Tại TP.HCM, chương trình bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Theo đó việc tổ chức phối hợp thực hiện đã đi vào nền nếp, phần lớn các trường đã triển khai khá tốt việc vận động, lập danh sách và thu tiền của HSSV tham gia BHYT…
Khoảng 66% HSSV TP.HCM tham gia BHYT
Hệ thống BHXH đã có mặt tại 24 quận, huyện và gắn kết chặt chẽ với các phòng giáo dục, các trường trên địa bàn. Từ đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức vận động thu và phát hành thẻ BHYT kịp thời cho HSSV. Ngoài ra, chương trình BHYT HSSV cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành giáo dục từ cấp thành phố xuống cấp quận, huyện. Đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của phụ huynh, HSSV trong việc tham gia BHYT đã gia tăng theo chiều hướng tích cực. Đa số phụ huynh, HSSV đã thấy được lợi ích thiết thực từ công tác chăm sóc sức khỏe tại y tế trường học, được khám chữa bệnh (KCB) theo chế độ BHYT tại các cơ sở KCB trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Từ những thuận lợi trên, số lượng HSSV tham gia BHYT trong năm học 2007-2008 đã đạt gần 66%, tăng 6% so với năm học 2006-2007.
Cụ thể, khối phổ thông có 845/864 trường với tổng số học sinh là 639.848/950.016 em tham gia, đạt 67,35%; khối ĐH-CĐ-TH có 201.696/325.706 sinh viên của 121 trường tham gia, đạt 61,92%. Như vậy là trong năm học 2007-2008, toàn thành phố có 841.544 HSSV tham gia BHYT, chiếm 10,53% trong tổng số 7.995.333 HSSV tham gia BHYT của cả nước. Và TP.HCM là thành phố có số HSSV tham gia BHYT đông nhất nước.
Với mức thu 90.000đồng/HSSV trên địa bàn quận và 60.000đồng/HSSV trên địa bàn huyện, năm học 2007-2008, chương trình BHYT HSSV đã thu được tổng cộng 73.384.437.254 đồng. Theo đó quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu 20% để lại nhà trường là 12.768.892.100 đồng, tăng 58,5% so với năm học trước (tương đương 4,715 tỷ đồng).
Chi KCB: từ 55.000 – 656.086 đồng/lượt
Để HSSV tham gia BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi của người có thẻ, bắt đầu từ năm học 2007-2008, BHXH TP.HCM đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc KCB. Chẳng hạn như mở rộng thời gian KCB bằng cách khám ngoài giờ, khám ngày thứ bảy và chủ nhật. Bên cạnh đó, với những trường hợp có một số vướng mắc nên chưa được hưởng đủ quyền lợi tại bệnh viện, BHXH TP cũng đã can thiệp kịp thời. BHXH TP đảm bảo việc chi trả kịp thời cho các cơ sở KCB, cung cấp thuốc, vật tư y tế để phục vụ cho đối tượng có thẻ BHYT nói chung và HSSV nói riêng.
Do vậy, so với năm học 2006-2007, số lượt KCB ngoại trú tăng 7%, nội trú tăng 8%. Kéo theo mức chi KCB ngoại trú tăng 18% và nội trú tăng 6%. Quỹ KCB được sử dụng để KCB nội trú và ngoại trú năm học 2007-2008 là 49,427 tỷ đồng. Quí 4 năm 2007 và quí 1 năm 2008 đã chi hết 24,320 tỷ đồng. Trong đó, chi KCB nội trú là 10,491 tỷ đồng, ngoại trú là 13,762 tỷ đồng, mai táng phí là 66 triệu đồng. Dự kiến trong quí 2 và 3 năm 2008 chi khoảng 36,380 tỷ đồng, nâng tổng số chi KCB năm học 2007-2008 lên 60,700 tỷ đồng. Tỷ lệ vượt chi quỹ KCB là 22,81%, tương đương số tiền bội chi là 11,273 tỷ đồng.
Ước tính năm học 2007-2008 có khoảng 625.370 lượt HSSV tới KCB ngoại trú, số chi là 34,406 tỷ đồng, bình quân chi một lượt là 55.000 đồng. Số lượt KCB nội trú khoảng 39.975 lượt, số chi 26,227 tỷ đồng, bình quân chi là 656.085 đồng/lượt.
Với mức đóng 60.000 – 90.000 đồng/HSSV tùy địa bàn quận, huyện nhưng khi xảy ra ốm đau, bệnh tật, tai nạn thương tích, người tham gia BHYT đã được BHXH “gánh” cho một phần viện phí, thuốc men. Có những trường hợp, BHXH đã trả tới trên 200 triệu đồng. Chẳng hạn như trường hợp của học sinh Võ Thị Kim Loan – Trường PTCS Hưng Phú A bị bệnh bạch cầu mãn dòn đã được điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học, BHXH đã chi trên 234 triệu đồng; học sinh Trần Cao Bảo – Trường THCS Bàn Cờ, Nguyễn Hoàng Trung Thành – Trường THCS Đồng Khởi cùng bị bệnh bạch cầu cấp dòn, BHXH đã chi trả từ 210 đến trên 225 triệu đồng/trường hợp.
Chỉ trong quí 4 năm 2007 và quí 1 năm 2008, quỹ KCB năm học 2007-2008 đã chi mức phí từ 10 – gần 235 triệu đồng/ trường hợp cho 123 HSSV tham gia BHYT.
Với gần 13 tỷ đồng, quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu để lại trường đã được các trường dùng để trả lương cho cán bộ y tế học đường, mua thuốc, hóa chất thiết yếu. Ngoài ra, số tiền trên còn được dùng để trang bị các dụng cụ y tế thông thường như ống nghe tim phổi, bộ dụng cụ tiểu phẫu, bộ khám ngũ quan, huyết áp kế, nhiệt kế… Bên cạnh đó, quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu còn được một số trường dùng để hỗ trợ chi phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đầu cấp, công tác giáo dục vệ sinh học đường, tuyên truyền phòng chống các bệnh tật học đường như cong vẹo cột sống, cận thị. Tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Bài & ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)