Năm học 2025-2026, TP.HCM tiếp tục tổ chức tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức khảo sát đánh giá năng lực với 6 trường THCS ở một số địa phương. Đây cũng là năm đầu tiên các kỳ khảo sát đánh giá năng lực được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018.

Để phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và mục tiêu chiến lược phát triển của mỗi nhà trường, bài khảo sát vào các trường đã có sự điều chỉnh, tăng đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh.
Tăng đánh giá năng lực ngoại ngữ
Tại huyện Hóc Môn, Trường THCS Nguyễn An Khương tiếp tục là trường duy nhất trên địa bàn huyện thực hiện tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026 bằng hình thức khảo sát đánh giá năng lực. Tuy nhiên, năm nay bài khảo sát vào trường có sự điều chỉnh so với năm học trước đó, theo hướng tăng đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh.
Cụ thể, bài khảo sát năng lực vẫn gồm 2 phần tự luận và trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút, song đối với phần trắc nghiệm bằng tiếng Việt về sự hiểu biết khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thường thức đời sống trong đề khảo sát năm trước đã được thay thế bằng tiếng Anh trong đề khảo sát năm nay, thời gian làm bài cũng được tăng từ 20 phút lên 30 phút.
Tương tự, các bài khảo sát đánh giá năng lực trong tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2025-2026 tại các trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Bình Thọ và THCS Hoa Lư (TP.Thủ Đức) năm học 2025-2026 cũng được đánh giá theo hướng tăng năng lực vận dụng tiếng Anh của học sinh.
Cấu trúc bài khảo sát vào các trường này đều gồm 2 phần: tự luận và trắc nghiệm, với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, ở phần trắc nghiệm là những câu hỏi tiếng Anh về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thường thức đời sống, thời gian làm bài 30 phút. Phần tự luận trong 60 phút, gồm ba phần: Năng lực tiếng Anh (đọc hiểu, viết bằng tiếng Anh); Toán học và tư duy logic; Đọc hiểu và làm văn.
Đối với bài khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1), Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, nội dung đề khảo sát được giữ ổn định như mọi năm, theo hướng tăng cường đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh bên cạnh các năng lực vận dụng khác, nhằm chọn lựa được những học sinh có năng lực phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà trường.
Năm đầu tiên tuyển sinh theo thông tư mới
Năm học 2025-2026 là năm đầu tiên công tác tuyển sinh vào lớp 6 được thực hiện áp dụng theo Thông tư 30/2024 của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh. Trong đó, Bộ GD-ĐT quy định, việc tuyển sinh vào lớp 6 THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2025-2026, thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, TP.HCM có 6 trường THCS ở TP.Thủ Đức, quận 1, 7 và huyện Hóc Môn tiếp tục tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức xét tuyển theo tiêu chí bài khảo sát đánh giá năng lực học sinh. Đây là những trường hàng năm có số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh vượt cao so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường, do đó, khi thực hiện tuyển sinh bằng bài khảo sát đánh giá năng lực sẽ giúp trường không chỉ chọn được những học sinh phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà trường mà còn đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, khách quan, minh bạch.
Riêng đối với các trường THCS “hot” khác ở những quận, huyện còn lại, địa phương không thực hiện tuyển sinh lớp 6 qua bài khảo sát đánh giá năng lực song cũng đưa ra nhiều tiêu chí sàng lọc đảm bảo: điểm toán, tiếng Việt trong năm học lớp 5 (hoặc học kỳ 2 năm học lớp 5) và yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tin học quốc tế, hoặc những tiêu chí phụ về thành tích văn hóa, nghệ thuật, thể thao của học sinh…
“Tiêu chí bài khảo sát vào lớp 6 năm nay được thực hiện theo hướng đánh giá năng lực học sinh ở nhiều lĩnh vực, từ toán học tư duy logic đến năng lực đọc hiểu, làm văn bằng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ ở kỹ năng nghe – hiểu, đọc – hiểu, viết và hiểu biết thường thức đời sống. Hướng đánh giá này phù hợp với yêu cầu đánh giá của Chương trình GDPT 2018 – tăng cường đánh giá năng lực vận dụng chứ không đơn thuần chỉ là kiểm tra đơn vị kiến thức thuần túy ở các môn học sinh đã được học. Điều này vừa giúp các trường thực hiện tuyển sinh phù hợp song đảm bảo giảm áp lực học tập cho học sinh, không phải học sinh cứ đi học thêm, học tủ học vẹt thật nhiều là có thể đáp ứng được…” – lãnh đạo Sở GD-ĐT phân tích.
Theo đánh giá, 6 trường THCS tại TP.HCM thực hiện tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực đều là những trường hiện đang triển khai tổ chức chương trình giáo dục đặc thù theo nội dung chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế cũng như định hướng phát triển theo mô hình này (Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa) với những yêu cầu riêng về năng lực ngoại ngữ, tin học của học sinh đầu vào cũng như tiêu chuẩn trong đầu ra.
Trước đây ngoại trừ Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa tuyển sinh theo bài khảo sát đánh giá năng lực, các trường còn lại đều thực hiện tuyển sinh theo hình thức xét tuyển thông qua điểm số ở bậc tiểu học của học sinh và yêu cầu về các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tùy theo từng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, những học sinh không trúng tuyển vào trường tổ chức khảo sát đánh giá năng lực thì vẫn được địa phương thực hiện phân bổ trường học theo dữ liệu từ bản đồ GIS phục vụ công tác phân bổ học sinh, trong đó khu vực tuyển sinh của các trường do UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện quyết định theo tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo học sinh được phân bổ chỗ học ở trường gần nhà, thuận lợi cho phụ huynh học sinh đưa đón.
Khương Yến
Bình luận (0)