Trong những ngày cuối năm Trâu, hồi hộp đón chờ năm Hổ, những người yêu thơ không thể quên một bài thơ rất lạ, mượn đề tài về chúa sơn lâm, ra đời cách đây già nửa thế kỷ, bài thơ Nhớ rừng (với phụ đề Lời con hổ ở vườn bách thú). Tác giả bài thơ ấy và tập thơ ấy là Thế Lữ.
Sáu năm sau khi lời con hổ bay đi làm rung động lòng người, Hoài Thanh in vào đầu tập Thi nhân Việt Nam – vì trong tập sách này Thế Lữ được giới thiệu đầu tiên, không kể bài Cung chiêu anh hồn nhà thơ Tản Đà. Không phải ngẫu nhiên mà chúa sơn lâm được thay mặt làng thơ mới bước ra võ đài tuyên chiến với làng thơ cũ và hát lên một điệu nam ai – “một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” (1). Trong lời giới thiệu tác giả, Hoài Thanh viết: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng nên một nền thơ mới ở xứ này”. (Thi nhân Việt Nam).
Bài Nhớ rừng có 47 câu thơ, viết theo thể tám chữ, một thể thơ được xem là độc đáo dân tộc, sáng tạo trên cơ sở thể thơ hát nói. Thể thơ linh hoạt, phóng khoáng không hạn định số câu đã giúp cho chàng hổ bộc bạch một cách tự nhiên. Cả bài thơ như một liên khúc âm nhạc có bốn đoạn A, B, A’, B’: Hiện tại – Hồi tưởng – Lại hiện tại – Lại hồi tưởng. Từ những lời phủ định đầy căm giận và khinh bỉ cái cảnh chuồng thú do con người bày đặt, đến những hồi ức đầy tự hào, sảng khoái ca ngợi giang sơn núi rừng hoang dã, đất tự do ngày xưa, nhưng rồi quay nhìn trở lại cảnh vườn bách thảo với lời mỉa mai, phê phán chua cay hơn, để rồi kết thúc bằng những lời đầy tiếc nuối, kêu gọi quá khứ vàng son hãy thương xót đừng bỏ rơi mình.
Bằng một phúng dụ – tượng trưng rất thích hợp, tác giả đã vận dụng ngôn ngữ thơ hiện đại, nhãn quan của nghệ thuật tạo hình và sân khấu (nghề phụ của nhà thơ) sáng tạo một hình tượng ngụ ngôn vừa chân thực, sinh động – vì rất giống con cọp – vừa hàm chứa nhiều ý tưởng gần như một tuyên ngôn đầy đủ của chủ nghĩa lãng mạn.
Mở đầu đoạn A là một chữ gậm (Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt). Chắc thời bấy giờ người ta ngạc nhiên lắm về cái âm cục cằn khẩu ngữ này. Nhưng từ cái âm khép kín đầy hằn học đó, đoạn thơ căm, thơ hận được mở ra, từng cái dằn giọng theo nhịp ba/ba/hai, giọng con người hậm hực hay tiếng gầm gừ của con hổ thì cũng vậy. Cái cảnh anh hùng sa cơ, cảnh giam cầm chật chội, ngột ngạt được lột tả ở đây khiến người đọc cũng tự cảm thấy ngột ngạt lây. Chuồng thú chật chội và hình vóc ngang tàng của chúa sơn lâm bị giam hãm là hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng khái quát của những nhân vật bi kịch trong nghệ thuật lãng mạn. Đọc đoạn thơ này, ta liên tưởng bức tranh Con quỉ của Vơ-ru-ben (2): một con quỉ hình người to lớn, vạm vỡ ngồi choán hết cả khung tranh, toàn thân con quỉ như chứa chất một sức mạnh phi thường, nhưng hai vai hắn so lại, đầu rũ xuống với cặp mắt sâu thâm quầng, sầu thảm. Thế Lữ đã bắt gặp Vơ-ru-ben ở bút pháp lãng mạn mô tả tấn bi kịch của những anh hùng sa cơ, những nhân vật nổi loạn bằng nội tâm.
Giữa cảnh tù túng đó, giấc mơ thời oanh liệt được mở ra với tất cả vẻ đẹp mà câu thơ lãng mạn cùng tài hoa của thi sĩ cho phép:
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vườn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Hoài Thanh viết: “Đọc những câu ấy, không ai còn có quyền bĩu môi trước cuộc cách mệnh về thi ca đương nổi dậy” (Thi nhân Việt Nam). Hai mươi hai câu miêu tả giấc mơ về cuộc sống tự do giữa rừng, những câu thơ tuyệt đẹp xứng đáng đại diện cho một thời kì khởi sắc của ngôn ngữ thơ dân tộc vào nửa đầu thế kỷ trước. Bức tranh núi rừng với màu sắc, ánh sáng, âm thanh của bóng cả, cây già, lá gai, cỏ sắc, với tiếng gió, giọng nguồn, tiếng chim ca, của những ngày, những đêm, những cơn mưa và những sớm bình minh… Tất cả đó là xứ sở, giang sơn riêng của chúa sơn lâm, nơi thiên nhiên hoang dã đầy sức sống, đối lập với những vườn bách thảo chật hẹp của “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”. Về với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã là sở trường của chủ nghĩa lãng mạn, cũng là chủ nghĩa tự do cá nhân đang có nhu cầu tháo cũi sổ lồng vượt qua những bức rào chật hẹp. Với giấc mơ chàng hổ ở đây, người nghệ sĩ muốn phủ định một xã hội tù hãm ê chề do thực dân phong kiến dựng nên.
Trên bối cảnh núi rừng một bức tranh hùng vĩ, xán lạn, tác giả đã cho mãnh hổ xuất hiện, như một nhân vật sân khấu tuồng, với những bước đi oai vệ, hùng dũng, từng bước một, với bộ giáp và tấm thân thon khỏe của vị hổ tướng, theo nhịp trống, thanh la:
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Hình ảnh hổ say mồi bên bờ suối, đứng uống ánh trăng tan, và giấc ngủ của hổ cho đến tận bình minh cây xanh nắng gội, tiếng chim ca vang lừng. Ở đây không phải nhạc ru giấc ngủ êm mà nhạc ầm ĩ cho giấc ngủ tưng bừng(?), quả là giấc ngủ của họ nhà cọp, của những nhà thơ say. Nhưng giấc mơ tuyệt vời ấy tan đi nhanh chóng và một tiếng kêu tuyệt vọng. Câu thơ đã trở thành một thành ngữ thông dụng mấy chục năm qua cho bao nhiêu người thốt lên khi gặp tình huống tương tự:
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?
Chàng hổ giụi mắt buồn hiu, ngao ngán nhìn lại vườn thú với cảnh cỏ cây non bộ rặt một màu giả tạo, tầm thường, như bao công thức giáo điều, như những gì cổ hủ thô lậu mà tâm hồn lãng mạn không chịu đựng nổi. Càng nhìn lại càng nhớ da diết vàng son quá khứ, mãnh hổ ta giơ hai tay ngửa mặt lên trời kêu gọi thống thiết: Hỡi oai linh!… Hỡi cảnh rừng!…có biết chăng…?
Hoài Thanh lại viết: “Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” (Thi nhân Việt Nam). Phải chăng đó là sức mạnh nội lực và nội tâm của người khi đã nhập tâm vào hình tượng hổ. Vì cũng khó phân biệt đâu là ngòi bút dành để tả người và đâu là ngòi bút để tả chúa sơn lâm.
Từ bài thơ Nhớ rừng đến những bài thơ sau, Thế Lữ đã trở thành một chủ suý của phong trào Thơ Mới. Nếu bốn mươi năm trước, sống bằng tâm trạng nhớ rừng, với “nỗi đau khổ của người dân mất nước, sự quằn quại của một tâm hồn bị bóp nghẹt, lòng khát khao cuộc sống chân thật và tự do”(3) thì bốn mươi năm sau này, Thế Lữ đã dốc hết tài năng phục vụ Tổ quốc và nhân dân, biến giấc mơ con(4) thành hiện thực lớn.
TS. Lâm Vinh
(1) Trường Chinh: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.
(2) Vơ-ru-ben (1856 – 1910) họa sĩ Nga đã sáng tác dựa theo hình tượng nhân vật Con quỉ của Léc-man-tốp, và cũng từ đây ông hình thành phong cách lãng mạn với những đề tài thần thoại. Bút pháp, màu sắc tranh ông giàu chất lung linh huyền ảo rất được ưa chuộng, do đó chúng tôi đem so sánh với ngôn ngữ thơ Thế Lữ trong bài Nhớ rừng.
(3) Trường Chinh: bài nói tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai.
(4) Thơ Chế Lan Viên:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.
(Người đi tìm hình của nước)
Bình luận (0)