Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2008-2009: “Siết chặt” các trường mầm non ngoài công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở MNNCL nào không đảm bảo an toàn cho cháu sẽ phải đóng cửaTP.HCM hiện có trên 250 trường mầm non (MN) và khoảng 820 nhóm, lớp tư thục đang nuôi giữ khoảng 112.300 trẻ, chiếm trên 40% số trẻ theo học MN. “Sự phát triển của các cơ sở MN ngoài công lập (NCL) đã phần nào đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế…”, bà Lê Thị Hồng Liên – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định tại buổi triển khai nhiệm vụ năm học mới cho các cơ sở MN NCL ngày 22-8 vừa qua.

1.001 cách dạy trẻ phản sư phạm

Một trong những yếu kém của các cơ sở MN NCL là chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên (GV), bảo mẫu (BM). Trên thực tế chỉ có một số ít trường có GV, BM đạt yêu cầu, còn lại là chưa qua đào tạo chuyên môn, hoặc thiếu kinh nghiệm. Theo đó, nhiều GV, BM đã có những cách xử lí tình huống sai trái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng…

Mới đây, tại một cơ sở MN NCL, thấy cháu khóc, cô giáo dọa: “Nếu con không nín, cô sẽ nhốt vào thang máy”. Đứa trẻ không những không nín mà còn khóc to hơn, thế là cô giáo đã ẵm đứa trẻ (chưa đầy 3 tuổi) bỏ vào thang máy rồi ấn nút lên lầu 2. Sau đó cô giáo chạy lên lầu 2 đón cháu, nào ngờ ở trong cầu thang đứa trẻ sợ quá vừa khóc vừa giãy giụa. Hậu quả là cháu bị thanh sắt trong thang máy cứa đứt gót chân…

“Hình như các cô rất thích dọa cháu, lúc nào các cô cũng bận tâm suy nghĩ làm sao để dọa cho cháu sợ… Có cô thấy cháu biếng ăn, dọa: “Nếu con không ăn, cô sẽ bỏ đói luôn”, rồi nhốt trẻ vào nhà vệ sinh hay gầm cầu thang. Thậm chí có cô thấy cháu khóc, không dỗ được nên dọa: “Con khóc hoài, cô đem ra đường cho xe tải cán”. Tôi đề nghị các cô không được dọa cháu, điều đó sẽ làm trẻ sợ dễ dẫn đến sang chấn tâm lý, nguy hiểm hơn còn gây ra thương tích cho trẻ…”, bà Hồng Liên bức xúc.

Không chỉ có vậy, sự thiếu hiểu biết của nhiều GV, BM đã vô tình giáo dục cho trẻ những thói hư tật xấu. Bà Hồng Liên kể lại: “Mới đây khi đi kiểm tra hoạt động của một cơ sở MN NCL, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy một học sinh cầm thước đánh lên đầu các bạn. Tôi hỏi đứa trẻ: “Tại sao con lại dùng thước đánh bạn”. Đứa trẻ ngây thơ trả lời: “Cô nói, bạn nào la lối, khóc lóc thì con được quyền dùng thước đánh bạn”. Đứa trẻ cũng cho biết, mỗi ngày một học sinh trong lớp được quyền dùng thước thay cô giáo “cai trị” những bạn hay khóc, quậy phá. Khi tôi hỏi GV là tại sao lại làm như vậy thì cô này thản nhiên trả lời: “Vì nhà trường không cho GV đánh cháu. Nhưng nếu không đánh thì chúng nó quậy quá nên cần phải có người trị”. Như vậy là vô hình trung cô giáo đã tạo ra luật giang hồ trong trường MN, biến các cháu thành những “đại bàng”…”.

Theo đó trong năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT TP đề nghị chỉ những cô tốt nghiệp lớp 12, qua đào tạo ít nhất 3 tháng về chuyên môn mới đủ điều kiện trông cháu…

Giờ chơi của trẻ tại một trường mầm non ngoài công lập.  Ảnh: HÒA TRIỀUSẽ đóng cửa những cơ sở không an toàn cho trẻ

Với phương châm phát triển giáo dục MN ổn định – an toàn – bền vững, trong năm học này Sở GD-ĐT và các phòng giáo dục quận, huyện sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở MN NCL. Một trong những vấn đề trọng tâm là các cơ sở MN NCL phải tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua thực tế đi kiểm tra, Sở GD-ĐT phát hiện có khá nhiều chủ trường mua thực phẩm chợ chiều, hàng rẻ để chế biến bữa ăn cho trẻ. Nguyên nhân là do các chủ trường muốn kiếm một phần lợi nhuận, mặt khác tiền ăn của các cháu quá thấp chỉ có 5.000 – 7.000 đồng/ngày, bằng 1/2 tiền ăn ở các trường MN công lập. “Tại sao các chị không mua thực phẩm an toàn mà lại mua hàng rẻ để rồi rước họa vào thân, gây hậu quả cho các cháu. Khi mua thực phẩm cho gia đình ăn, các chị có mua thực phẩm kém chất lượng không? Nếu phụ huynh đóng 5.000 đồng thì các chị cứ mua đủ 5.000 đồng nhưng phải là thực phẩm sạch. Nên mua thực phẩm tại các công ty có giấy cam kết bồi thường khi sự cố xảy ra. Trong năm học này, nếu cơ sở nào để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trẻ, cơ sở đó sẽ phải đóng cửa”, bà Hồng Liên chỉ đạo.

Bên cạnh việc phải đảm bảo thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, các cơ sở MN NCL cũng phải đặc biệt quan tâm đến nguồn nước ăn uống và sinh hoạt, nhất là những nơi sử dụng nước giếng. Theo yêu cầu của Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT thì các cơ sở phải có phiếu kiểm tra nguồn nước. Nếu nước chưa đạt yêu cầu thì các chủ trường phải có trách nhiệm…

Phòng GDMN cũng yêu cầu các cơ sở MN nói chung và cơ sở MN NCL nói riêng phải tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi của trẻ trước ngày khai giảng. Các cơ sở cần dành kinh phí để bảo trì, sửa chữa, thay mới khi phát hiện những chỗ không an toàn để ngăn chặn nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ.n

Bài & ảnh: Hòa Triều

 

Bình luận (0)