Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học mới 2008-2009: 6 nhiệm vụ trọng tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 31-7-2008, tại Hải Phòng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2007-2008. Nhìn lại một năm học qua, ngành giáo dục Việt Nam đã có những chuyển mình tích cực.

Tăng cả chất và lượng

Hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra thi cử giảm hẳn, kỳ thi tốt nghiệp THPT và BT THPT đã được tổ chức nghiêm túc ở đa số các hội đồng thi, nhìn chung được dư luận đồng tình. Đó là nhận xét đánh giá được nêu trong báo cáo tổng kết năm học 2007-2008 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008-2009. Theo báo cáo, tình trạng học sinh “ngồi sai” lớp đã bước đầu được khắc phục bằng nhiều giải pháp. Học sinh vùng dân tộc, vùng khó khăn được quan tâm hơn. Năm học 2007-2008 số học sinh bỏ học chiếm 0,94%, tỷ lệ này không thay đổi nhiều so với năm học trước (năm 2006 là 0,92%, năm 2007 là 0,9%). Tuy nhiên, ở một số tỉnh có số học sinh phổ thông bỏ học năm học 2007-2008 cao hơn đáng kể so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh THPT bỏ học chiếm tỷ lệ lớn nhất với 2,02%, thấp nhất là tiểu học 0,28%, THCS là 1,14%.

Hiện cả nước đã có 42/64 tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS (đầu năm 2008 đến nay đã công nhận được 5 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Lào Cai, Bến Tre và Yên Bái). Trong báo cáo cũng nêu rõ, công tác phổ cập giáo dục THCS của 22 tỉnh còn lại gặp rất nhiều khó khăn, nếu không tập trung chỉ đạo có thể có 3-5 tỉnh không đạt phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010. Đối với giáo dục THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và BTTHPT năm nay đã được nâng lên so với năm học trước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT lần 1 đạt 75,96% tăng 9,24% (tỷ lệ lần 1 năm 2007 là 66,72%). Năm 2007 có đến 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp đạt dưới 50% thì năm nay chỉ còn 2 tỉnh là Cao Bằng (40,56%) và Bắc Kạn (43,18%). Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học cũng được chú trọng và có nhiều kết quả đáng kể. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được cải thiện, cả nước hiện có 92,2% số trẻ nhà trẻ, 62,1% trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn tại trường, 95% trẻ được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm chỉ còn 8,25% ở nhà trẻ và 8,18% ở mẫu giáo. Đối với học sinh tiểu học, số học sinh học 2 buổi/ngày tiếp tục tăng so với năm học trước. Một số tỉnh có học sinh lớp 5 học 2 buổi/ngày trên 80% như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định…

Nhiều nơi khó khăn, các em vẫn đến trường như thế này. Ảnh: SƠN HUỲNH

6 nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh những mặt đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra 6 hạn chế yếu kém của ngành giáo dục trong năm học vừa qua như chất lượng giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số… còn chậm, kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc. Cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học đã kéo dài nhiều năm, Bộ chưa chỉ đạo giải quyết có kết quả.

Nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm học mới này gồm 6 nội dung chính.

Thứ nhất là tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thứ hai là thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy và học.

Thứ ba là nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục. Đổi mới quản lý tài chính, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.

Thứ tư là phát triển mạng lưới trường, lớp, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Hoàn thành chỉ tiêu chương trình kiên cố hoá phòng học và xây dựng nhà công vụ giáo viên; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Thứ năm là chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Cuối cùng là triển khai ở cấp quốc gia ba chương trình: phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi; xây dựng hệ thống các trường THPT chuyên, phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú và nội trú dân nuôi (nhất là trường cấp huyện). Trong đó, xây dựng và trình Chính phủ đề án phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009-2015 nhằm tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi tiếp cận với giáo dục có chất lượng trong các loại hình trường, chuẩn bị tiếng Việt, nhất là đối với trẻ vùng khó khăn, vùng dân tộc trước khi vào lớp 1.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)