Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học đặc biệt: Bắt nhịp và thích ứng!

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần đầu tiên trong năm học mới, các trường trung học tại TP.HCM sẽ dành để hướng dẫn học sinh làm quen với phương pháp học trực tuyến, tìm kiếm tài liệu, cách thức kiểm tra đánh giá phù hợp với hình thức học trực tuyến, từng bước bắt nhịp và thích ứng.


Điều phối viên xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh)
và giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Linh giao “phiếu học tập”
đến tận nhà cho học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh

Riêng học sinh lớp đầu cấp là lớp 6 và lớp 10, các trường xây dựng nhiều chương trình giúp các em thích nghi với sự thay đổi trong môi trường và chương trình học, tăng cường thời lượng tương tác với bạn bè, thầy cô.

Đây cũng tiếp tục là khoảng thời gian giáo viên, nhà trường nắm tình hình học sinh để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời,

“Chưa vội” dạy ngay kiến thức mới

Là giáo viên tiếng Anh, đồng thời là GVCN lớp 9, thời khoá biểu tuần đầu tiên trong năm học mới của cô Nguyễn Thị Bích Chi (GVCN lớp 9/4, Trường THCS Vân Đồn, Q.4) lại rất nhẹ nhàng. Ngoài 4 tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cô chỉ có thêm 10 tiết “đứng lớp” bộ môn ở 2 lớp 7 và 2 lớp 9.

“So với việc dạy trực tiếp trên lớp, thời khoá biểu học trực tuyến đã giảm đến hơn 50% số tiết đứng lớp, giảm tải rất nhiều áp lực cho cả giáo viên, học sinh khi học trực tuyến trong mùa dịch này”.

Không những thế, cô Chi cho biết, việc dạy kiến thức trong tuần đầu tiên, giáo viên cũng không áp lực phải chạy theo chương trình mà chủ yếu là dành thời gian ổn định lớp học, tiếp tục nắm bắt, ghi nhận tình hình học sinh, giúp học sinh làm quen với phương pháp học, môi trường học, hướng dẫn các em tìm kiếm và nghiên cứu các nguồn tài liệu phục vụ việc học tại nhà.

“Lớp tôi chủ nhiệm có 37 học sinh, trong đó có 2 học sinh là F0 nhưng cũng đã hết thời gian cách ly. Trong buổi học đầu tiên, các em đều tham gia đầy đủ. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm, cô trò dành thêm thời gian để trò chuyện và động viên nhau giữ vững tinh thần trong mùa dịch, thi đua học tập tốt. Không khí lớp học trong ngày đầu tiên vì thế mà rất vui…”.

Do được linh hoạt và không áp lực về chương trình, trong tuần đầu tiên cô Chi “chưa vội” dạy kiến thức mới mà hệ thống, nhắc lại kiến thức cũ cho học sinh, nội quy học online và phương thức kiểm tra trong môn học để học sinh nắm, yên tâm, xác định tâm thế học tập.

“Buổi học đầu tiên nhiều em bày tỏ muốn được cô đọc sách, được tham gia các trò chơi, giao lưu bạn bè… Tất cả những ý kiến này của các em đều được tôi ghi nhận lại, qua đó sẽ thiết kế đa dang các hoạt động như thành lập group, clb đọc sách, hoạt động trải nghiệm trong môn học, sưu tầm và thiết kế các video học tập phù hợp với lứa tuổi các em…, để các giờ học sau thêm sinh động”, cô Chi nói.

Xác định năm học mới là một năm học đặc biệt, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã xây dựng, thiết kế chương trình học một cách “đặc biệt”, giúp học sinh và giáo viên bắt nhịp và thích ứng.

Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trường nhà trường) cho biết, trong tuần học đầu tiên, trường tạo điều kiện để giáo viên xây dựng các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh từng khối, lớp. Yêu cầu giáo viên chú trọng giúp học sinh ổn định tinh thần học tập trực tuyến, quan tâm tháo gỡ những khó khăn của học sinh khi học tập tại nhà.

“Thời khoá biểu học trực tuyến trong 2 tuần đầu rất nhẹ nhàng. Trong đó, tuần đầu tiên, hầu hết giáo viên lên lớp đều thiết kế các hoạt động tương tác với học sinh như qua các trò chơi, giao lưu. Việc nhắc lại kiến thức cũ cũng khuyến khích theo hình thức này, không gây nhàm chán cho học sinh. Tất cả giáo viên tiếp tục lưu tâm nắm bắt tình hình học sinh trong cuộc sống lẫn việc học, báo cáo với nhà trường để cùng tháo gỡ, giúp các em và gia đình an tâm trong năm học…”, cô Trang nói.

Sáng tạo các giải pháp hỗ trợ học sinh

Theo thống kế, Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) có khoảng 34/1530 học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến trong thời gian đầu năm học. Ngay sau buổi học đầu tiên, nhà trường đã phối hợp với địa phương, liên hệ các điều phối viên, giao phiếu học tập trong tuần đầu đến tận tay học sinh trong sáng hôm nay (7-9).

“Cùng với lực lượng điều phối viên địa phương, nhà trường xây dựng mạng lưới GVCN, giáo viên bộ môn khắp toàn trường nắm bắt, sâu sát tình hình học sinh theo địa bàn khu vực để có những giải pháp hỗ trợ tức thời cả trong học tập lẫn cuộc sống… Điều cần thiết hiện nay, không hẳn chỉ hỗ trợ các em tiếp cận với kiến thức mà còn quan tâm, động viên, chia sẻ, là chỗ dựa cho các em, nhất là những em chịu mất mát trong dịch bệnh”, cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng nhà trường) bày tỏ.

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên chương trình GDPT 2018 được triển khai ở bậc lớp 6. Với nhiều điểm mới về môn học, phương pháp giảng dạy và chương trình, cộng với những khó khăn khi học tập bằng hình thức trực tuyến đã đặt ra bài toán cho các nhà trường phải có sự thay đổi đặc biệt, gỡ khó ở khối lớp này.

“Trường trao quyền chủ động tối đa cho giáo viên trong xây dựng, thiết kế, sáng tạo hoạt động giảng dạy, tích hợp các chủ đề, chủ điểm, làm sao học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng nhất. Linh hoạt để dù là trực tuyến nhưng học sinh phải được trải nghiệm nhiều nhất có thể”, cô Liên nói.

Cô Liên cho rằng, chắc chắn việc đổi mới phương pháp giảng dạy lớp 6 khi dạy học trực tuyến ban đầu sẽ phát sinh nhiều khó khăn. Song, từng bước, khó ở đâu sẽ “gỡ ở đó”. Thực tế, ở các bộ môn mới như Lịch Sử- Địa Lý, Khoa học tư nhiên, việc dạy trực tuyến lại tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên chủ động, sinh động hơn trong phương thức giảng dạy… “Để đạt hiệu quả thì mỗi giáo viên phải xác định thái độ, tinh thần để thay đổi và đón nhận. Chỉ có như thế mới có thể truyền được “lửa” để học sinh, phụ huynh sẵn sàng đón nhận”, cô Liên nhìn nhận.

Tại Q.1, từ cuối tháng 6, quận đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ học sinh, phụ huynh lớp 6 thích ứng, chủ động trước những thay đổi của môi trường, phương pháp, chương trình học tập mới qua những clip về môn học mới, quy chế kiểm tra, đánh giá, giới thiệu các ngôi trường THCS.  

Nhiều trường trên địa bàn Q.1 cũng chủ động lùi thời gian học kiến thức mới ở khối lớp 6 chậm hơn 1 tuần so với các khối lớp khác để hỗ trợ học sinh đầu cấp làm quen với hệ thống học tập mới.

Năm học này, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) ưu tiên xây dựng hoạt động ngoài giờ lên lớp vào mỗi tiết 5 hàng tuần cho học sinh khối 10. Việc sinh hoạt CLB ngoại khoá, sinh hoạt đoàn thanh niên cũng được đưa vào thời khoá biểu chiều thứ 7 mỗi tuần trong khối 10. “Hình thức sinh hoạt trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải thực sự sáng tạo, xây dựng các hoạt động nhóm để học sinh đầu cấp được tương tác, làm quen với thầy cô, bạn bè. Có như vậy, các em mới mạnh dạn, cởi mở chỉa sẻ những khó khăn mà bản thân, gia đình đang gặp phải đến thầy cô, bạn bè, tìm kiếm sự giúp đỡ…”, lãnh đạo nhà trường bày tỏ.


Giáo viên, học sinh bắt nhịp và thích ứng trong năm học mới

Tuần đầu tiên, Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) đã xây dựng chương trình “Chào mừng năm học mới 2021-2022”. Chương trình được xem như là cầu nối giúp học sinh, phụ huynh khối 10 “tham quan” về trường, mô hình CLB, nề nếp và truyền thống của trường.

Thầy Phạm Văn Cường (Phó Hiệu trường nhà trường) cho biết, suốt tuần đầu tiên, mỗi giáo viên, nhất là GVCN sẽ dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh những yêu cầu về nội quy, phương pháp, phương tiện, các ứng dụng công nghệ khi học trên Internet. Rà soát tình hình học sinh khó khăn để kịp thời giúp đỡ.

“Mỗi giáo viên viên đều chủ động với nhiều cách làm hay mang đến những buổi học đầu tiên thật sinh động, vui vẻ, không đơn điệu. Nhà trường cũng phát huy sự vào cuộc của đoàn trường, các CLB, “đổi gió” các hoạt động trải nghiệm sao cho gần gũi, giúp học sinh chủ động, tự tin bước vào năm học mới với tinh thần quyết tâm cao trong mùa dịch…”, thầy Cường thông tin.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)