“Dù ai đi ngược bốn bề,/Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang”
Cổng vào Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có tượng hai Ông Hổ
Vùng đất An Giang từ thời khai thiên mở cõi, vốn là nơi âm u, rậm rạp, có dãy Thất Sơn (Bảy Núi) hùng vĩ, được xem là “giang sơn” của nhiều loài thú dữ, trong đó có hổ. Vì thế những câu chuyện, truyền thuyết về hổ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, tạo nên sự huyền bí, linh thiêng của vùng đất này từ thuở xa xưa và được lưu truyền đến ngày nay. Đặc biệt, nhiều nơi lưu lại dấu tích, ký ức của con người về loài hổ, gắn liền với địa danh nổi tiếng như ở một cù lao mang tên Ông Hổ.
Truyền thuyết về tên gọi “Cù lao Ông Hổ”
Nằm giữa một vùng sông nước mênh mông rộng lớn, xã Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn được gọi là Cù lao Ông Hổ. Cù lao Ông Hổ nổi lên với bãi đồi xanh ngắt, trù phú và sự hiền hòa của những con người bình dị, chân chất ở vùng đất này.
Về tên gọi Cù lao Ông Hổ có nhiều truyền thuyết với những dị bản khác nhau. Theo sách “Địa chí những trang về An Giang”, cho biết, tên gọi này có nhiều huyền thoại mang màu sắc huyền bí, tâm linh. Có người kể rằng: ngày xưa ở cù lao này, hổ báo từ vùng Bảy Núi thường về kiếm ăn. Nhưng dần dần người đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày một đông. Cồn trống trải, hổ báo lần lượt lặng lẽ vượt sông về Bảy Núi hết. Bỗng một đêm trăng, dân làng trông thấy một con hổ to ngồi ở đầu cồn. Dân làng dùng gậy gộc hè nhau đuổi hổ. Thế nhưng con hổ không quay lại vồ người mà ung dung đập đuôi nhảy xuống nước bơi qua sông, đi về phía Bảy Núi. Dân làng bàn tán rằng: chắc cọp về thăm chốn cũ? Nếu vậy thì không phải cọp thường mà là Thần Hổ về viếng đất cồn. Từ đó, dân làng dựng lên ngôi miếu thờ “Miếu Ông Hổ”.
Tuy nhiên, trong dân gian, tồn tại hai truyền thuyết khác để giải thích địa danh “Ông Hổ” và được nhiều người dân cố cựu nơi đây tin tưởng.
Truyền thuyết thứ nhất là ngày xưa nơi đây là nơi hoang vu, hẻo lánh, rậm rạp, theo cách kể của người xưa “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua” hay “cọp ngồi bờ kinh xem… hát bội”. Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mảng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hằng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là Cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ.
Một góc Cù lao Ông Hổ
Truyền thuyết thứ hai là vào thời khẩn hoang, những người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá, lập làng. Có một năm, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn như nhấn chìm dải cù lao. Gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con đưa về chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Đáp lại ơn cứu mạng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ. Hai vợ chồng về sau chỉ sinh được một người con gái, cô bé thường chơi đùa với hổ và gọi hổ bằng anh hai. Khi tới tuổi trưởng thành, cô gái lấy chồng và về làm dâu xứ khác, hai ông bà chỉ còn sống với hổ làm bạn sớm hôm. Khi hai ông bà qua đời, người dân trong làng thương xót lo chôn cất làm mộ, hổ buồn rầu bỏ đi. Hàng năm theo lệ, hổ vẫn về lại cù lao vào ban đêm, mang theo hươu, nai, heo rừng mà hổ săn được để tế ông bà lão. Lần cuối cùng, người ta thấy hổ đi quanh hai nấm mồ, nhưng đến nửa đêm thì hổ chết. Thương con vật sống có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão. Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ sau này trở thành chùa Bửu Long như hiện nay. Cái tên Cù lao Ông Hổ cũng ra đời từ đó.
Cũng có tích khác kể rằng, cách đây vài trăm năm, cù lao này là một nơi rừng cây rậm rạp, có rất nhiều thú dữ. Hổ báo thường xuyên quấy rối những thuyền chài quanh cù lao. Một hôm một ngư dân già vật lộn với con hổ to suốt ba ngày đêm. Cuối cùng ngư ông diệt được con hổ dữ. Nhưng diệt được thú dữ, ngư ông biến đâu mất, dân làng tìm mãi, tìm mãi vẫn không thấy. Bà con bùi ngùi lập miếu thờ, gọi là thờ Ông Hổ, tên mà bà con đặt cho lão ngư ông dũng cảm ấy.
Cù lao Ông Hổ trên quê hương đổi mới
Về Cù lao Ông Hổ hôm nay, có rất nhiều du khách sau khi tham quan khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Tôn Đức Thắng, họ đều dành thời gian đến mục sở thị miếu “Ông Hổ” để được nghe kể nhiều câu chuyện hư hư, thật thật về một linh thú nghĩa tình đã gắn chặt với vùng đất cù lao giữa sông Hậu mênh mang sông nước. Quang cảnh tại khu đất này có rất nhiều cây sao cao vút, rợp bóng mát, tạo cảm giác thoải mái, yên bình với ngôi chùa thoáng đãng, trang nghiêm, bên trong có miếu thờ và một ngôi mộ lộ thiên, bên trên mộ có đặt tượng một con hổ. Hiện nay, đây là điểm tham quan thu hút rất đông khách du lịch và người dân địa phương tới chiêm bái.
Câu chuyện về ông Hổ đã có cách đây trên 400 năm, hình ảnh Thần Hổ đã in sâu vào tín ngưỡng của cư dân địa phương và các vùng lân cận. Mỗi năm đến ngày 28 tháng 10 âm lịch, người dân Cù lao Ông Hổ lại tập trung tại chùa Bửu Long (ấp Mỹ An 1, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên), nơi có mộ và miếu thờ Ông Hổ tổ chức cúng giỗ Ông Hổ một cách trang trọng, đông đảo người dân tự đóng góp nguyên liệu, cùng nhau làm bánh tét, bánh ú và nấu các món ăn dâng cúng trong ngày giỗ này. Mọi người đến thắp những nén nhang khẩn vái Ông Hổ ban cho sự bình an, sức khỏe và thành đạt.
Cù lao Ông Hổ ở xã Mỹ Hòa Hưng – An Giang hiện nay
Tên gọi Cù lao Ông Hổ là niềm tự hào của người dân nơi đây, nó không chỉ mang đậm chất Nam bộ thể hiện qua tính bộc trực, thẳng thắn, mà còn thể hiện sự cần cù, sáng tạo trong lao động. Có thể nói, đối với người dân nơi đây, Cù lao Ông Hổ là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin quan trọng, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách, an tâm lao động sản xuất đóng góp vào sự phát triển của quê hương, nơi gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. Đầu năm Nhâm Dần được viếng thăm Cù lao Ông Hổ trên mảnh đất An Giang thật thú vị với con người hiền hòa, nghĩa tình và đầy trân quý.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)