Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Năm học mới, 100% trường tiểu học TP.HCM dạy kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 2 ngày 10 và 11-6, hơn 1.000 cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã được tập huấn hướng dẫn thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học, đảm bảo việc triển khai giáo dục kỹ năng công dân số tại 100% trường tiểu học trong năm học 2024-2025.


Tiến sĩ Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học- tập huấn cho giáo viên TP.HCM

Giúp học sinh tránh được rủi ro và nguy hiểm trực tuyến

Thạc sĩ Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, theo lộ trình, năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học tại 44 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Đến năm học 2024-2025, việc triển khai sẽ được nhân rộng ra khối tiểu học toàn thành phố.

Thạc sĩ Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, việc định hướng giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là độ tuổi các em đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp học sinh có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.


Hơn 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học TP.HCM được tập huấn để triển khai giảng dạy kỹ năng công dân số

“Khóa tập huấn hướng đến nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao năng lực tổ chức, quản lí, xây dựng và thực hiện nội dung, phương pháp, các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục kĩ năng công dân với cấp tiểu học. Qua đó, giúp nhà trường thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số vào chương trình giảng dạy, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục tiểu học và mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, để hình thành các kĩ năng cần thiết cho công dân số, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn cuộc sống” – Phó Giám đốc Nguyễn Bảo Quốc thông tin thêm.

Triển khai trong giờ chính khóa và ngoài giờ chính khóa

Bộ GD-ĐT trực tiếp tập huấn cho TP.HCM về việc triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học. Tiến sĩ Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT đánh giá cao khi TP.HCM đã có sự quan tâm, xem việc tập huấn triển khai giáo dục kỹ năng công dân số không chỉ là dành cho các trường tiểu học thực hiện thí điểm mà được triển khai đồng bộ, quy mô trên toàn thành phố.


Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc việc giảng dạy kỹ năng công dân số giúp học sinh tiểu học tránh được rủi ro và nguy hiểm trực tuyến

Vụ trưởng khẳng định, Chương trình GDPT 2018 có nhiệm vụ giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Do đó, khi triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là đang thực hiện chương trình, chứ không phải là nhiệm vụ mới.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nêu rõ: Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số sẽ được triển khai trong giờ chính khóa và ngoài giờ chính khóa. Trong giờ chính khóa là dạy nội dung này qua một số môn học cơ bản mà có nội dung giáo dục này, tích hợp vào thành những bài học chính thống do giáo viên triển khai, qua môn học như môn tin, môn khoa học, môn công nghệ… Đưa vào ngoài giờ chính khóa là dạy học tin học tự chọn hoặc tăng cường…

Chương trình GDPT 2018 được triển khai theo môn học và hoạt động giáo dục; Với chương trình 2 buổi/ngày, nhà trường không sử dụng hết thời lượng chương trình theo định mức môn học thì khoảng thời gian này chính là thời gian phân cấp phân quyền để đưa các hoạt động giáo dục trong kế hoạch giáo dục nhà trường.


Tiến sĩ Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học trực tiếp tập huấn cho đội ngũ thầy cô TP.HCM

“Nhà trường phải xác định đây là nhiệm vụ công trong kế hoạch giáo dục nhà trường và điều kiện đảm bảo là nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất. Nếu không có điều kiện đảm bảo thì nhà trường phải sử dụng dịch vụ tư để giải quyết nhiệm vụ công. Dịch vụ tư đưa vào trong nhiệm vụ công thì phải có căn cứ pháp lý. TP.HCM cần bổ sung nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào dự thảo nghị quyết thay thế cho NQ04/2023 của HĐND TP.HCM để làm cơ sở pháp lý cho nhà trường khi triển khai. Khi triển khai, nhà trường cần nêu rõ nguyên tắc đưa vào trong chính khóa, ngoại khóa là gì. Nhà trường cần tổ chức việc này trước ngày 15-8, có hội nghị triển khai phân tích cách hiểu, cách xếp thời khóa biểu…” – Vụ trưởng Thái Văn Tài đề nghị.


Từ năm học 2024-2025, 100% trường tiểu học tại TP.HCM triển khai dạy kỹ năng công dân số

Năm học 2023-2024, việc triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học được TP.HCM thực hiện thông qua nhiều hình thức dạy học môn tin học (từ lớp 3); tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học; Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học. Có thể dạy trải đều theo số tiết/tuần (1-2 tiết/tuần) hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn trong năm học.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục có thể tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số. Các câu lạc bộ này được tổ chức theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh dựa trên năng khiếu, sở trường và sở thích của các em.

Yến Hoa

Bình luận (0)