Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2009 – 2010: Thực hiện 3 công khai ở tất cả các bậc học

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở vật chất được đầu tư ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP.HCM

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc “đăng đàn” trực tuyến lần đầu tiên tại cổng thông tin của Chính phủ vừa qua. Đây cũng được coi là yếu tố quan trọng để ngành giáo dục thực hiện thành công chủ đề năm học 2009 – 2010: đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Then chốt là đổi mới quản lý Nhà nước đối với giáo dục
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hoạt động giáo dục (GD) đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước tiên, xác định mục tiêu chương trình GD, kế đó là hệ thống sách giáo khoa, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ GD, tiếp theo là lực lượng đội ngũ giáo viên gồm cả quy mô, số lượng và chất lượng GD. Bên cạnh đó là phương thức tài chính cho GD (Nhà nước tài trợ như thế nào, đóng góp của người dân đến đâu). Điều rất quan trọng là sự quản lý của Nhà nước đối với chất lượng GD. Để đảm bảo chất lượng như đã nêu cần chuẩn hóa: chuẩn hóa về chương trình, chuẩn hóa về sách giáo khoa, chuẩn hóa đội ngũ thầy cô giáo, chuẩn hóa phương tiện đào tạo. Đặc biệt càng ngày chúng ta càng cần chuẩn hóa công tác quản lý. Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng GD. Vì thế, nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng GD thì đó chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với hệ thống GD-ĐT. Khâu đổi mới này trước tiên liên quan đến việc phải có quy hoạch và chiến lược GD. Gần đây, chúng ta đã có quy hoạch phát triển GD đại học 2005-2020 được Thủ tướng phê duyệt. Tiếp theo là phân cấp. Bộ GD-ĐT làm gì, các sở GD-ĐT làm gì, các trường làm gì? Gần đây là việc chúng ta đã huy động sự tham gia giám sát của học sinh, phụ huynh và đặc biệt là của xã hội vào việc quản lý chất lượng GD. Có thể nói, chọn khâu đột phá chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với chất lượng GD. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ triển khai các biện pháp khác mà ngành GD đang làm như tiếp tục hoàn thiện chương trình sách giáo khoa. Công khai thứ hai là công khai nguồn lực: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất như thế nào để phục vụ công tác giảng dạy. Công khai thứ ba là tình hình tài chính ở đơn vị mình. Tóm lại, đổi mới quản lý chính là khâu đột phá trong đó bên cạnh giải pháp lâu dài, cần chọn giải pháp trước mắt cho từng thời kỳ.
Chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý có nhiều thay đổi
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: trong đề án Chính phủ trình Quốc hội đổi mới cơ chế tài chính, thể hiện giáo dục là quốc sách của xã hội, qua thảo luận Quốc hội đã biểu quyết là sắp tới trong giai đoạn 2011 – 2015, sẽ thực hiện phụ cấp nhà giáo. Như vậy phụ cấp nhà giáo sẽ làm tăng thu nhập của giáo viên đồng thời tăng thêm sự gắn bó của giáo viên với ngành. Chúng tôi coi đây là giải pháp đã nằm trong kế hoạch triển khai tuy nhiên là chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên tăng trưởng kinh tế của chúng ta thay vì 8-9% chỉ đạt trên dưới 5% do đó mức độ và tiến độ của việc thực hiện thâm niên sẽ được quyết định cụ thể trong thời gian từ chương trình 2009-2014 ở thời điểm phù hợp. Còn đối với cán bộ quản lý thì Quốc hội đã thông qua một chính sách đặc biệt là nếu thầy cô giáo dạy giỏi chuyển sang làm cán bộ quản lý ở phòng GD, sở GD thì sẽ được giữ phụ cấp giảng dạy trong vòng 3 năm mặc dù là không còn dạy nữa. Chính sách đối với giáo viên miền núi cũng có nhiều thay đổi. Theo người đứng đầu ngành giáo dục, vừa qua Bộ đã giao cho Cục Nhà giáo cán bộ quản lý GD, Vụ Tổ chức Cán bộ khảo sát vấn đề này tại 4 tỉnh thuộc vùng khó khăn để từ đó có đề án. “Hiện nay ngành GD-ĐT có đề xuất chính sách: thông thường sau 15-20 năm công tác có cống hiến tốt thì được tặng Kỷ niệm chương của ngành GD. Năm vừa rồi có đề xuất, ở vùng khó khăn 1 năm được tính bằng 1,5 hoặc 2 năm, tùy điều kiện để sau này khen thưởng xứng đáng hơn. Những chính sách khác Bộ đang nghiên cứu” – Phó thủ tướng nói. Theo đề án này, những người gốc từ đâu đi, khi muốn trở về thì sở GD-ĐT ở tỉnh đó phối hợp Sở Nội vụ phải đón về. Đồng thời, để tránh “chảy máu chất xám” trong ngành giáo dục, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay Bộ GD-ĐT đã có chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước và nước ngoài, đặc biệt đào tạo nước ngoài Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Như vậy Nhà nước đã có chính sách cụ thể để phát triển năng lực nghề nghiệp của nghề giáo. Về mặt thu nhập, Nhà nước quan tâm điều chỉnh chính sách, bên cạnh việc tăng lương nói chung, sắp tới sẽ thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo, ở những đơn vị trường cao đẳng, đại học có những nghiên cứu khoa học, thông qua hoạt động này, các nhà giáo sẽ có thêm thu nhập khi có những giải pháp kỹ thuật, sáng chế. Và cuối cùng là việc tôn vinh về mặt xã hội, khi chúng ta cống hiến tốt, có sự trân trọng của học trò, của phụ huynh, danh hiệu của nhà giáo các bậc, đây cũng là sự  động viên của nghề giáo.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)