Trước giá cả thị trường ngày một tăng, có thầy cô giáo đã nói vui: “Cái gì cũng tăng giá, chỉ có lương của thầy cô giáo là luôn ổn định”. Đã thế, khung học phí hiện áp dụng cho các cấp học đã lỗi thời nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Đời sống thầy cô giáo sẽ ngày càng khó khăn hơn với vật giá hiện tại?
Ngày 11-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2007-2008 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2008-2009. Theo đó, năm học 2008-2009 các khoản thu như học phí, tiền cơ sở vật chất và các khoản thu khác vẫn như… các năm trước. Còn cơ sở vật chất, trường lớp thì có tới 89 dự án bị tạm ngưng…
Một tháng học phí không mua nổi 1 lít xăng!
“Năm học 2007-2008 cái gì cũng thay đổi, chỉ có lương giáo viên là “ổn định”. Và năm học mới này, mức lương đó cũng sẽ “ổn định” khi mà học phí, tiền cơ sở vật chất và các khoản thu khác không tăng. Học phí bậc THCS là 15.000đ/tháng (khu vực nội thành), 10.000đ/tháng (khu vực ngoại thành) chưa mua nổi 1 lít xăng. Còn học phí ở bậc THPT là 30.000đ/tháng (nội thành) và 25.000đ/tháng (ngoại thành) chỉ hơn lít xăng một chút. Với mức thu như thế này thì làm sao nhà trường có thể chăm lo đời sống cho giáo viên được…”, ông Nguyễn Trọng Chức – Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Thạnh bức xúc.
Chung nỗi niềm với ông Chức, ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi tâm tư: “Khi xăng tăng vọt lên 19.000đ/lít, nhiều giáo viên nhà ở nội thành hỏi tôi: “Thầy ơi, xăng tăng cao như vậy, năm học mới tụi em có được hỗ trợ tiền xăng không. Nếu không được hỗ trợ, tụi em không biết làm sao đi xuống Củ Chi để dạy học”. Tôi suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều nhưng không biết giải quyết thế nào. Đây là một việc ngoài tầm tay của những hiệu trưởng như tôi…”.
Không chỉ các trường phổ thông than thở mà cả các trung tâm giáo dục khác cũng phải thở than. Ông Nguyễn Văn Linh, Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Q.6 cho biết: “Mức học phí cho một tiết học nghề ở bậc THCS là 500đ, bậc THPT là 600đ. Mỗi khóa có 90 tiết, theo đó mức học phí là 45.000đ (THCS) và 54.000đ (THPT). Mức học phí này quá thấp, không đủ để giáo viên lên lớp. Tôi đề nghị tăng lên 2.000đ/tiết để đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như đảm bảo đời sống cho giáo viên”.
Cùng “lỗi thời” với mức thu học phí và tiền cơ sở vật chất là tiền phục vụ bán trú, vệ sinh phí, cơ sở vật chất phục vụ bán trú… Hàng chục năm nay tiền phục vụ bán trú ở phổ thông (từ tiểu học đến THPT) vẫn chỉ dao động từ 25.000 – 30.000đ/tháng (nội thành) và 20.000 – 25.000đ/tháng (ngoại thành). Tất cả các trường tổ chức bán trú đều đã thu ở mức tối đa nhưng lương của đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu cũng không thể vượt qua cái ngưỡng 1 triệu đồng/tháng.
Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho rằng, phí bán trú, tiền ăn, vệ sinh phí… là sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Vì đây là những hoạt động mang tính dịch vụ, phụ huynh nào chấp thuận được mức phí thì cho con theo học bán trú, nếu không chấp thuận được thì thôi. Do đó, việc đưa ra một cái khung cố định sẽ khiến cho các trường khó khăn trong việc thỏa thuận mức phí đối với phụ huynh học sinh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận: “Mặc dù năm học 2007-2008, ngành GD-ĐT TP.HCM đã gặt hái được nhiều kết quả như nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích dẫn đầu cụm thi đua vùng 7, 6 bằng khen của Bộ GD-ĐT… Song, vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, tồn tại lớn nhất là không tham mưu được với UBND TP để có được sự điều chỉnh học phí. Trong năm học mới này, Sở sẽ tìm cách tham mưu cho UBND TP để có hướng giải quyết…”.
Theo đó, trong năm học mới này Sở GD-ĐT sẽ quan tâm hơn tới chế độ chính sách cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. “Giáo viên mầm non phải đi sớm về trễ, mỗi ngày các cô không chỉ làm 8 tiếng mà là 10-12 tiếng. Những cô chưa có chồng thì không có thời gian tìm hiểu bạn trai, những cô có gia đình thì không có thời gian chăm sóc chồng con. Năm học này, Sở GD-ĐT sẽ phải tính tiền phụ trội cho các giáo viên mầm non…”, ông Huỳnh Công Minh khẳng định.
Cơ sở vật chất – thiếu và yếu
Đến thời điểm này đã có 23/24 quận, huyện thực hiện xong quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học đến năm 2020. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là… trên giấy. Bởi trên thực tế, trong năm học qua có tới 89 dự án chuẩn bị đầu tư bị giãn tiến độ.
Bà Hồng Hải, Q.Tân Phú cho biết: “Q. Tân Phú có 2 công trình bị ngưng, đó là Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trường Tiểu học Tây Thạnh. Việc này đã gây ra nhiều bức bách về việc giải quyết chỗ học cho con em nhân dân”. Hay như ở Q.10 cũng có tới 5 công trình bị ngưng. Các dự án xây dựng Trường Tiểu học Lam Sơn – Gò Vấp, THCS Sông Đà – Phú Nhuận, Tiểu học Phước Long – Q.9, Tiểu học Nguyễn Huệ – Q.4, THPT An Phú – Q.2… vẫn tiếp tục là “cái bánh vẽ”.
Còn cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B, Bình Chánh thì đã xuống cấp trầm trọng: mưa thì dột – học sinh phải lội nước lõm bõm, mùa nắng thì nóng. Song, dự án xây dựng trường dù đã có từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khởi công. Không chỉ có vậy, phòng học chật chội phải kê thêm bàn ghế để học sinh có chỗ ngồi. Hiện nay, do thiếu phòng nên trung bình mỗi lớp có tới 45-50 học sinh.
Còn Trường Khánh Hội A đã được tháo dỡ từ năm học trước, thầy trò phải “ăn nhờ, ở đậu” tại các trường lân cận. Tưởng rằng năm học này sẽ được học trường mới, nào ngờ trường chưa kịp khởi công thì đã bị tạm ngưng do… giá tăng.
Trước những bức xúc của các trường, ông Huỳnh Công Minh giải thích: “Những công trình bị ngưng chỉ là ngưng tạm thời từ nay đến cuối năm. Và cũng chỉ ngưng những công trình khó tiến triển. Công trình nào tiến triển mà bị ngưng thì phòng giáo dục nên có ý kiến, giải trình để Sở GD-ĐT tham mưu với UBND TP”.
Ông Minh cũng cho biết, trong năm học 2008-2009, với mục tiêu xây dựng trường tiểu học hiện đại, sẽ cố gắng giải quyết tình trạng quá tải, giảm sĩ số học sinh/lớp xuống 30 em. Ở những quận mới có đông dân nhập cư như Tân Phú, Bình Tân thì phải quyết liệt xây dựng trường. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của học sinh cũng như giải tỏa bớt căng thẳng, áp lực cho giáo viên. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc xây dựng thêm trường mầm non, đặc biệt là ở những địa bàn “trắng” trường. Làm sao để mỗi xã, phường phải có ít nhất một trường mầm non công lập…
Được biết, năm học 2008-2009, ngành GD-ĐT sẽ đưa vào sử dụng 37 trường học mới với 566 phòng học. Trong đó, mầm non có 14 trường (122 phòng học), tiểu học có 12 trường (273 phòng học), THCS có 9 trường (105 phòng học), THPT có 2 trường (66 phòng học). Các trường xây mới chủ yếu nằm ở các quận ven và huyện ngoại thành như Q.2, 7, 9, 11, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè. Tổng ngân sách đầu tư cho các công trình xây dựng trường học năm 2008 là 496,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 365,7 tỷ, còn lại là của các tổ chức xã hội và các cá nhân – 69,9 tỷ đồng. “Các quận, huyện cần tiếp tục triển khai đầu tư, xây mới, nâng cấp và mở rộng trường lớp. Từng địa phương phải phủ kín hệ thống trường phổ thông các cấp, trường mầm non để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn. Phải làm sao để học sinh không phải học trái tuyến, sĩ số học sinh đảm bảo theo quy định và ngày càng giảm xuống từ 45 học sinh/lớp xuống 40, 35 rồi 30 em.”… Bà Hà nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đã chỉ đạo ngành GD-ĐT cần có giải pháp tích cực chăm lo đời sống cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó cần có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên trường chuyên, có hình thức khen thưởng thích đáng đối với những học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế… |
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)