Do không có triệu chứng rõ ràng nên giãn tĩnh mạch thừng tinh (còn gọi là giãn tĩnh mạch tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh) rất khó phát hiện đối với các bệnh nhân nam. Tuy nhiên đây lại là nguyên nhân gây vô sinh cho nhiều người mong muốn được làm cha nên các bệnh nhân nam không được bỏ qua căn bệnh tiềm ẩn này.
BS đang nội soi cho một bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh (ảnh BV cung cấp) |
BS Mai Bá Tiến Dũng – Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân TP.HCM cho biết, biểu hiện dễ thấy của giãn mạch thừng tinh là đau tức và khó chịu ở vùng bìu nhất là khi ngồi lâu hoặc vận động nhiều.
Thủ phạm gây vô sinh
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Quang Th. – kỹ thuật viên của Công ty Cảng quốc tế Cái Mép (Long Thành, Đồng Nai) luôn bị đau tức vùng kín và có cảm giác nặng nề ở hai tinh hoàn sau những lần ngồi lâu trên xe máy hoặc làm việc liên tục tại cơ quan. Anh Thạch chia sẻ: “Trước đây, trong một lần tranh giải bóng đá tôi bị một quả bóng đá trúng vào hạ bộ. Từ đó trở đi tôi thường bị đau nhức ở vùng kín nên đi lại khó khăn và rất khó chịu”. Ngại ngùng và bận công việc nên chàng trai 27 tuổi tìm cách “quên” nỗi đau đó. Tuy nhiên, sau một năm căn bệnh khó nói cứ hoành hành nên anh đành phải chia sẻ với người chú ruột. Sau khi nghe lời khuyên từ người nhà, Thạch đành xin nghỉ việc để lên BV Bình Dân chữa trị. Tại đây sau khi thăm khám và nhận định về triệu chứng BS chẩn đoán anh bị giãn mạch thừng tinh cần phải phẫu thuật.
Đó cũng là trường hợp của vợ chồng anh V.Đ.T, 31 tuổi quê ở Mỹ Tú, Sóc Trăng lấy nhau trong 6 năm chưa có con mà không rõ nguyên nhân. Chỉ đến khi tham dự cuộc trò chuyện với BS chuyên khoa nam học trong một hội thảo, người chồng mới biết là mình bị giãn mạch tinh bên phải độ 3 là “thủ phạm” dẫn đến vô sinh. BS Hồ Thanh Út – Chuyên khoa Ngoại niệu BV Phương Châu (TP.Cần Thơ) cho biết, giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng giãn bất thường của hệ thống tĩnh mạch dây leo ở trong tinh hoàn. Đây là bệnh khá phổ biến ở đàn ông và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh cho nam giới.
Không thể điều trị nội khoa
Tuy nhiên theo BS Út, các biểu hiện bệnh rất mơ hồ nên khó phát hiện như cảm giác khó chịu. Nặng tức hoặc đau ở tinh hoàn. Phần lớn giãn tĩnh mạch tinh hoàn phát triển dần theo thời gian, thường ở bên tinh hoàn trái, có thể do vị trí của các tĩnh mạch tinh hoàn trái. Giãn tĩnh mạch tinh hoàn ở một bên có thể ảnh hưởng đến sự tạo ra tinh trùng của cả hai tinh hoàn. Bệnh thường dễ chẩn đoán nhất là khi sờ vào gốc dương vật thấy có những búi như sợi mỳ, hai tinh hoàn bên to bên bé.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh hiếm khi gây đau đớn và nếu đau nhiều thì nằm ngửa là hết hoặc chỉ đau nhẹ. Bệnh có thể trở nên rõ rệt và nặng hơn theo thời gian. Ở người trẻ tuổi, bệnh nhân đến khám chủ yếu vì đau tức, khó chịu ở vùng bìu. Bệnh nhân cũng có thể đến khám vì thấy một bên tinh hoàn to hoặc thậm chí nhìn thấy các mạch máu giãn to hằn lên cả hai tinh hoàn dưới da. Trẻ em được cha mẹ đưa đến khám thường đã có triệu chứng do đau nhức hoặc khó chịu gây ảnh hưởng sinh hoạt, vui chơi. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở các trẻ em trai trên 10 tuổi. Khi khám vùng bìu tư thế đứng có thể sờ thấy thừng tinh dày, có nhiều tĩnh mạch giãn mềm đôi khi nổi ngoằn ngoèo ở dưới da bìu phía trên tinh hoàn, khi sờ vào có cảm giác như “búi giun”, tùy theo các mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh mà có thể nhận biết qua thăm khám lâm sàng hoặc cần thêm các thăm khám bằng siêu âm màu để phát hiện luồng trào ngược máu từ tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ vào tĩnh mạch tinh.
Sau khi đưa ra phác đồ điều trị, anh T., được các BS chuyên khoa nam học BV Bình Dân (TP.HCM) và BV Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) tư vấn và phẫu thuật vi phẫu cột tĩnh mạch tinh giãn qua ngã bẹn. Sau khi được phẫu thuật vi phẫu cột tĩnh mạch tinh bị giãn, một thời gian sau người bệnh có tinh trùng trở lại và khoảng 70% trường hợp có thể sinh con tự nhiên. Đó cũng là ca mổ thành công của BV Bình Dân cho anh Quang Th. Sau khi kết hôn, anh Th. sinh con bình thường và hiện nay đã có 1 đứa con trai khỏe mạnh. Những ca mổ thành công đã mở ra hi vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, có nguyên nhân từ người chồng vô tinh. Đối với bệnh này, việc điều trị nội khoa thường không có kết quả mà phải điều trị bằng ngoại khoa chủ yếu là vi phẫu thuật. Nhờ kính hiển vi mà kỹ thuật viên dễ nhận biết và bảo tồn tĩnh mạch tinh tránh được biến chứng teo tinh hoàn hoặc tràn dịch tinh mạc.
Theo lời khuyên của BS Dũng, nam giới không nên mặc các loại quần lót có nhiều chất nilon vì dễ bị ngứa ngáy, lở loét. Cũng không được mặc quá chật vì bí do dễ ứ đọng mồ hôi làm ảnh hưởng đến tĩnh mạch tinh hoàn. Thường xuyên chú ý vệ sinh và tắm rửa sạch sẽ vùng kín của nam giới. Khi mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh nên hạn chế sờ nắm vào tinh hoàn vì dễ gây biến chứng để lại hậu quả không tốt.
Hương Thủy
Bình luận (0)