Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Năm học 2009 – 2010: Đưa con em lao động nghèo đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

 “Có ít nhất một trường học trong từng ngành học, cấp học ở từng quận, huyện đạt chuẩn của khu vực và quốc tế. Không còn trường nào yếu kém về cơ sở vật chất và môi trường sư phạm. Cán bộ, giáo viên biết sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Tất cả học sinh (HS) phổ thông được học tin học, ngoại ngữ, văn nghệ, thể dục, thể thao, kỹ năng sống và được hướng dẫn phương pháp tự học đạt hiệu quả”. Đó là những tiêu chí của năm học 2009 – 2010 được ngành GD-ĐT TPHCM khẳng định quyết tâm sẽ phấn đấu đạt được trong hội nghị tổng kết năm học 2008 – 2009 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học mới được tổ chức ngày 7- 8. Đến dự hội nghị có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vui trong ngày được TP tuyên dương khen thưởng, năm học 2008 – 2009. Ảnh: MAI HẢI

Theo báo cáo của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh, năm học 2008 -2009, giáo dục mầm non phát triển mạnh về quy mô và chất lượng với tổng số 659 trường học, tăng 42 trường. Các trường học đã đặc biệt quan tâm tới các biện pháp phòng bệnh, phòng dịch, phòng tai nạn, thương tích, ngộ độc cho trẻ.

Ở giáo dục tiểu học, tỷ lệ nghỉ, bỏ học rất thấp so với năm học trước (0,04%), giáo viên được điều chỉnh nội dung dạy học trong từng tiết học cho phù hợp với từng HS. Trường học bậc THCS, THPT đã đổi mới phương pháp dạy học thông qua CNTT, tạo niềm hứng thú cho thầy trò trong học tập. Số HS đoạt giải quốc gia là 99 em, tăng 31 giải so với năm học trước. Đặc biệt, TPHCM có 3 giải quốc tế về toán, lý, hóa. Tuy ngành GD-ĐT nhìn nhận bất cập của giáo dục TPHCM hiện nay là trường lớp vẫn còn thiếu so với yêu cầu học tập của PHHS nhưng theo khảo sát của HĐND TP, giáo dục là lĩnh vực được cử tri tín nhiệm cao nhất trong 8 dịch vụ được khảo sát.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đánh giá cao sự sáng tạo, năng động của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc đưa giáo dục TPHCM phát triển bền vững. Những cách làm này phải được nhân rộng trong trường học.
Đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Ngành giáo dục phải chú ý tạo điều kiện cho con em lao động nghèo, lao động nhập cư được đến trường, học hành đến nơi đến chốn. Trước tình hình dịch cúm A/H1N1, ngành y tế, ngành GD-ĐT phải nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra cúm A/H1N1 sau ngày khai giảng để bảo vệ an toàn sức khỏe cho HS, giáo viên”.  
Hg.LIÊN (SGGP)
Tập trung thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi
Ngày 7-8, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu triển khai thực hiện đại trà chương trình giáo dục mầm non mới, tập trung thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Đặc biệt quan tâm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc trước khi vào lớp 1.
Bộ cũng cho biết bộ sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009 – 2015. Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tập trung kinh phí xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tuyển dụng và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo viên để huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường.
Đảm bảo trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các vùng còn lại huy động hết trẻ 5 tuổi được học trong các loại hình trường khác nhau.
N.HÀ
 

Bình luận (0)