Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2016-2017 tại TP.HCM: Nhiều giải pháp giảm áp lực cho HS

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 12-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Tham dự Hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu, Vụ trưởng – Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo TW tại TP.HCM Đào Văn Lừng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM Hà Hữu Phúc cùng đông đảo lãnh đạo các ban ngành và đội nhà giáo…

Ông Đinh La Thăng (bìa trái) – Bí thư Thành ủy TP.HCM trao cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT cho Sở GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: L.Q.Huy

Tại đây, Sở GD-ĐT TP đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giảm tải chương trình, phát triển năng lực HS.

TP sẽ đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT

Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM trao cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.HCM cho thầy Nguyễn Văn Huyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: L.Q.Huy

Đó là một trong những tiêu chí mà Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra tại hội nghị để triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và lãnh đạo TP.HCM về xây dựng “Đề án phát triển GD-ĐT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.  Theo đó, TP sẽ thực hiện phương hướng kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ HS, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của các cấp.

Văn bản liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc về phát triển GD-ĐT TP.HCM mới đây cũng ghi rõ sẽ tăng cường phân cấp cho TP thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS. Sở GD-ĐT thực hiện đánh giá chung định kỳ trên diện rộng theo quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông; giao quyền chủ động cho các trường trong việc kiểm tra, đánh giá HS.

Xây dựng SGK phù hợp với thực tiễn TP

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trao cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.HCM cho Trường Mầm non 19/5 thành phố. Ảnh: L.Q.Huy

Nói về việc thực hiện đổi mới chương trình, ông Lê Hồng Sơn,  Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “TP sẽ xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ SGK phù hợp với thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (văn- tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn /năm”.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT TP sẽ cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường…

Phát triển toàn diện văn – thể – mỹ cho HS

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao giấy khen của Sở GD-ĐT TP.HCM cho cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng phòng GD-ĐT Q.9. Ảnh: L.Q.Huy

Kiến nghị xem xét lại việc dạy thêm, học thêm

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, tại phiên thảo luận nội bộ sáng cùng ngày, đối với việc dạy thêm, học thêm, nhiều ý kiến cho rằng nên có lộ trình. Vì với chương trình, cách tổ chức thi như hiện nay thì nếu chỉ tham gia học chính khóa tại trường, HS không thể đảm bảo làm tốt bài thi. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường thực tế đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của số đông phụ huynh và HS… Mặt khác, việc tổ chức dạy thêm, học thêm cũng là giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định đời sống của giáo viên, góp phần giải quyết kinh phí tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục kỹ năng thích ứng với cuộc sống, hoạt động ngoại khóa cho HS và tạo phúc lợi cho nhà trường.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: TP luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của GD-ĐT trong sự nghiệp phát triển TP; đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của mình. Trên thực tế, ngân sách cho cho giáo dục đang tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của TP. Ngoài ra UBND TP đã thông qua chủ trương Dự án “Đầu tư trang thiết bị hỗ trợ dạy và học cho các trường THPT” cùng Dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại tại các trường học” theo chương trình kích cầu…

Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao những nổ lực của ngành GD-ĐT TP khi đưa ra các giải pháp cải tiến việc dạy và học, giảm tải những phần kiến thức chưa cần thiết theo lứa tuổi, bổ sung kịp thời nội dung giáo dục đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc sống. Một số chương trình đang tạo ra được những phản hồi tích cực từ người dân như đưa âm nhạc và võ dân tộc vào nhà trường; giáo dục kỹ năng sống cho HS; phổ cập bơi lội; “Dạy Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”…

Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu trong năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Giảm tải nhanh giáo dục phổ thông, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển toàn diện văn – thể – mỹ. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; phương pháp kiểm tra – đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS; chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp trong HS-SV…

Dương Bình

 

Bình luận (0)