Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Nấm độc, mối nguy hại mới cho người di cư

Tạp Chí Giáo Dục

Người di cư được cảnh báo không nên thu nhặt nấm lạ, vì có thể, một loại ngon miệng và không độc hại tại nơi họ đến lại cực độc ở châu Âu, dù hình thức giống nhau.

nam-1.jpg

Một lượng nhỏ nấm "mũ tử thần" có thể khiến người trưởng thành khỏe mạnh tử vong.

Dòng người di cư đổ vào châu Âu phải đương đầu với nhiều hiểm nguy, từ giông bão, đại dương bao la, vòi rồng và hơi cay của cảnh sát Hungary, tới những cánh đồng đầy mìn ở Croatia. Và giờ, một vài người trong số họ phải đối mặt với nỗi lo mới, nấm độc. 

Trong quá trình di chuyển khắp châu Âu tìm chốn dung thân, những người di cư tuyệt vọng mang theo quá ít thực phẩm có thể đã phải lùng sục mọi nơi để tìm thức ăn.

Bệnh viện trường Y Hanover, bang Niedersachsen, Đức, cảnh báo về việc khoảng 30 người di cư bị trúng độc, trong đó có một vài người nguy kịch, do ăn phải một loại nấm tên là "mũ tử thần" (death cap), NY Times đưa tin hôm 17/9.

Bệnh viện này sau đó đã phân phát những biểu ngữ bằng tiếng Arab, tiếng Kurd cùng một số ngôn ngữ khác, cảnh báo người di cư tránh xa loại nấm trên. "Mũ tử thần" rất phổ biến ở châu Âu và có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới gan và thận. Những trường hợp trúng độc tương tự cũng được phát hiện hôm 17/9 ở thành phố Münster, cách Hanover 177 km về phía tây. 

Theo bác sĩ Michael P.Manns, trưởng khoa tiêu hóa, gan và nội tiết học của bệnh viện trường Y Hanover, 12 bệnh nhân vẫn nằm viện, trong đó có ba ca nguy kịch.

Người di cư được cảnh báo không thu nhặt nấm nếu không quen với những loại ăn được tại châu Âu. Rất có thể, một loại nấm ngon miệng và không độc hại tại nơi họ đến lại cực độc ở đây dù hình thức giống nhau.

"Loại nấm này mùi vị dễ ăn và các triệu chứng ban đầu chỉ xuất hiện sau vài giờ nên nguy cơ trúng độc do ăn phải chúng là rất lớn", bệnh viện Hanover cho biết.

Cơ sở y tế trên cũng thúc giục bất cứ ai cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy hoặc có các triệu chứng khác sau khi ăn nấm cần tới bệnh viện gần nhất.

"Mũ tử thần", tên khoa học là Amanita Phalloides, có hình dáng giống một vài loại nấm có thể ăn được.  Hiện là giữa mùa phát triển của nó.

Tuấn Vũ (theo vnexpress)

 

Bình luận (0)