Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2014-2015 tại TP.HCM: Học sinh được giáo dục toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn tặng bằng khen cho HS giỏi TP=

Có thể khẳng định, năm học vừa qua, với tinh thần đổi mới và thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nội dung của NQ 29, GD-ĐT TP đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều thành tích, ngày càng củng cố niềm tin yêu của nhân dân trong sự nghiệp “trồng người” của ngành.

Đột phá trong dạy – học ngoại ngữ

Việc UBND TP.HCM chấp thuận cho ngành GD-ĐT TP triển khai thực hiện chương trình dạy và học 3 môn toán, tiếng Anh, khoa học theo phương pháp tích hợp (gọi tắt là chương trình tích hợp – CTTH) giữa chương trình quốc gia Anh và chương trình của Bộ GD-ĐT được đánh giá thực sự là bước đi cần thiết, phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện tại. Vì vậy, từ học kỳ 2 năm học 2014-2015, TP đã triển khai CTTH cho 18 trường TH và THCS với khoảng 600 học sinh ở hai lớp đầu cấp lớp 1 và lớp 6 thuộc các quận 1, 2, 5 theo nhu cầu và sự đăng ký của phụ huynh học sinh. Đến năm học 2015-2016 này, TP triển khai mở rộng CTTH tại 89 trường trên địa bàn.

Học sinh tham gia CTTH được học bằng ngoại ngữ và có kiến thức sâu hơn so với việc học đơn lẻ một chương trình; đồng thời không còn tình trạng trùng lắp khi phải học cùng lúc 2 chương trình, qua đó việc học trở nên nhẹ nhàng hơn và vận dụng kiến thức vào thực tiễn hiệu quả hơn.

Điểm nổi bật của chương trình là giúp phát triển kỹ năng toàn diện cho học sinh và cung cấp khả năng sử dụng ngôn ngữ vượt trội. Học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy quốc tế tiên tiến, chú trọng phương pháp tư duy, khả năng sáng tạo và ứng dụng kiến thức trong khi vẫn hài hòa với những điểm ưu việt về phương pháp giảng dạy của hệ thống giáo dục Việt Nam. Ông Đinh Thiện Căn (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.1) nhận xét: “CTTH được biên soạn theo chương trình quốc gia Anh và chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT cho 3 môn toán, tiếng Anh và khoa học (lý, hóa, sinh). Giáo viên bản ngữ được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ, trực tiếp giảng dạy. Học tích hợp, học sinh được làm bài thi theo tiêu chuẩn đầu ra và lấy chứng chỉ quốc tế của Hội đồng khảo thí Anh quốc là Edexcel, hoặc có thể tham dự các kỳ thi TOEFL, IELTS, TOEIC… Khi thí điểm tại một số trường học của Q.1, bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết của học sinh đã có sự thay đổi tích cực, các em tự tin trong giao tiếp với người bản ngữ và tiếp nhận kiến thức một cách chủ động”. Còn ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khi trả lời báo chí đã khẳng định: “TP.HCM là địa phương có nhiều lợi thế, thuận lợi để triển khai, đổi mới nhiều chương trình trong GD-ĐT. Việc ngành GD-ĐT TP thực hiện thí điểm đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” đã được Bộ GD-ĐT đồng ý cho triển khai. Qua đó, bộ cũng yêu cầu ngành GD-ĐT TP khi triển khai thí điểm phải bảo đảm tính ổn định, thống nhất, kế thừa giữa các cấp học, đặc biệt là bảo đảm chất lượng mà không gây quá tải cho học sinh”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho HS TP đạt HS giỏi quốc gia

Tất cả vì học sinh

Năm học 2014-2015, TP đã bố trí vốn để các quận, huyện khởi công xây mới, tu sửa và đưa vào sử dụng 1.900 phòng học mới với tổng vốn đầu tư 2.464 tỷ đồng, đây là một con số khổng lồ nếu đem so sánh với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Không những giúp các quận, huyện cơ bản đáp ứng đầy đủ chỗ học cho con em nhân dân, kể cả diện tạm trú, tại những ngôi trường khang trang, hiện đại, xanh-sạch-đẹp, ngân sách của TP còn giúp cho hệ thống thư viện của các trường được đầu tư về trang thiết bị (kệ, giá, phòng đọc, kho lưu trữ…), trang bị mới và bổ sung sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục… Qua đó giúp gần 770 thư viện trường đạt chuẩn và gần 250 thư viện trường đạt thư viện trường học tiên tiến. Việc thực hiện đổi mới công tác kiểm tra – đánh giá góp phần thúc đẩy, đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm đã giúp cho ngành GD-ĐT TP có một năm “bội thu” về kết quả học tập, thi tuyển của học sinh. Kết quả năm học 2014-2015, có 52 học sinh đạt giải cấp quốc gia (trong đó có 1 giải nhất; 11 giải nhì; 18 giải ba và 22 giải khuyến khích). Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, nhiều học sinh đạt được các giải thưởng cấp TP, quốc gia và quốc tế, với 295 đề tài (năm học 2013-2014 có 191 đề tài), thì có 99 đề tài (35 THPT, 5 THCS) vào vòng chung khảo của TP và 18 đề tài dự thi cấp quốc gia; trong đó 12/18 đề tài đạt giải và 1 đề tài dự thi quốc tế…

Tiêu biểu cho những học sinh giỏi, xuất sắc của TP là em Dương Kim Hảo (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013; công dân trẻ tiêu biểu của TP…, Kim Hảo đã giành được hơn 20 giải thưởng tin học cả trong và ngoài nước. Những sáng chế của em đã giúp cho chính người thân trong gia đình và thầy cô giáo giải tỏa được rất nhiều áp lực trong công việc. Đơn cử như sáng chế “Bảng điều khiển thông minh” đã giúp Kim Hảo giành rất nhiều giải thưởng trong nước, được mang đến triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng kiến sáng chế năm 2013 (ITEX 2013). Sản phẩm này đã cùng lúc giành 2 huy chương vàng ở hai nước Malaysia và Indonesia, đồng thời đạt giải sáng tạo của Viện Hàn lâm Hàn Quốc. Đây là phần mềm giúp người sử dụng dễ dàng tắt, mở các thiết bị điện khi đã ra ngoài mà không cần phải đến tận nơi. Ngoài việc tiết kiệm điện, phần mềm còn giúp tăng tuổi thọ cho các thiết bị. Ước mơ của Hảo là được trở thành một lập trình viên xuất sắc, phát minh ra những sáng chế thiết thực, hữu ích với đời sống.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)