Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Năm hoc 2011-2012: Mở rộng cửa đào tạo Đại học chất lượng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học và Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, hôm qua, 29-8, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã hướng dẫn tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao năm 2011 đối với các trường đại học.
Theo đó, các trường Đại học xác định chương trình đào tạo chất lượng cao và chi phí đào tạo để thực hiện chương trình; chủ động xây dựng mức học phí để trang trải chi phí đào tạo tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng của chương trình.
Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, các trường xác định điểm trúng tuyển và số lượng cần tuyển đối với từng chương trình đào tạo chất lượng cao. Bộ cũng yêu cầu các trường thông báo công khai về điều kiện để được xét tuyển vào học chương trình đào tạo chất lượng cao và mức học phí tương ứng
Liên quan đến vụ Đại học Y dược TPHCM thay đổi điểm chuẩn NV1 khiến hàng trăm thí sinh đậu thành rớt, chiều qua 29-8, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thảo luận với trường để giải quyết sự cố này trên tinh thần bảo đảm quyền lợi của các thí sinh. Hiện tại Bộ Giáo dục – Đào tạo đã chấp thuận để trường có thể tuyển số thí sinh này, tuy nhiên Bộ đang yêu cầu trường trình phương án tuyển để Bộ chính thức có văn bản về việc này. Bộ hướng dẫn trường thực hiện tuyển đủ chỉ tiêu theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, trong số chỉ tiêu được giao, trường dành bao nhiêu chỉ tiêu để đào tạo chất lượng cao thu học phí cao thì phải báo cáo và chứng minh với Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tài chính.
Trao đổi với SGGPO, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học – cao đẳng 2011 tiếp tục khẳng định: năm 2011, Bộ không giao chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách cho bất cứ trường đại học – cao đẳng nào. Cũng theo ông Ga, chủ trương của Bộ là các trường chỉ có một chỉ tiêu tuyển sinh được xác định ngay từ đầu và các trường chỉ thực hiện đúng theo một chỉ tiêu tuyển sinh này.
“Bộ chỉ cho phép các trường mở hệ đào tạo chất lượng cao được phép thu học phí cao. Chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao cũng chỉ nằm trong tổng chỉ tiêu được phê duyệt, trong số thí sinh được tuyển sinh vào trường chứ không phải phát sinh thêm số lượng mới với mức điểm chuẩn khác. Tuy nhiên, thực hiện hình thức này, các trường phải có đề án, chứng minh được rõ ràng, không chỉ với Bộ Giáo dục – Đào tạo mà cả với Bộ Tài chính vì liên quan đến vấn đề học phí”, ông Ga nói.
Ông Ga cũng khẳng định, không có bất cứ một băn bản nào của Bộ nói đến việc đào tạo theo nhu cầu xã hội (hệ ngoài ngân sách) của các trường, “vì Bộ đã khẳng định chỉ có một chỉ tiêu tuyển sinh được xác định ngay từ đầu”.
Về việc tại sao trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học – cao đẳng 2011 do bộ phát hành, không chỉ có Trường Đại học Y Dược TPHCM mà còn rất nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển cho hệ ngoài ngân sách, ông Ga cho rằng có thể do các trường “hiểu nhầm”. “Nhưng dù thế nào thì thí sinh cũng không bị thiệt hại, vì trường chỉ được phép tuyển đủ số chỉ tiêu đã được giao. Và việc trường dành bao nhiêu suất để đào tạo chất lượng cao thu học phí cao đó là tính toán của trường”, ông Ga nói.
Giải thích thêm về công văn mà Bộ hướng dẫn các trường đại học – cao đẳng thực hiện đào tạo theo địa chỉ (sau công văn này, trường Đại học Y dược TPHCM đã điều chỉnh điểm chuẩn NV1), ông Ga cho biết, công văn này không liên quan đến việc đào tạo ngoài ngân sách như các trường đã hiểu.
“Năm học này, chúng tôi chưa bao giờ nói đến việc đào tạo ngoài ngân sách như đã giải thích ở trên. Trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy thông báo cho các học viện, các trường đại học – cao đẳng, Bộ đã giao nhiệm vụ cho một số trường tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng. Các trường thực hiện theo đúng quy định là chỉ áp dụng tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng với đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn và vùng dân tộc thiểu số. Các trường xác định điểm trúng tuyển chung cho tất cả các thí sinh theo từng đối tượng và khu vực dự thi, không phân biệt thí sinh theo diện tuyển sinh theo địa chỉ và thí sinh khác. Vì vậy, điều này không hề liên quan đến việc đào tạo ngoài ngân sách như trường Y dược TPHCM đã hiểu”, ông Ga giải thích cụ thể.
Theo nhận định của các chuyên gia tuyển sinh, việc Bộ Giáo dục – Đào tạo khẳng định đại học không có hệ tuyển sinh ngoài ngân sách, nhưng cho phép các trường đại học xác định chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí cao cũng là cánh cửa mở để các trường có nguồn trang trải chi phí đào tạo.
Theo PHAN THẢO
(SGGPO)

Bình luận (0)