Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục thí điểm học bạ số lớp 6

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục thí điểm học bạ số lớp 6, song song đó số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ cấp tiểu học, THCS.


Khoảng 128.000 học sinh lớp 6 sẽ được cấp học bạ số năm học 2024-2025

Thông tin được Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số ngành GD-ĐT TP.HCM, ban hành ngày 28-6.

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong năm học 2023-2024, thành phố sẽ hoàn thành việc khởi tạo và triển khai thí điểm học bạ số đối với khối lớp 1 toàn thành phố (gần 133.000 học sinh-PV), hoàn thành trước ngày 15-8.

Đến năm học 2024-2025, học bạ số tiếp tục được thí điểm đối với khối lớp 6 (khoảng 128.000 học sinh-PV). Song song đó, Sở GD-ĐT sẽ số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ cấp tiểu học, THCS.

Đến năm học 2025-2026, lộ trình thí điểm học bạ số tiếp tục được thực hiện đối với khối lớp 10, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ cấp THPT.

Lộ trình trên, theo Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tùy tình hình thực tế, các thể chế pháp lý, chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, có thể điều chỉnh tiến độ thực hiện thí điểm học bạ số cho phù hợp.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, việc thực hiện thí điểm học bạ số nhằm triển khai hiệu quả các mô hình điểm của đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của ngành GD-ĐT TP.HCM.

Để thí điểm học bạ số theo lộ trình của từng năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM hiện đang xây dựng thể chế bao gồm: hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thí điểm học bạ số; quy chế quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số ngành GD-ĐT. Xây dựng giải pháp, chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật, nhân sự, gồm: Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu Học bạ số ngành GD-ĐT; Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin bổ sung phần mềm học bạ số trong hệ thống quản lý nhà trường của cơ sở giáo dục; hướng dẫn, tập huấn cho cơ sở giáo dục triển khai sử dụng. Trang bị chứng thư số, chữ ký số cho cơ sở giáo dục và cá nhân; Tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên… sử dụng giải pháp học bạ số.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các phòng GD-ĐT thành lập Ban Chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số ngành GD-ĐT.

Xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thí điểm học bạ số theo quy định tại quy chế quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số ngành GD-ĐT thành phố; Theo dõi, kiểm tra các đơn vị trường học thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn triển khai thí điểm và phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị.

Đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh về lợi ích, ý nghĩa của học bạ số.

Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai rà soát, đánh giá, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, nhân sự, nguồn lực bảo đảm các điều kiện triển khai thí điểm học bạ số.

Tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ triển khai thí điểm học bạ số cho các cấp học.

Trong quá trình triển khai, thực hiện vừa làm vừa đánh giá kết quả, kịp thời có kiến nghị, đề xuất với Sở GD-ĐT các giải pháp triển khai hiệu quả học bạ số.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập Ban quản trị hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số của đơn vị; Xây dựng quy chế và kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số, phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của từng cá nhân.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, sử dụng phần mềm; tuyên truyền lợi ích, ý nghĩa của học bạ số cho giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh để triển khai hiệu quả thí điểm học bạ số tại đơn vị. Chuẩn bị, đảm bảo các nguồn lực để triển khai.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kinh phí tổ chức các hoạt động triển khai thí điểm học bạ số được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác. Nội dung và định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)