Năm học 2022-2023, 35% thời lượng giáo dục được TP.HCM giảng dạy trên internet đối với bậc THCS, THPT, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đồng thời giúp thành phố chủ động linh hoạt trước mọi tình huống.
TP.HCM hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số trong năm học 2022-2023
Nối dài cánh tay đến học sinh
Ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 bày tỏ sự ủng hộ việc 35% thời lượng giáo dục trong năm học mới được TP.HCM tiếp tục triển khai trên internet. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế, giúp các nhà trường, giáo viên tiếp tục kế thừa được những thành quả từ dạy và học trên internet trong năm học 2021-2022, duy trì và hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sự sáng tạo của người thầy mà còn trở thành cánh tay nối dài của giáo viên đến học sinh, phụ huynh khi ở nhà…
“Từ năm 2020, TP.HCM đã làm quen với việc dạy và học trên internet. Năm học 2021-2022, dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của mỗi nhà trường, mỗi giáo viên, biến việc dạy học trực tuyến, dạy học trên internet không còn là giải pháp tạm thời nữa mà trở thành một giải pháp thực tế trong việc triển khai nhiệm vụ giáo dục. Vì thế, việc tiếp tục duy trì việc dạy và học trên internet trong năm học mới là điều hết sức cần thiết, giúp các trường học, giáo viên, học sinh có thể dễ dàng chủ động ứng phó hơn trước mọi tình huống”, ông Khoa đánh giá.
Dù vậy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 cho rằng, để triển khai hiệu quả hơn nữa việc dạy và học trực tuyến thì ngành giáo dục cần phải đẩy mạnh sử dụng học liệu số trong dạy học và kiểm tra đánh giá từ nền tảng dạy học 2 năm dịch vừa qua để giáo viên chủ động hơn nữa…
Đánh giá tính cần thiết của việc tiếp tục triển khai 35% thời lượng giáo dục bậc trung học trên internet song thầy Huỳnh Khương Anh Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) chia sẻ, quy định này cần có thêm những hướng dẫn cụ thể hơn nữa để nhà trường có thể trao đổi với phụ huynh về cách thức thực hiện cũng như kiểm tra đánh giá, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, TP.HCM lựa chọn mục tiêu chuyển đổi số giáo dục, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, tạo lợi thế để thúc đẩy học sinh trong việc học là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023.
Ông Lê Duy Tân nêu rõ, thành tựu của năm học vừa qua là tự học, học có hướng dẫn, học trên internet để học tích cực, để người học hạnh phúc. Trước giờ chúng ta vẫn nghe đến thuật ngữ “Giấc ngủ sư phạm” – tức là học trò mắt vẫn nhìn lên bảng, tay vẫn viết vô tập nhưng các thứ trong đầu thì để vô một chỗ khác. Như vậy, thầy cô có dạy hay đến mấy trên lớp nhưng vẫn không thực sự hiệu quả.
Việc dạy học trên hệ thống dạy học LMS bao gồm 3 giai đoạn: trước, trong và sau bài học. Thiết kế khóa học gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 tăng tính tự học, học có hướng dẫn có kèm kiểm tra đánh giá. Giai đoạn 2 là linh hoạt, kế thừa giai đoạn 1. Có dịch thì dạy trên internet, không có dịch thì dạy trên lớp. Giai đoạn 3 là củng cố, ôn tập. Chỉ có vậy mới tăng cường khả năng tự học, sự tích cực học tập, tăng đọc hiểu. Có kiểm tra đánh giá sẽ giúp thầy cô lượng hóa được học sinh. Khi kiểm tra thầy cô sẽ biết học sinh nào tự học hay không.
“Đề án chuyển đổi số ngành GD-ĐT thành phố giai đoạn 2022-2025, và định hướng năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu trung bình 35% nội dung chương trình giáo dục trung học được triển khai dưới hình thức trực tuyến. Điều này không phải là cắt chương trình đưa lên internet mà thầy cô cần được hiểu là triển khai theo hình thức trên”, ông Tân chỉ rõ.
Quan trọng là chuyển đổi nhận thức giáo viên
Năm học 2022-2023, TP.HCM tiếp tục triển khai các đề án mà UBND TP đã ban hành: giáo dục thông minh, chuyển đổi số…, tiếp tục triển khai đề án về dạy học tiếng Anh trong đó đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đề nghị năm học mới các trường xây dựng cơ sở dữ liệu, chú trọng xây dựng thư viện số, cùng với ngành triển khai hệ thống dạy học LMS vừa hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, vừa trực tiếp.
Trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 khối lớp 10, ông Quốc nhấn mạnh, quan trọng nhất là nhận thức về sự thay đổi từ cách thức giảng dạy, phương pháp tổ chức lớp…
Năm học 2022-2023, 35% thời lượng giáo dục bậc trung học sẽ được TP.HCM triển khai trên internet
“Sẽ còn rất nhiều thầy cô lên lớp với tinh thần chỉ triển khai kiến thức liên quan đến chương trình. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thì trong việc giảng dạy không còn dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà việc giảng dạy phải hình thành được năng lực cho học sinh. Kéo theo đó, cách kiểm tra đánh giá không chỉ dừng lại ở việc cho ra các đề kiểm tra, các câu hỏi như những năm học trước mà có thể thay đổi cả dữ liệu để xây dựng các câu hỏi đề kiểm tra, theo hướng đánh giá năng lực học sinh”.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, việc giảng dạy không còn bám sát SGK như cũ nữa mà giáo viên phải sử dụng SGK như tài liệu, cùng với các SGK khác để xây dựng tổ chức giảng dạy cho học sinh khối 10.
“Thầy cô phải thoát ly được vấn đề này, phải nhận thức và thực hiện được sự thay đổi này thì mới đạt được thành công của Chương trình 2018. Việc triển khai 35% thời lượng giáo dục trên internet trong năm học tới không chỉ hướng tới mục tiêu chuyển đổi số giáo dục tại thành phố mà còn giúp thầy cô thay đổi thói quen đứng lớp, hình thành năng lực tự học cho học sinh…”, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.
Yến Khương
Bình luận (0)