Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2009 – 2010: Ngành giáo dục chuyển mình

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ đề của năm học 2009 – 2010 được Bộ GD-ĐT đưa ra là “năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển về chủ đề này.
Chủ đề năm học mới 2009 – 2010 được ngành giáo dục chọn là “năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Xin Thứ trưởng cho biết, với chủ đề này ngành giáo dục sẽ tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào?
– Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ năm học 2008 – 2009, bước vào năm học 2009 – 2010, chủ đề năm học được xác định là năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Toàn ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nhiệm vụ thứ nhất là tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh. Thứ hai là đổi mới quản lý giáo dục. Thứ ba là triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ tư là phát triển mạng lưới trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Thứ năm là chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cuối cùng là đánh giá toàn diện kết quả thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010. Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020.
Đội ngũ cán bộ quản lý từ lâu luôn là điều trăn trở đối với những người làm trong ngành giáo dục. Xin Thứ trưởng cho biết, cùng với chủ đề của năm học này, đối với đội ngũ cán bộ quản lý, ngành giáo dục sẽ có những chỉ đạo, chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào?
– Ngành giáo dục sẽ có thêm những chính sách cụ thể đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) như: triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội quy định về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; thực hiện chế độ bảo lưu phụ cấp đứng lớp có thời hạn cho nhà giáo được điều động về công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; hoàn thiện các văn bản quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, trường mầm non và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và triển khai việc giáo viên tham gia đánh giá hiệu trưởng, giám đốc trung tâm theo chuẩn; thực hiện việc luân chuyển nhà giáo và CBQLGD đã công tác lâu năm ở những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn.
Đội ngũ CBQLGD có phải là vấn đề “then chốt” để ngành giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo không, thưa Thứ trưởng?
– Đội ngũ CBQLGD trong các cơ sở giáo dục ở bất kỳ thời điểm nào cũng luôn là lực lượng then chốt quyết định chất lượng giáo dục, điều đó đã được khẳng định trong Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư và Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD giai đoạn 2005 – 2010” và trong điều lệ các nhà trường. Không thể có một tập thể tốt nếu không có người lãnh đạo tốt. Đặc biệt trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay, các CBQLGD phải là người tiên phong, tự mình học hỏi để đổi mới và sáng tạo trong quản lí; hiệu trưởng, hiệu phó còn phải gương mẫu thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phải biết xây dựng môi trường sư phạm thuận lợi để tạo động lực và hỗ trợ cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.
Theo Thứ trưởng, để thực hiện được chủ đề của năm học mới 2009 – 2010, ngành giáo dục sẽ có những thuận lợi và những khó khăn như thế nào?
Những thuận lợi mà ta có thể thấy đó là cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã và đang ngày càng quan tâm chăm lo nhiều hơn đến các điều kiện để phát triển giáo dục. Các tầng lớp nhân dân quan tâm ủng hộ và tham gia tích cực vào công tác giáo dục. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các ban ngành có liên quan ngày càng hiệu quả hơn. Toàn ngành cũng đã triển khai Chỉ thị số 06/CT-TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 33/2006/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Các điều kiện phục vụ sự nghiệp giáo dục ngày càng được cải thiện; mạng lưới giáo dục ngày càng phát triển và được củng cố…
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn. Đất nước hội nhập tạo cơ hội cho giáo dục phát triển nhưng cũng tạo nên nhiều thách thức lớn cho ngành giáo dục Việt Nam như chất lượng giáo dục chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; nguồn lực cho phát triển giáo dục tăng hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; đội ngũ nhà giáo vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ; các tiêu cực của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ nhà giáo và công tác giáo dục đạo đức học sinh. Chất lượng giáo dục giữa các vùng miền còn chênh lệch. Cơ sở vật chất nhà trường và trang thiết bị dạy học đã được tăng cường song vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới giáo dục… Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp của các cấp, các ngành, toàn ngành giáo dục quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi năm học với chủ đề năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành hiện nay, theo Thứ trưởng còn có những điểm mạnh và những yếu kém như thế nào?
– Theo tôi, về điểm mạnh, nhìn chung đội ngũ CBQLGD trong các cơ quan quản lý và trong các cơ sở giáo dục đều đảm bảo yêu cầu đặt ra, đa số họ là những cán bộ có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, có kinh nghiệm và kết quả công tác chuyên môn vững vàng, luôn có ý thức học hỏi nâng cao trình độ; có quan hệ tốt với cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, cụ thể như: năng lực của một bộ phận CBQLGD các cấp và các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Còn hạn chế trong việc xác định các mục tiêu cụ thể, phù hợp của đơn vị do mình phụ trách; trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch; việc tham mưu xây dựng chính sách; chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; quản lý theo kinh nghiệm, chưa chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ, tin học còn hạn chế. Đặc biệt, một bộ phận CBQLGD còn chưa thật sự gương mẫu, chưa chuyên tâm với nghề nghiệp nên chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Sau một năm thực hiện chủ đề năm học, ngành giáo dục đặt ra mục tiêu cụ thể đối với đội ngũ quản lý và chất lượng giáo dục như thế nào, thưa Thứ trưởng?
– Ngành đã đặt ra chỉ tiêu trong năm học mới để phấn đấu là đội ngũ CBQLGD sẽ đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định. Trong vòng 2 năm toàn bộ hiệu trưởng các trường phổ thông được bồi dưỡng về khoa học quản lý theo chương trình liên kết Việt Nam – Singapore; trên 700 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường TCCN được bồi dưỡng, tập huấn về quản lý nhà trường; khoảng 500 CBQLCSGD đại học sẽ được tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường thông qua các lớp bồi dưỡng ở trong và ngoài nước. Đội ngũ hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông, giám đốc các trung tâm GDTX sẽ được giáo viên và các cơ quan quản lí cấp trên đánh giá, xếp loại, qua đó thấy rõ các mặt mạnh, mặt yếu cần phấn đấu theo chuẩn.
Về chất lượng giáo dục: năm học này, chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được áp dụng đại trà ở những nơi có điều kiện. Chương trình giáo dục và SGK phổ thông sẽ chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh. Phương pháp giảng dạy tiếp tục được đổi mới, khắc phục tình trạng “đọc – chép”, học thuộc lòng một cách máy móc. CNTT được áp dụng rộng rãi, hiệu quả hơn. Cách kiểm tra, thi và đánh giá sẽ được cải tiến một bước theo yêu cầu khuyến khích khả năng vận dụng kiến thức, rèn luyện năng lực tự học và sáng tạo của học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong cơ sở giáo dục, đào tạo sẽ được tăng cường, đầu tư, nâng cấp. Triển khai việc đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục.
Trước thềm năm học mới, là người gắn bó lâu năm với ngành, Thứ trưởng có tâm sự và chia sẻ gì đối với đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên của mình không?
Tôi tin tưởng vào thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục do Đảng ta lãnh đạo. Và niềm tin đó càng mãnh liệt hơn bao giờ hết trước những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua.
– Từng là giáo viên, sau nhiều năm làm công tác quản lý, điều đầu tiên tôi có thể nói là tôi tin tưởng và tự hào ở đồng nghiệp của tôi, những nhà giáo và CBQLGD. Chính họ, với những nỗ lực không ngừng đã và đang tạo nên những thế hệ người Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn phong phú, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời cũng sẵn sàng và dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Gắn bó nhiều năm với ngành giáo dục, tôi đã không ít lần chứng kiến những thiệt thòi, thiếu thốn và thậm chí cả hy sinh, mất mát của bạn bè, đồng nghiệp trong sự nghiệp trồng người; đã từng xót xa khi có những người vì cuộc sống khó khăn, đã không đủ bản lĩnh giữ được phẩm chất để xứng đáng với một nghề được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý trong những nghề cao quý”. Tôi xin chia sẻ, thông cảm trước những hy sinh, những trách nhiệm nặng nề, to lớn của đội ngũ người thầy. Trong những năm qua, chứng kiến sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ nhà giáo, CBQLGD, tôi thấy vui mừng và yên tâm về đội ngũ của mình – những con người đã, đang và sẽ làm nhiệm vụ tiên phong trên mặt trận giáo dục. Tôi tin tưởng và niềm tin đó càng mãnh liệt hơn bao giờ hết trước những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua. Tôi tin tưởng vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục do Đảng ta lãnh đạo.
Trước thềm năm học mới, năm học 2009 – 2010 với chủ đề “đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, tôi xin chúc đội ngũ các cô giáo, các thầy giáo, các nhà quản lý giáo dục nước ta bước vào năm học mới với niềm tin và tự hào “là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo!”.
Xin cảm ơn Thứ trưởng
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)