Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2023-2024, kiên định với mục tiêu dạy học tích hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 2 năm trin khai Chương trình GDPT 2018 vi môn tích hp, các trưng THCS ti TP.HCM đánh giá nhiu tín hiu vui mang li. Do đó, năm hc 2023-2024, TP.HCM tiếp tc kiên đnh vi mc tiêu dy hc tích hp.


Dy hc tích hp đã mang li nhiu tín hiu kh quan

Nhiu tín hiu vui

Tại quận Bình Thạnh, ngay khi triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS, quận này xác định theo mục tiêu dạy học tích hợp. Do vậy, từ năm học 2021-2022 đến nay, liên tục trong quá trình giảng dạy, giáo viên đảm nhiệm các môn học tích hợp trong mạng lưới quận được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng thông qua chuỗi sinh hoạt chuyên môn.

“Khó ở đâu, thầy cô sẽ được gỡ ở đó. Giáo viên chính môn nào sẽ cùng ngồi lại để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bài giảng đối với nội dung đó, các giáo viên khác sẽ cùng góp ý để hoàn thiện. Sau đó sẽ có các tiết dạy mẫu để thầy cô cùng nghiên cứu, học hỏi, góp ý cho tiết dạy của mình. Chính quá trình tự học và học hỏi lẫn nhau như thế này đã giúp giáo viên nâng cao được năng lực chuyên môn và tự tin hơn rất nhiều khi đứng lớp với môn học tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý” – lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Bình Thạnh chia sẻ.

Sau 2 năm triển khai theo hình thức tích hợp ở khối 6, 7, thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) đánh giá, giáo viên đã chủ động hơn rất nhiều trong nắm bắt kiến thức, chủ động nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch bài giảng.

Đối với học sinh, Chương trình GDPT 2006 trước kia, học sinh sẽ học theo hướng tiếp cận kiến thức, việc đổi mới môn học chỉ dừng ở việc cho học sinh làm việc theo nhóm để phát huy khả năng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay với Chương trình GDPT 2018, giáo viên có nhiều thuận lợi để tiếp cận học sinh theo hướng cá nhân hóa, năng lực, chứ không còn chỉ dừng ở kiến thức…

“Điều này thể hiện rõ nét nhất trong việc đánh giá học sinh khi chương trình mới đề cao đánh giá quá trình, các em phải hiểu, phải nỗ lực ở trong từng mạch kiến thức thì mới có thể vận dụng cho ra kết quả. Đồng nghĩa với việc giáo viên phải tạo cho học sinh phải tăng cường trải nghiệm trong mỗi tiết học để tiếp cận kiến thức chứ không còn hên xui trong tiếp cận kiến thức như trước kia…” – thầy Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Bám sát mục tiêu đổi mới, Trường THCS Minh Đức (quận 1) triển khai giảng dạy tích hợp trong chương trình mới suốt 2 năm qua và tiếp tục áp dụng trong năm học 2023-2024.

Cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, quá trình giảng dạy, giáo viên cũng gặp không ít khó khăn, bối rối nhưng chính sự cởi mở, cầu thị, bám sát mục tiêu đổi mới đã giúp thầy cô tự tin hơn khi đứng lớp.

“Những ngày đầu, không ít giáo viên than khó, rằng sợ không truyền đạt hết kiến thức cho học sinh do chỉ được tập huấn liên môn trong thời gian ngắn. Thực tế đặt cho nhà trường phải tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên trong tổ phải tự bồi dưỡng lẫn nhau, thắt ở đâu, gỡ ở đó. Giáo án giảng dạy môn học được thống nhất trong cả tổ, được góp ý với ý kiến của giáo viên chính đảm nhiệm từng phân môn…” – cô An nói.

Kiên đnh dy hc tích hp

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), mục tiêu Chương trình GDPT 2018 được nhà trường kiên định trong triển khai bộ môn tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội trong năm học 2023-2024 khi 1 giáo viên vẫn phụ trách cả 3 phân môn.

Theo thầy Nguyễn Công Phúc Khánh – Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học mới chắc chắn sẽ có khó khăn bước đầu với giáo viên khối 8 do dạy kiến thức mới, giáo viên chưa có kinh nghiệm nên vẫn sẽ vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm điều chỉnh, thay đổi tiến trình dạy học. Tuy nhiên, việc thay đổi tiến trình dạy học không phải đơn thuần là thay đổi thời lượng giảng dạy mà tiến trình dạy học phải phù hợp, đi vào thực chất phát triển kiến thức chứ không chỉ là truyền thụ kiến thức.

Phó Hiệu trưởng này phân tích: Ở môn khoa học tự nhiên với độ tích hợp cao, chắc chắn giáo viên phải chấp nhận việc mình phải là người cùng với học sinh tìm hiểu kiến thức, quên đi câu chuyện biết 10 dạy 1. Vì vậy, để thực hiện tốt chương trình 2018 thì giáo viên phải chấp nhận mình cùng học sinh tìm hiểu, xây dựng kiến thức, thông qua quá trình đó đạt được năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề cho học sinh.

“Các chủ đề trong bộ môn khoa học tự nhiên ở các khối lớp 6, 7, 8 đều xuất hiện những kiến thức mới mà ngay cả giáo viên phân môn đó nếu không nghiên cứu tài liệu, không có sự tìm tòi, không ngừng bồi dưỡng, tự bồi dưỡng thì cũng khó mà dạy được. Vì vậy, điều cốt lõi là giáo viên phải xác định tâm thế đổi mới khi giảng dạy. Về phía nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học…” – thầy Phúc Khánh nhìn nhận.

Ông cho rằng, việc tách riêng biệt từng giáo viên đảm nhiệm từng phân môn ở các môn tích hợp các khối 6, 7, 8 nếu làm không kỹ có thể làm khó người học, tạo thêm áp lực kiến thức cho học sinh, biến môn học trở nên nặng nề.


Năm hc 2023-2024, TP.HCM tiếp tc kiên đnh vi mc tiêu dy hc tích hp

“Từ 1 môn học biến thành 3 môn học, 3 giáo viên với 3 yêu cầu khác nhau, đôi khi mỗi giáo viên có những cách thức đánh giá khác nhau, vô tình tăng áp lực cho người học. Bên cạnh đó, là sự thống nhất trong kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể đi sâu vào kiến thức, đòi hỏi nhiều hơn so với yêu cầu cần đạt có thể sẽ khiến học sinh thêm nặng nề, quá tải về kiến thức mà lại khiến học sinh không thấy được yêu cầu về tích hợp. Nếu phân chia không đúng theo hướng tuyến tính, hết chủ đề này qua chủ đề khác thì mất đi tính tuyến tính trong chương trình…” – thầy Nguyễn Công Phúc Khánh chỉ rõ.

Xác định đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là khâu then chốt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, từ năm 2018 khi chương trình mới vừa ban hành, TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ sớm, kỹ càng, chủ động phối hợp với ĐH Sài Gòn, xác định nội dung bồi dưỡng các môn tích hợp. Năm 2020 bắt tay bồi dưỡng đội ngũ các môn lịch sử – địa lý; khoa học tự nhiên.

“Do thời gian bồi dưỡng ngắn, trong năm đầu triển khai, nhiều thầy cô vẫn chưa tự tin đứng lớp. Trong suốt 2 năm qua thực hiện chương trình mới ở bậc THCS, sở đã tổ chức nhiều hội nghị hội thảo về chuyên môn, làm việc trực tiếp với ĐH Sài Gòn, lắng nghe thầy cô khó khăn để tháo gỡ”.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, TP.HCM sẽ kiên trì, quyết tâm dạy học tích hợp khoa học tự nhiên. Sở sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề để thiên về mạch kiến thức chủ đề nào thì giáo viên có thế mạnh sẽ phụ trách chủ đề đó, không cứng nhắc. Các phòng giáo dục phải tạo điều kiện cho các trường chủ động trong phân công giáo viên linh hoạt; Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THCS phải giao quyền chủ động cho các tổ chuyên môn, có kiểm tra, giám sát, chứ không can thiệp sâu vào quá trình giảng dạy của giáo viên.

Đ Khương Yến

Bình luận (0)