Dĩ nhiên, trước hết là chuẩn bị quần áo, sách vở, dụng cụ học tập. Kế đến là chuẩn bị các điều kiện để con đến trường an toàn, sắp xếp lịch sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho con.
Giáo viên Trường TH Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) phổ biến nội quy trường lớp đến học sinh lớp 1 năm học 2018-2019. Ảnh: N.Trinh |
Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là chuẩn bị tinh thần và xây dựng thái độ học tập cho con. Theo thiển ý của tôi, yếu tố tinh thần bao gồm các điều sau đây:
Thứ nhất, giúp con chuẩn bị sẵn sàng khởi động cho năm học mới. Sau ba tháng hè, đã quen với sinh hoạt thoải mái ở nhà, bây giờ đi học lại, không phải em nào cũng thích ứng ngay, nhất là các em tiểu học, THCS. Cha mẹ cần làm công tác tư tưởng, tìm cách tạo hứng thú cho con, thông qua những câu chuyện, những tình huống để chuẩn bị tâm thế cho con trong những ngày đầu đến trường. Tôi biết có một gia đình nọ, trước ngày tựu trường, dẫn con đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi để con thấy những trẻ bất hạnh hơn mình, hay cho xem hình ảnh, phim về trẻ em vùng lũ lụt, trường lớp tan hoang, nhà cửa tan tác, sách vở ướt hết… để từ đó giúp con biết trân trọng những điều kiện thuận lợi, may mắn của bản thân, có động lực học tốt.
Thứ hai, xây dựng cho con tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc. Cha mẹ phải nhắc nhở con thái độ khi đến lớp, chăm chú nghe giảng, tích cực phát biểu, bài ngày nào làm ngay ngày ấy, không để ngày mai. Tập sách cần gìn giữ cẩn thận, bao bìa dán nhãn, giữ vở sạch, viết chữ đẹp. Những trang vở đầu tiên, bài học đầu tiên vô cùng ý nghĩa và tạo nhiều cảm xúc cho học sinh. Nếu con hứng thú học tập ngay từ những tiết học đầu tiên sẽ tạo đà tốt đẹp cho cả năm học. Muốn thế cha mẹ cần kiểm tra tập vở, sổ báo bài của con để uốn nắn, khen ngợi hoặc nhắc nhở. Trách nhiệm và nghệ thuật của bậc làm cha mẹ là làm sao cho con yêu thích học tập và cảm nhận mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Việc học tập là chuẩn bị tiền đề cho cuộc sống tương lai của con. Cha mẹ thương con thì phải biết cách giúp con học tốt. Nếu được hướng dẫn đúng phương pháp, con sẽ tiến bộ nhanh, việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng, hứng thú, hiệu quả. |
Thứ ba, trang bị cho con phương pháp và tinh thần tự học. Cha mẹ dù thương con đến đâu cũng không thể đi theo con suốt cuộc hành trình. Vậy thì tại sao không dạy cho con tự bước trên đôi chân của mình bằng phương pháp tự học? Cha mẹ cần phải kiên nhẫn giúp con tự đánh giá khả năng để thấy môn học nào còn yếu mà tự đề ra cách khắc phục. Mỗi ngày, không cần có người nhắc nhở, con vẫn tự giác ngồi vào bàn học, tự làm bài, học bài, tự giải quyết những vấn đề hóc búa trong học tập. Nếu có tinh thần tự học thì lớn lên con sẽ biết tự lập, tự rèn luyện và thích nghi, ứng phó với đời. Nhất là không nên nóng lòng với kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm mà hối hả đăng ký các lớp học thêm. Việc học thêm vô tình làm đánh mất đi tinh thần tự học của các cháu.
Thứ tư, trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ mình. Cha mẹ cần trang bị cho con tinh thần tự quản, tự giải quyết các vấn đề nảy sinh trong sinh hoạt. Nếu có gì không ổn phải thông báo ngay cho thầy cô và cha mẹ. Hướng dẫn con từng vấn đề cụ thể như: khi ăn quà ở đường phố biết chọn thức ăn bổ dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khi đi ra đường phải theo đúng Luật Giao thông đường bộ, phải biết cách phòng tránh khi mưa to, gió lớn, khi bị tai nạn hay bệnh đột xuất phải biết xử lý ra sao, khi bị xâm phạm phải biết cách ứng phó…
Thứ năm, cha mẹ cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho chính mình nữa chứ. Theo đó, cha mẹ phải hiểu tâm lý và sâu sát con, tránh làm thay, tránh nôn nóng, không nên đặt ra mục tiêu vượt quá khả năng mà chú ý tính vừa sức cho con. Điều cần thiết là thay đổi tư duy về cách nhìn nhận kết quả học tập của con. Không nên vì mong muốn con học giỏi mà tạo áp lực cho con. Mỗi con người có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Em này giỏi thể thao, giỏi toán, em khác giỏi văn, khéo tay… Con em chúng ta không phải là siêu nhân, mong muốn con cái phải giỏi toàn diện là quan niệm sai lầm. Một khi đã xác lập tinh thần ấy, cha mẹ sẽ không la rầy, trách mắng nặng nề mỗi khi con bị điểm kém; không lo lắng thái quá dẫn đến nóng giận khi con làm bài hoặc thực hành không tốt. Nếu con lỡ đạt điểm thấp hoặc thực hành môn nào đó chưa được tốt thì cũng là chuyện bình thường. Nghĩ thế, phụ huynh sẽ thấy nhẹ nhàng và giúp con rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)