Sự kiện giáo dục

Năm học 2024-2025: Năm học bản lề của nhiệm kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng vi các trưng hc trong cc, các trưng hc trên đa bàn TP.HCM đang tt bt bưc vào năm hc mi. Có th nói, năm hc 2024-2025 có ý nghĩa rt quan trng đi vi không ch ngành GD-ĐT TP mà c TP.HCM. Bi đây là năm cui ca nhim k 5 năm (2020-2025), nhng kết qu mà ngành GD-ĐT TP đt đưc s góp phn vào vic hoàn thành ngh quyết Đi hi Đi biu Đng b TP.HCM ln th XI…

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM háo hức bước vào năm học mới

1.Một trong 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025 được Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhất trí là: “Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi); Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học”. Đến cuối năm học 2023-2024, mặc dù 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học nhưng do áp lực tăng dân số cơ học nên TP vẫn chưa đạt chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học. Sĩ số học sinh/lớp tại các trường công lập, nhất là ở những quận, huyện đông dân nhập cư vẫn còn rất cao. Thậm chí có những trường tiểu học sĩ số học sinh lên tới 50 em/lớp, còn THCS và THPT thì trên 50 học sinh/lớp là chuyện bình thường. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, ở tiểu học sĩ số học sinh/lớp là 35 em; THCS và THPT là không quá 45 em. Nhiều trường chuẩn quốc gia đã phải phá chuẩn; nhiều quận/huyện đã bỏ mô hình trường tiên tiến – hội nhập quốc tế, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày… để đảm bảo 100% trẻ em trên địa bàn có chỗ học.

Năm học 2024-2025, nhiều niềm vui đã đến với thầy – trò TP.HCM khi có tới 23 trường với 476 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Trong đó, dẫn đầu là quận Bình Tân với 7 trường công lập/204 phòng học (gồm các trường: Mầm non Nguyệt Quế, Tiểu học Nguyễn Công Trứ, Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Trần Cao Vân, Tiểu học Đinh Công Tráng và THCS Bình Trị Đông B). Với 7 trường mới đưa vào sử dụng, năm học này sĩ số học sinh tiểu học ở Bình Tân sẽ giảm bình quân từ 42,2 em/lớp xuống còn khoảng 41 em. So với quy định của Bộ GD-ĐT thì sĩ số này vượt tới 6 học sinh nhưng đối với quận Bình Tân thì đây là cả một sự nỗ lực.

Ngoài ra, tại các quận, huyện như Củ Chi, Bình Chánh, quận 5, quận 6 cũng đưa  một trường THCS mới vào hoạt động. Hay như quận 3, đưa vào sử dụng Trường Mầm non 12…

Đặc biệt, để tiến gần đến chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học, tháng 3-2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025). Theo đó, TP sẽ bố trí vốn, kêu gọi đầu tư để xây dựng thêm 4.500 phòng học mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

2.Bên cạnh niềm vui có thêm nhiều trường học mới, năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT TP còn đón nhận tin vui khi tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn. So với năm học 2023-2024, mức học phí này giảm khoảng 100.000-240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học. Đặc biệt, trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026.

Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu – chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2024-2025. Các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học liền kề trước đó.

Từ 1-7-2024, lương cơ sở tăng 30%, nhiều người lo lắng lương tăng thì vật giá sẽ leo thang, trong đó có học phí. Nhưng thật may, tại TP.HCM học phí không những không tăng mà còn giảm, trẻ mầm non 5 tuổi thì được miễn học phí; các khoản thu khác đều có mức trần… Điều này giúp đông đảo phụ huynh TP giảm bớt gánh nặng chi phí học hành cho con cái, thậm chí còn có thêm chi phí để nuôi dạy con tốt hơn…

Về phía các cơ sở GD-ĐT công lập, với quy định mức trần cho các khoản thu ngoài học phí, trường học sẽ không còn bị “gieo tiếng ác” lạm thu. Các khoản thu – chi đều công khai, minh bạch với sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình sẽ giúp các đơn vị trường học tránh được những ồn ào, kiện cáo không đáng có; giúp cho môi trường học đường đúng chuẩn sư phạm…

3.Một vấn đề không chỉ gia đình, nhà trường quan tâm mà cả xã hội cùng quan tâm khi năm học mới bắt đầu, đó là an toàn thực phẩm cho học sinh trong trường học tổ chức bán trú.

Theo đó, trước khi năm học mới bắt đầu, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các công ty sản xuất suất ăn công nghiệp cung cấp cho các trường bán trú.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM – cho biết, Ban Văn hóa – Xã hội phối hợp với các sở, ngành thực hiện những buổi giám sát với mục đích cuối cùng là để công tác giám sát an toàn thực phẩm đạt được kỳ vọng của người dân. Sau những buổi khảo sát, Ban Văn hóa – Xã hội sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với UBND TP để giải quyết những vướng mắc, khó khăn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, mục tiêu của công tác thanh kiểm tra để chỉ ra những điều chưa đúng, kịp thời xử lý những chuyện không tốt ngay từ lúc manh nha.

“Về vấn đề an toàn thực phẩm tại các trường học, nhiệm vụ của chúng ta là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm”, bà Lan nhấn mạnh…

Với những tín hiệu vui về cơ sở vật chất, miễn – giảm học phí, các khoản thu dịch vụ có mức trần, giáo viên được tăng lương cùng với thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98, chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh được giám sát… hy vọng năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ có những đột phá bất ngờ về chất lượng dạy và học…

Hòa Triu

Bình luận (0)