Năm học 2015-2016, với giáo dục phổ thông, đây là năm học bản lề của chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) mới sau 2015. Song song đó, những nỗi lo cũ như các khoản thu đầu năm, đồng phục, học phí, thực hiện Thông tư 30 (TT30)… vẫn chưa vơi đi.
Cụ thể như vấn đề lạm thu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm: Việc thu chi hằng năm của các trường Bộ GD-ĐT đã có văn bản quy định chi tiết các nội dung liên quan đến các vấn đề như: Học phí, đồng phục… Một số khoản về bảo hiểm là khoản tự nguyện, nhà trường không được bắt buộc HS, cũng không khuyến khích nhà trường thu hộ các đơn vị bảo hiểm.
Đối với những khoản đóng góp khác từ phụ huynh HS, từ những người ngoài nhà trường cũng đã có thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng. Nhà trường mua sắm, sử dụng vào việc gì thì phải công khai dự toán, bảo đảm sự giám sát của người đóng góp trước và trong quá trình thu chi, thanh quyết toán công khai, đảm bảo tính hiệu quả và chất lượng của công trình, tránh chi lãng phí, chi sai mục đích.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết những nét mới của năm học 2015-2016?
Năm học 2015-2016 sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là triển khai những yêu cầu mới của CT-SGK. Tuy chúng ta đang xây dựng CT và từng bước triển khai những yêu cầu mới. Nhưng vấn đề gì đã đúng, đã được khẳng định thì triển khai ngay không cần đợi CT-SGK mới. Đó là những vấn đề trực tiếp liên quan đến nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông như: Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy theo công nghệ lớp 1…
Học sinh TP.HCM học theo tài liệu dạy – học do Sở GD-ĐT TP biên soạn. Ảnh: A.K |
Còn TT30 về đánh giá HS tiểu học đã thực hiện được một năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, Thứ trưởng có nhận xét gì?
Năm học vừa qua là năm đầu tiên chúng ta thực hiện TT30 về đánh giá HS tiểu học. Tuy trước đó, chúng ta đã có quá trình thử nghiệm 2 năm ở mô hình trường học mới nhưng khi triển khai đại trà cũng có những khó khăn. Về cơ bản chúng tôi đánh giá TT30 đã được xã hội thừa nhận và đã đóng góp tích cực vào việc đổi mới đánh giá HS cũng như nâng cao chất lượng HS tiểu học theo tinh thần thay đổi quan điểm về vai trò của việc đánh giá. Nếu trước kia chỉ là đánh giá kết quả học tập và kết quả học tập đó chỉ tập trung vào việc HS tiếp thu được bao nhiêu kiến thức thì bây giờ, không chỉ đánh giá kết quả học tập mà đổi mới đánh giá này phải giúp cho HS học được, ngày càng tốt hơn. Việc đánh giá sẽ đem đến kết quả học tập, kết quả rèn luyện tốt thì mới có được kết quả tốt khi đánh giá HS định kỳ, đánh giá ở từng giai đoạn. Những tư tưởng đổi mới đó đã đi vào thực tiễn và mang lại những hiệu ứng tốt.
Tuy nhiên, năm đầu triển khai nên còn những khó khăn. Có thể kể đến: Một số người vẫn hiểu kiểm tra đánh giá chỉ là việc xác định trình độ của HS; thứ hai, TT30 cũng đòi hỏi phải có sự tham gia của phụ huynh HS, của xã hội cùng nhà trường theo dõi, nhận xét, hướng dẫn HS nhưng nhiều gia đình chưa ý thức được trách nhiệm này và chưa chủ động tham gia; thứ ba là ngành giáo dục ở một số nơi giải thích chưa đến nơi đến chốn; đồng thời nhiều GV chưa quen với việc theo dõi, đánh giá, nhận xét, hướng dẫn HS trong suốt quá trình dạy học, chưa quen với việc làm thế nào để phối hợp một cách hiệu quả với phụ huynh, với các tập thể trong nhà trường và ngoài xã hội để đánh giá HS.
Thứ nữa, nhiều trường quản lý còn mang phong cách hành chính nên đặt ra nhiều việc, nhiều sổ sách để GV mất nhiều công sức. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo giảm bớt sổ sách, đổi mới việc dự giờ thăm lớp và nhận xét đánh giá GV để họ có thời gian tập trung vào công việc chuyên môn. Nhiều trường chưa làm tốt việc này nên chúng ta cần đổi mới phong cách quản lý từ các cấp quản lý cho đến ban giám hiệu nhà trường, từng tổ chuyên môn và từng GV.
Nhiều GV kêu quá vất vả khi thực hiện TT30, ông nghĩ sao?
Thực chất của TT30 không phải là giao nhiều việc cho GV. Trong nhiệm vụ của GV vẫn có nhiệm vụ chấm bài, có nhiệm vụ nhận xét, hướng dẫn HS vượt qua khó khăn, động viên HS trong học tập. Có điều lâu nay mình chưa chú trọng một cách đầy đủ như bây giờ. Lâu nay mình theo phong cách cũ, quan điểm cũ, bây giờ mình phải nhận thức lại vai trò và những công việc của kiểm tra đánh giá cho đầy đủ hơn, không phải thêm gì, nhưng vì mới chuyển đổi nên GV có những khó khăn nhất định, nghĩ là thêm việc nhưng bản chất thì không phải thêm. Có khó khăn hơn nhưng tôi nghĩ họ sẽ quen dần.
Về triển khai dạy tích hợp, năm học này, bộ có chỉ đạo gì, thưa Thứ trưởng?
Dạy học tích hợp là chúng ta hướng tới việc dạy HS có khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn, trong dạy và học. Như vậy trên cơ sở CT hiện hành chúng ta vẫn có thể hướng dẫn HS tập vận dụng kiến thức tổng hợp. Xây dựng những chuyên đề dạy học tích hợp, tổ chức cho HS trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng chính là những hình thức có hiệu quả để cho HS có điều kiện vận dụng kiến thức một cách tổng hợp. Chúng ta tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng để nâng cao năng lực vận dụng kiến thức của GV cũng chính là để GV tăng cường khả năng vận dụng kiến thức của các lĩnh vực khác nhau khi hướng dẫn HS giải quyết các vấn đề thực tiễn. Việc này chúng ta đang làm và vẫn tiếp tục thực hiện để khi có CT giáo dục phổ thông mới, GV quen thực hiện việc này một cách bình thường.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)