Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2009-2010: Học sinh THCS, THPT sẽ học 37 tuần/năm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích tốt

Ngày 16-4-2009, tại Vĩnh Phúc, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị giao ban chánh văn phòng sở GD-ĐT và tập huấn công tác văn phòng năm 2009. 150 đại biểu từ 63 sở GD-ĐT đã về dự. Vấn đề trọng tâm được bàn thảo tới trong hội nghị lần này là nhiệm vụ năm học 2008-2009 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2009-2010.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2009-2010
Trong dự thảo lấy ý kiến đóng góp của các sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đưa ra chủ đề trọng tâm của năm học 2009-2010 là nâng cao chất lượng giáo dục và đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Để triển khai chủ đề này, Bộ đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của năm học tới. Thứ nhất tiếp tục triển khai các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành. Thứ hai đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá, ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng phổ cập. Thứ ba, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục. Đổi mới quản lý tài chính, đẩy mạnh huy động các nguồn lực phát triển giáo dục, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục. Thứ tư, phát triển mạng lưới trường, lớp. Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; hoàn thành chỉ tiêu chương trình kiên cố hóa phòng học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT. Thứ năm là chăm lo và đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thứ sáu, triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020 và 3 chương trình cấp quốc gia: phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi; hiện đại hóa hệ thống trường THPT chuyên; phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú.
Học sinh THCS, THPT sẽ học 37 tuần/năm
Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra dự thảo về kế hoạch thời gian năm học 2009-2010. Theo đó, kế hoạch thời gian năm học có thể bao gồm thêm các ngày nghỉ khác như nghỉ giữa kỳ, cuối học kỳ, nghỉ theo mùa vụ (đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số), nghỉ tết của đồng bào dân tộc, nghỉ tham gia lễ hội truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2009-2010 phải đảm bảo các nguyên tắc: đối với cấp tiểu học, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ 1 có ít nhất 18 tuần, học kỳ 2 có ít nhất 17 tuần). Đối với THCS, THPT có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ 1 có ít nhất 19 tuần, học kỳ 2 có ít nhất 18 tuần). Đối với giáo dục thường xuyên, thời gian thực học ít nhất là 32 tuần (học kỳ 1 có ít nhất là 16 tuần, học kỳ 2 có ít nhất là 16 tuần). Khung thời gian năm học 2009-2010 áp dụng chung trong toàn quốc được quy định như sau: tựu trường sớm nhất vào ngày 1-8-2009 và muộn nhất là 28-8-2009. Tổ chức khai giảng trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến ngày 5-9-2009. Thời gian kết thúc học kỳ 2 muộn nhất vào ngày 25-5-2010 và kết thúc năm học muộn nhất vào ngày 31-5-2010. Thi học sinh giỏi THPT quốc gia vào ngày 11-3-2010. Thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT vào các ngày 1, 2, 6-6-2010. Nếu tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia thì thời gian thi sẽ là 15, 16, 17, 18-6-2010 và thi 8 môn. Nếu không, thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 vẫn tổ chức theo 3 đợt như 2009. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS xong trước 15-6-2010. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho năm học 2010 -2011 hoàn thành trước ngày 31-7-2010. Nghỉ tết âm lịch ít nhất là 7 ngày. Tổng thời gian nghỉ hè đối với giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả thời gian nghỉ học được bố trí xen kẽ trong năm học do đặc điểm cụ thể về kế hoạch thời gian năm học của địa phương).
Lại chuyện đời sống giáo viên và cơ sở vật chất

Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.HCM).  Ảnh: P.N.Q

Cũng tại hội nghị, các chế độ chính sách liên quan đến tiền lương cho giáo viên, cơ sở vật chất các trường đều được chánh văn phòng các sở đưa ra. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị cần có chính sách đối với chế độ tiền lương, chế độ chính sách đối với giáo dục mầm non như tiền lương, cơ sở vật chất. Đặc biệt là lương cho giáo viên mầm non các huyện ngoại thành, huyện miền núi của Hà Nội như Mê Linh, Sóc Sơn, Hà Tây (cũ)… Ông Thống cũng đề nghị không nên trích 40% học phí để trả lương cho giáo viên. Vì học phí hiện nay rất thấp, nếu trích, các trường sẽ mất một khoản chi đáng kể. Ông cũng đề nghị Bộ sớm ban hành quy định chuyển đổi mô hình trường từ dân lập sang tư thục. Các sở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn cũng đưa ra vấn đề này. Mức học phí theo các sở như hiện nay đã “lạc hậu” do đó, đề nghị Bộ sớm ban hành khung học phí mới.
Còn về phía Bộ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị các sở chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT. Theo Thứ trưởng Luận, tính chất quan trọng của kỳ thi đòi hỏi phải làm tốt để triển khai chủ trương của Bộ về đổi mới thi và tuyển sinh vào năm sau. Về chương trình kiên cố hóa trường lớp, theo báo cáo của kho bạc thì tỷ lệ chung là tốt nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tỉnh còn chậm và còn sai sót, tiến độ giải ngân chậm, dưới 50%, đề nghị các tỉnh giải ngân nhanh. Thứ trưởng Luận cho biết nếu các sở tiếp tục giải ngân chậm sẽ điều chuyển vốn cho những tỉnh giải ngân nhanh theo yêu cầu của Chính phủ. “Việc này thực ra là cực chẳng đã phải làm” – Thứ trưởng Luận nói.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)