Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2011-2012: Đưa hàng bình ổn giá đến trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2011-2012 đã cận kề, cặp sách, tập vở và đồng phục… là những mặt hàng đang “nóng” lên từng ngày. Tuy nhiên, TP.HCM đã có những kế hoạch cụ thể nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng này (với giá bán thấp hơn từ 10 tới 15% so với giá hiện hành), cũng như chuẩn bị lượng hàng bình ổn chiếm khoảng 33% nhu cầu thị trường.
Đưa hàng bình ổn đến phụ huynh và học sinh
Nhằm chung sức chăm lo cho học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn TP trong mùa khai giảng năm học 2011-2012 và góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TP năm 2011, UBND TP vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ năm học mới gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đối tượng phục vụ của chương trình là HSSV trên địa bàn TP. Lượng hàng hóa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 2,2 triệu HSSV đang học tập tại TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường bất thường. “Giá bán của các sản phẩm trong chương trình bình ổn phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng trên thị trường ít nhất là 10-15% trong suốt thời gian thực hiện bình ổn”, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định. Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn gồm: tập vở, cặp – ba lô – túi xách và đồng phục HS. Lượng hàng hóa có giá bình ổn chiếm khoảng 20-33% nhu cầu tiêu dùng của HSSV trong mùa khai giảng năm học mới. Cụ thể: tập vở: 4,4 triệu quyển (chiếm khoảng 33%); đồng phục HS: 560.000 bộ (chiếm 20%); cặp – ba lô – túi xách: 450.000 cái (chiếm 32%). Chương trình bình ổn này có 10 doanh nghiệp tham gia, trong đó có hai doanh nghiệp không nhận vốn của chương trình. Thời gian thực hiện bình ổn bắt đầu từ nay đến hết ngày 31-10-2011.
Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện có trách nhiệm, chủ trì, phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền về chương trình đến ban giám hiệu các trường, phụ huynh và HSSV trên địa bàn. Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đưa các sản phẩm đến các trường học; rà soát, bố trí các địa điểm phù hợp để tổ chức bán hàng lưu động trên địa bàn…
Giảm giá từ 10 đến 50%
Những năm trước, mỗi khi bước vào mùa khai giảng, nhà trường, phụ huynh và HSSV thường e dè khi thấy giá tăng cao ở một số mặt hàng phục vụ nhu cầu học tập như đồng phục HS, tập viết, cặp sách… Với những gia đình có thu nhập thấp thì đây là một vấn đề nan giải. Vì vậy, khi UBND TP đưa những mặt hàng tập vở, cặp sách và đồng phục HS vào diện bình ổn giá, chương trình đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Mười doanh nghiệp được chọn, trong đó có Co.op Mart, Fahasa, túi sách Miti, Hami… bắt đầu cho ra thị trường gần 5 triệu cuốn tập, 450.000 cặp sách và 560.000 bộ đồng phục HS (trong tổng nhu cầu là 2,8 triệu bộ) trong chương trình bình ổn giá, với giá bán thấp hơn 15% so với giá hiện tại. Theo tính toán, số lượng này chiếm khoảng 20-30% so với nhu cầu tiêu dùng của HS trên địa bàn TP… Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, phụ trách bộ phận thu mua, chia sẻ: “Từ tháng 7 đến tháng 8, Hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ áp dụng chương trình khuyến mãi lên đến 50% dành cho hàng trăm mặt hàng như dụng cụ học tập, đồng phục HS, giày dép…”. Còn bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty Phát hành sách Fahasa, cho biết để chuẩn bị cho năm học mới, 20 cửa hàng, nhà sách thuộc Hệ thống Fahasa tại TP.HCM đã sẵn sàng nguồn hàng lớn, đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người dân. Trong đó có 5 triệu cuốn tập dự kiến đưa ra phục vụ các em trong dịp này với giá cạnh tranh nhất”. Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty Túi sách Miti (Minh Tiến), khẳng định: “Mùa tựu trường năm nay, Miti cho ra thị trường khoảng 30 mẫu mã, chủng loại về ba lô, cặp HS. Các sản phẩm của công ty lần đầu tiên được thiết kế có quai đeo trợ lực nhằm giúp cho các em HS, SV khi đeo nặng sẽ có cảm giác êm ái, nhẹ nhàng”.
Hiện nay trên địa bàn TP có hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn, bình quân mỗi quận, huyện có khoảng 59 điểm. Để đảm bảo chương trình thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP, Sở Công thương đã giao Chi cục Quản lý thị trường TP xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn hàng hóa….
Bài, ảnh: Lê Quang huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)