vân, đừng để nỗi sợ làm chủ mà hãy để niềm đam mê hướng dẫn mình đi” – cô giám đốc 8X này nói.
Từ kỹ năng đến hoạch định tương lai
Nhiều bạn thấy sao giống mình quá khi nghe anh Trần Minh Trọng, giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, đưa ra một khảo sát về sự thiếu hụt kỹ năng mềm trong giới SV.
Đó là việc hiểu và làm chủ bản thân (không hoạch định được kế hoạch cho tương lai), yếu ngoại ngữ, khó khăn khi giao tiếp trước đám đông, gặp rắc rối trong mối quan hệ (gia đình và xã hội), khó khăn về tài chính và chưa biết phương pháp học đại học. “Bật mí” cách làm sao để đi đúng hướng, anh Trọng giơ năm ngón tay ví von với năm kỹ năng: tự định hướng cuộc đời, giao tiếp, suy nghĩ và giải quyết vấn đề, thành thạo ngoại ngữ, cách quản lý tiền bạc mà mỗi bạn trẻ cần phải luyện tập. “Nắm năm ngón tay lại – kết hợp các kỹ năng – sẽ thành nắm đấm, nó biểu thị cho sức mạnh của mỗi chúng ta trong thời đại số ngày nay”.
Sau gần ba giờ nghe các diễn giả trò chuyện và “quần” lại các diễn giả, nhiều bạn đã phần nào thấy được mình nhận được gì sau đêm hội thảo này. “Mình hiểu việc cần làm thế nào để tác động đến các hoạt động của nhóm, thực hiện tốt công việc chung dựa trên hợp tác chứ không phải gây ra mâu thuẫn” – Quỳnh Trâm, ĐH Hùng Vương, nói.
Bạn Hồ Thị Khánh Ly, SV ĐH Kinh tế, bày tỏ sau khi dự chương trình: “Mình thấy sự cần thiết của việc xác định tương lai. Sau hôm nay mình sẽ hoạch định lại”.
Đừng lệ thuộc
Một trò chơi vui nhộn về sự kết hợp, làm việc nhóm – ẢNH: N.NAM
Bà Karen Davies, đối tác điều hành của XAGE Consultancy (VN), cho các bạn trẻ biết sự xuất hiện của điện thoại di động làm chúng ta giao tiếp ít đi và ngày càng mất đi những thói quen suy nghĩ trong đầu. “Nếu không có điện thoại thì chúng ta cũng tìm mọi cách để giao tiếp được với nhau. Internet là tài nguyên tuyệt vời, nhưng vấn đề là chúng ta không lệ thuộc nó”.
NGUYỄN NAM – THANH THẢO (TTO)

Bình luận (0)