Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2012-2013: Tập trung nâng cao chất lượng giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Năm học vừa qua, các cuộc vận động, phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu, điều này góp phần nâng cao thành tích giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) toàn diện. Bên cạnh đó vẫn còn một số mặt chưa đạt được theo yêu cầu đã đề ra. Nhìn lại hoạt động của toàn ngành GD trong năm học qua và phương hướng nhiệm vụ cho năm học mới, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Điểm lại những mặt làm được của ngành GD trong năm học qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: GD phổ cập mầm non (MN) đã đạt thành tích mới với ba tỉnh đầu tiên đạt được chuẩn phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi, phổ cập GD TH, THCS đều được giữ vững và phát huy kết quả tốt hơn. GD-ĐT toàn diện trên cơ sở GD văn hóa còn tiến hành nhiều hoạt động GD khác, tăng cường năng lực, kỹ năng sống, giá trị sống cho HS. Việc này được thực hiện chủ yếu thông qua phong trào xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực và có nhiều gải pháp mới hơn so với những năm trước. Kết quả đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá cũng đã đem lại những thành tích mới, chất lượng các đội tuyển HS giỏi quốc gia, đội tuyển HS giỏi quốc tế đều đạt thành tích cao hơn năm trước. Đặc biệt, chúng ta đã có HS lần đầu tiên đi thi và đạt giải nhất trong kỳ thi “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật” của HS thế giới.
PV: Một trong những hạn chế vẫn còn tồn tại đó là bệnh thành tích, nó được thể hiện trong một số vấn đề tiêu cực. Vậy ngành GD sẽ khắc phục vấn đề này ra sao?
 Khắc phục bệnh thành tích là một trong những giải pháp cơ bản để đảm bảo nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong những năm vừa qua đã có nhiều tiến bộ tốt, tuy nhiên bệnh thành tích vẫn còn. Trước hết, nó thể hiện trong thi cử chưa thật sự nghiêm túc hoàn toàn, rồi việc bình xét thi đua cũng có khi còn hình thức, còn chạy theo số lượng chứ chưa quan tâm tới chất lượng. Đây là việc mà ngành GD-ĐT phải tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dạy và học, vì đấy chính là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo bệnh thành tích không còn trong ngành. Ngoài ra cũng phải tăng cường việc thanh, kiểm tra, uốn nắn những sai phạm, khuyết điểm và đặc biệt là trong thi cử phải nghiêm túc, minh bạch.
Nhưng có nhiều nơi, nhiều tỉnh thành đang bị đánh giá là chạy theo thành tích về phổ cập GDMN 5 tuổi. Có nhiều nơi phải “hi sinh” chỗ học của trẻ trẻ 3, 4 tuổi để dành chỗ cho HS 5 tuổi, theo Thứ trưởng việc làm này đúng hay sai?
Tôi khẳng định, Bộ GD-ĐT không yêu cầu bất cứ một tỉnh, TP nào “đốt cháy giai đoạn” để đăng ký hoàn thành phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi! Bộ GD-ĐT khi đi kiểm tra cũng đảm bảo theo tính chất đó, nơi nào thật sự thực hiện tốt, đúng các tiêu chí trong phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi thì bộ mới công nhận tỉnh, TP đó hoàn thành kế hoạch. Để đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ 5 tuổi, ngoài các trường công lập, ngành chủ trương phát triển GDMN theo hình thức đa dạng về trường, lớp nên việc khuyến khích mở các trường MN tư thục, dân lập cũng không ngoại lệ. Hướng phát triển GDMN vào đâu cho trọng tâm? Đó là hướng vào GD cho trẻ 5 tuổi không có nghĩa là bỏ qua, làm giảm sút đi đối với GD dưới 5 tuổi, trong quá trình thực hiện phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi thì đối với trẻ dưới 5 tuổi sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư để tăng thêm cả về số lượng và chất lượng tùy theo điều kiện của từng địa phương. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo và các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch cụ thể, không phải làm giảm số lượng nhóm trẻ dưới 5 tuổi mà ít nhất phải bằng mức cũ và phải phấn đấu vượt hơn so với trước đây. Trong khi đó vẫn tập trung vào mũi nhọn cho trẻ 5 tuổi.
Bên cạnh bệnh thành tích là chất lượng giáo viên (GV) phổ thông vẫn còn hạn chế, yếu kém?
Chất lượng GV phổ thông hiện nay đã tốt hơn trước nhiều, thông qua các chương trình tập huấn, tăng cường bồi dưỡng GV qua các hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng về việc đảm bảo các chế độ chính sách cho GV, cho nên một số GV chưa toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp GD-ĐT. Việc này đòi hỏi phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền… để nâng cao đời sống, đảm bảo chế độ, chính sách cho GV đặc biệt là GV vùng xa, vùng sâu, GV các bậc học khác như MN, TH.
Thiếu GV MN, TH hiện nay đang là vấn đề “nóng” tại nhiều tỉnh, thành. Một vài địa phương phải lấy GV phổ thông xuống dạy cho hai bậc học này. Vấn đề này Thứ trưởng nghĩ sao?
Điều này không phải là mới, thực tế trong những năm đầu thập niên 90, hiện trạng thừa GVTH thiếu GV THCS cũng đã xảy ra nên nhiều tỉnh, TP đã phải điều chuyển GV từ bậc học này sang bậc học khác để khắc phục vấn đề thiếu GV. Tất nhiên, kèm theo đó phải có quá trình bồi dưỡng cho GV phù hợp với môi trường dạy học mới.
Đây không phải là một bước thụt lùi, nếu cấp trên thừa, cấp dưới thiếu thì mình điều hòa. Vì phương pháp sư phạm của các cấp học đều có nét tương đồng và trên một cái nền chung việc dạy học ở cấp trên xuống cấp dưới không phải là việc khó khăn. Cụ thể như ở TP.HCM do chưa hình dung ra được hết tốc độ dân nhập cư đổ về TP, năm sau luôn cao hơn năm trước. Vấn đề thứ hai là đời sống của GV tại TP.HCM so với mặt bằng chung của đời sống TP còn nhiều khó khăn. Do đó, không đảm bảo tính hấp dẫn để hút HS vào học sư phạm, nhất là với hai ngành học MN và TH.
Một vấn đề nữa là sau một năm giảm tải nội dung chương trình SGK, Thứ trưởng đánh giá như thế nào?
Giảm tải là một cách gọi nôm na, thực chất nó là điều chỉnh nội dung dạy học. Chúng ta rà soát lại những phần chồng chéo giữa các lớp, các bộ môn, những phần cao hơn so với trình độ nhận thức của HS và điều kiện dạy học vẫn còn khó khăn. Do đó, việc điều chỉnh này theo hướng tinh giản hơn, nhằm đảm bảo kiến thức không bị lặp lại, gắn với thực tế và liên thông giữa các bộ môn tốt hơn. Sau một năm thực hiện, đã đem lại nhiều kết quả nhất định. Chúng ta phải làm cho việc nhìn nhận, đánh giá chương trình SGK là việc được thực hiện thường xuyên, hàng năm để có những điều chỉnh phù hợp, hướng tới sau năm 2015 ngành sẽ có một bộ chương trình và SGK mới thực hiện đổi mới GD phổ thông.
Trong năm học 2012-2013, những nhiệm vụ trọng tâm là gì, thưa Thứ trưởng?
Chúng ta đang trong quá trình đổi mới GD-ĐT nhưng nhiệm vụ có tính chất then chốt phải làm ngay, đó là: Tiếp tục đổi mới quản lý đào tạo theo hướng tăng quyền chủ động cho các địa phương, các cơ sở GD-ĐT tùy thuộc vào năng lực thực hiện của các địa phương, đi cùng với trách nhiệm quản lý, trách nhiệm xã hội tại các đơn vị này. Thứ hai, chúng ta phải kiên trì trong việc nâng cao chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ GV các cấp học, làm thế nào để tạo ra các động lực mới để GV hăng hái vào công việc đổi mới GD-ĐT.
Ngoài ra còn có những nhiệm vụ khác như tiếp tục chỉ đạo, đổi mới chương trình nội dung SGK; phương pháp dạy học; kiểm tra đánh giá; tăng cường cơ sở vật chất quy hoạch nhà trường như thế nào cho tốt…
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Bình luận (0)