Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị |
Tại lễ tổng kết năm học 2008 – 2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Trong thời gian tới, phát triển chất lượng giáo dục phải đi đôi với công tác đổi mới đội ngũ giáo viên. Đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng nội dung “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 – 2013".
HS bỏ học giảm 41%
Năm học vừa qua, con số học sinh (HS) bỏ học đã giảm 41% so với năm trước – Đó là con số đáng phấn khởi. Theo Phó thủ tướng, năm học vừa qua, môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường tiếp tục được xác lập. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Đặc biệt, tình trạng HS yếu kém vốn là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục các tỉnh thành, đặc biệt là những vùng miền núi đã được cải thiện. Đặc biệt, ở vùng ĐBSCL, HS phổ thông bỏ học giảm mạnh từ 1,63% học kỳ I năm 2007 – 2008 xuống còn 0,88% học kỳ I năm học vừa qua. Mặc dù vậy, báo cáo của ngành giáo dục cũng cho hay, con số HS bỏ học vẫn là 86.269 em, chiếm tỷ lệ 0,56%.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 83,8%, số thí sinh vi phạm quy chế thi cũng giảm gần 1/2 so với kỳ thi năm 2008. 50% trường học trên toàn quốc đã được kết nối internet.
Tại hội nghị tổng kết, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thông qua cuộc vận động “Hai không” của ngành GD đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động của xã hội, của các cấp quản lý giáo dục. Thông qua ba cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã làm chất lượng giáo dục nâng cao, tạo tiền đề để phát triển nhanh hơn trong các năm sau. Ngoài ra, cơ sở vật chất giáo dục đã tiếp tục được cải thiện, nhất là ở các vùng khó khăn. Và tạo những tiền đề mới cho phát triển giáo dục ở các giai đoạn sau.
Tuy đã đạt được những thành tựu nổi bật trong năm học 2008 – 2009, nhưng vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Nhìn chung chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả và chất lượng giáo dục, phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý giữa Bộ GD-ĐT với các bộ, ban, ngành địa phương. Kết quả về đổi mới phương pháp dạy và học vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn phổ biến tình trạng dạy theo cách “đọc chép” hay cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu.
Tuyển giáo viên: Bài học từ TP.HCM
Một giờ dạy theo phương pháp đổi mới tại một trường TH ở Đà Nẵng (trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Phương Hằng – GV Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ) |
Tại hội nghị tổng kết, đại biểu của nhiều tỉnh thành rất quan tâm, tán đồng bài học tuyển đội ngũ giáo viên có chất lượng của TP.HCM. Theo TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong năm qua, TP.HCM về cơ bản đã thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng về việc xây dựng đội ngũ sư phạm trong nhà trường, gồm: đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu và không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo viên.
TS. Huỳnh Công Minh cho hay, quy trình tuyển dụng giáo viên ở TP.HCM phải qua 9 bước chặt chẽ, từ Sở GD-ĐT cho đến UBND thành phố. “Có 3 bài học kinh nghiệm lớn về việc tuyển chọn giáo viên mà trong năm học qua TP.HCM đã rút ra, đó là việc tuyển chọn nhất thiết phải quán triệt chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham mưu và phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan; nắm vững tình hình, đặc điểm về nhân sự tại các cơ sở giáo dục địa phương và định hướng phát triển của ngành; tận dụng tốt điều kiện và phương tiện hiện có để thực hiện tốt công tác tuyển giáo viên tại địa phương. Từ năm 2010 – 2011, TP.HCM sẽ phân cấp việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và THCS cho các quận, huyện. Sở GD-ĐT sẽ tuyển dụng giáo viên THPT. Ngoài ra, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng tự tuyển giáo viên cho đơn vị mình. Đối với các trường hợp này, sở chỉ duyệt chỉ tiêu tuyển giáo viên và phê duyệt kết quả. Như vậy sẽ phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu tuyển dụng. Các đơn vị tuyển sẽ phải dùng một phần mềm tuyển dụng chung” – TS. Huỳnh Công Minh cho biết.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chất lượng giáo dục năm học 2008 – 2009 nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, trong đó, có một phần nguyên nhân từ tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học đã kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, phương pháp và chất lượng đào tạo giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong năm học 2009 – 2010 và giai đoạn mới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh. Phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đoàn TNCS HCM tổ chức “Tháng khuyến học” từ 2-9 đến 2-10, tổ chức tuyên dương các gia đình, các xã đạt danh hiệu gia đình khuyến học, xã khuyến học. Trong đó, công tác cho phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục việc thiếu giáo viên tại các tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được tuyển dụng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:
“Kết quả đổi mới phương pháp dạy và học năm học 2008 – 2009 vẫn còn hạn chế, vẫn còn phổ biến tình trạng dạy học theo cách đọc – chép. Bộ đã có chỉ đạo bước đầu nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được mô hình, phương pháp và tài liệu phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Bắt đầu từ năm học tới 2009 – 2010, Bộ GD-ĐT tăng cường vận động ngành giáo dục, trong vòng hai năm sẽ chấm dứt việc hạy học chủ yếu qua đọc – chép ở trường THCS và THPT. Mỗi giáo viên, mỗi cán bộ giáo dục thực hiện một phương pháp đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý”.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
“Căn cứ vào tỷ lệ HS khá giỏi giữa THCS và THPT, điều làm chúng ta không khỏi lo ngại là dường như càng ngày, học lực và hạnh kiểm của các em lại càng đi xuống. Thực tế 100 em lớp 9 thì chỉ có khoảng 70 em vào lớp 10, THCS có gần 50% HS khá giỏi thì đến THPT con số này giảm xuống còn 34%, trong khi đó HS yếu kém lại tăng từ 10,7% (THCS) lên 15,8% ở bậc THPT… Vì thế năm học 2009 – 2010, bộ yêu cầu toàn ngành giáo dục tăng cường công tác đổi mới giáo dục, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục. Với phương châm: mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học”.
|
Đinh Hương
Bình luận (0)