“Năm học 2008 – 2009 là năm giữa nhiệm kỳ phát triển kinh tế đất nước 2006 – 2010. Chính vì vậy mà hội nghị này hết sức quan trọng. Là kết thúc hai năm chúng ta kết thúc nhiệm kỳ cuộc vận động 2 không. Đây là năm chúng ta đánh giá lại về cuộc vận động hai không. Chúng ta đã làm được gì một cách thực chất” – đó là lời phát biểu khai mạc của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị tổng kết năm học 2007 – 2008 được tổ chức tại Hải Phòng vừa qua.
5 nền tảng, 3 trụ cột của ngành giáo dục
Trước những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi có cuộc vận động hai không, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã họp bàn về các yếu tố nền tảng của ngành giáo dục. Hiện nay có 5 yếu tố nền tảng: đối với bậc học phổ thông thì nền tảng đầu tiên là văn hóa, lịch sử của dân tộc. Văn hóa, lịch sử quan trọng thể hiện trong SGK nhưng cái quan trọng hơn là ngoài đời, là cuộc sống. Chính vì vậy, sắp tới chúng ta phải bàn với Đoàn Thanh niên, với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch triển khai một phong trào là trường học thân thiện, học sinh tích cực để đưa học sinh từ trường học ra ngoài cuộc sống, thực tế lịch sử địa phương rồi đem cái nhận thức văn hóa đó trở lại trường học để thảo luận. Tức là làm thế nào học sinh học hết phổ thông phải có chất Việt Nam. Nền tảng thứ hai là gia đình. Mối quan hệ gia đình – nhà trường như thế nào thì phải xem lại. Nền tảng thứ ba là sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, Đảng và chính quyền địa phương. Nền tảng thứ tư là môi trường sư phạm. Đây là vấn đề rất đặc thù. Qua vận động 2 không cho thấy trong 6 yếu tố của nền tảng này thì có tới 5 yếu tố bị vi phạm. Nền tảng cuối cùng là kinh nghiệm thực tế. Năm học 2007 – 2008, tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc có tăng lên so với năm học 2006 – 2007. Nhưng với mức tăng hơn 9% là vừa phải. “Nhưng chúng ta đã yên tâm hoàn toàn về sự nghiêm túc trong thi cử chưa? Chắc chắn là chưa” – Phó thủ tướng nêu vấn đề. Chính vì vậy mà năm tới chưa thực hiện một kỳ thi, lùi thêm năm nữa. Để năm học 2008 – 2009 ngành giáo dục thực hiện thật nghiêm túc, xã hội thừa nhận thì 2010 có thể yên tâm thực hiện một kỳ thi. Phó thủ tướng cũng cho biết: “Chúng tôi có đi một số địa phương, rút ngẫu nhiên một số bài ở một số hội đồng thi tỷ lệ tăng vọt lên và cho chấm lại, chúng ta có phải suy nghĩ lại không? Có suy nghĩ đấy. Có những hội đồng có tỷ lệ chấm sai chuẩn là đáng quan tâm, nó vượt qua sự ngẫu nhiên, đó là do ý thức. Ông cũng khẳng định, sẽ chấm lại những hội đồng thi tốt nghiệp bất thường. Cục CNTT của Bộ đã có số liệu cụ thể của từng hội đồng thi. Năm nay, Bộ chỉ gửi kết quả chấm lại cho UBND của tỉnh đó xem xét nhưng sang năm sẽ công bố công khai”.
Trong bài phát biểu của mình, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đưa ra 3 trụ cột chính của ngành giáo dục hiện nay. Đó là đội ngũ giáo viên, quản lý nhà nước của ngành và học sinh.
Chất lượng giáo dục thiếu và yếu
Cũng tại hội nghị tổng kết, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã khẳng định những thành tựu của ngành đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, Phó chủ tịch nước nhấn mạnh ngành giáo dục đã biết lựa chọn những vấn đề then chốt, lựa chọn mục tiêu trong từng thời kỳ và có những giải pháp để thực hiện. Cụ thể là cuộc vận động 2 không trong thời gian vừa qua đã làm chuyển biến nhận thức của các thầy cô giáo, của xã hội, của từng gia đình đối với vấn đề học tập và giảng dạy. Ngành giáo dục cũng đánh giá đúng thực trạng của ngành mình. Thực hiện mục tiêu của giáo dục từ 2001 – 2010 về việc nâng cao chất lượng. Ngành giáo dục có nhiều giải pháp, đặc biệt là đánh giá lại chương trình SGK. Đây là việc làm không dễ. Ngành cũng đã đánh giá lại đội ngũ thầy cô giáo để nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đưa ra những hạn chế của ngành cần phải được khắc phục trong thời gian tới như chất lượng đào tạo đã được nâng lên nhưng vẫn chưa theo kịp thế giới. Hệ thống giáo dục của chúng ta từ mầm non đến THPT là nền tảng để cho bậc học tiếp theo. Nhưng hiện nay, đánh giá của thế giới về nguồn nhân lực của chúng ta, về chất lượng đào tạo của chúng ta không mấy sáng sủa. Nguồn nhân lực của chúng ta vừa thiếu vừa yếu, thừa thầy, thiếu thợ. Nhân lực được qua đào tạo khoảng 30% nhưng chất lượng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Phó chủ tịch nước nhấn mạnh, đến năm 2010 thực hiện một kỳ thi quốc gia, nếu không đảm bảo điều kiện công bằng giữa các vùng miền thì rất khó thực hiện.
Đứng trước thực tế đó, năm học 2008 – 2009 được coi là năm học bản lề, có nhiều thay đổi lớn của ngành giáo dục. Năm học này cũng là năm ngành giáo dục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường. Bộ GD-ĐT vẫn tiến hành đánh giá chương trình, SGK đến năm 2010. Trên cơ sở đó, từ năm 2010 sẽ quyết định biên soạn bộ SGK mới như thế nào. Vừa qua ngành GD-ĐT đã triển khai đánh giá chương trình SGK ở quy mô toàn quốc tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 11. Năm nay, bên cạnh đánh giá chung đó, ngành sẽ tiếp tục đánh giá sâu một số môn như giáo dục công dân và thủ công. Đặc biệt, trong năm học 2008 – 2009, thời gian học của tất cả các cấp đều tăng. Cụ thể, cấp tiểu học thời gian thực học có ít nhất là 35 tuần, THCS và THPT là 37 tuần. Với các môn văn, sử, địa, đạo đức, giáo dục công dân tiến hành kiểm tra, đánh giá theo hướng khuyến khích tinh thần tự học và ý thức sáng tạo của học sinh, giảm yêu cầu học thuộc lòng, nhớ nhiều sự kiện, không làm bài theo mẫu.n
Nghiêm Huê
Bình luận (0)