Năm học mới sẽ chính thức khai giảng vào ngày 5.9. Với các giáo viên, mong chờ của họ nhiều khi thật đơn giản và xoay quanh những điều… không mới.
Lễ khai giảng mang niềm vui cho học sinh
Một giáo viên (GV) dạy văn một trường phổ thông tại TP.HCM chia sẻ: "Năm ngoái, tôi được giao nhiệm vụ đại diện cho giáo viên viết bài và phát biểu trong buổi lễ khai giảng. Tôi viết thật gọn, bỏ những phần “kính thưa” nhưng ban tổ chức vẫn điều chỉnh thêm vào cho "có trước có sau, có trên có dưới". Vì thế, chỉ tính các từ ngữ "nghi thức" này đã chiếm mất gần một phần tư bài phát biểu. Thật là quá khuôn sáo, đơn điệu, quá mất thời gian!".
Nhìn vào các buổi lễ khai giảng hiện nay vẫn còn thấy sự rườm rà, máy móc, hình thức, nhàm chán và buồn tẻ. Các buổi lễ chưa tạo được niềm vui cho người học trong ngày tựu trường. Chỉ tính riêng phần giới thiệu đại biểu, dẫn dắt và phát biểu đã chiếm hơn nửa thời gian. Nhiều chương trình lễ thiếu phù hợp, như phần tổng kết năm học trước đã thông qua ở lễ tổng kết rồi mà còn báo cáo lại ở khai giảng. Nhiều buổi lễ chỉ nghe toàn báo cáo, phát biểu, dặn dò. Vì thế, người dự, nhất là học sinh, cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, nhiều khi phải ngồi phơi dưới nắng… Cho nên ngày tựu trường nặng về "lễ" mà thiếu tính chất của ngày "hội", thiếu không khí vui tươi.
Để có được niềm vui trong ngày tựu trường, trước hết phải xác định đây là ngày hội đến trường của người học. Nên tổ chức ngắn gọn, cần thiết mà ý nghĩa, trang nghiêm. Cần tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh dựa trên đặc trưng riêng của từng địa phương. Đây cũng là yêu cầu mà Bộ GD-ĐT gửi các trường trên cả nước thực hiện năm nay.
Như vậy, cùng với niềm hoan hỉ vì được nghỉ dài hơi trong hè (do không phải học hè sớm như các năm trước), nếu lễ khai giảng năm nay có sự đồng lòng "lột xác" trong tổ chức, người học sẽ có được niềm vui ở những buổi đầu đến lớp.
Giảm gánh nặng sổ sách
Trong cuộc gặp giữa những ngày chuẩn bị khai giảng, GV chúng tôi trao đổi với nhau về một ước mơ rất cũ: tinh giản sổ sách.
Nếu là GV bình thường (không kiêm nhiệm) sẽ phải “còng lưng” với các loại sổ: Sổ báo giảng, sổ điểm cá nhân, sổ kế hoạch bộ môn, sổ kế hoạch giáo dục, sổ hội họp, sổ sáng kiến – kinh nghiệm, sổ dự giờ, sổ tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, sổ sử dụng đồ dùng dạy học…
Riêng sổ kế hoạch bộ môn và sổ kế hoạch giáo dục là “khủng bố” nhất vì có rất nhiều mục, nhiều nội dung, dày đến mấy chục tờ A4, đòi hỏi ghi chép hằng tuần, hằng tháng, từng học kỳ và cả năm. Gặp nhau, thầy cô dạy cùng bộ môn thường hỏi đã xong 2 loại sổ “hãi hùng” chưa? Nếu câu trả lời là “rồi” thì thế nào cũng nhận được cái nắm tay khẩn khoản: “Email cho tui với nhé”. Tải về, sửa chữa, cắt dán, phù phép tài liệu của GV khác thành tài liệu của mình là cách mà GV thường làm để đối phó với… nạn sổ sách, kể cả giáo án, đề tài khoa học, sáng kiến, kinh nghiệm.
Nếu là GV chủ nhiệm thì ngoài các loại sổ kể trên, phải làm ba bốn chục cuốn sổ liên lạc và một sổ chủ nhiệm dày cộp. Sổ này gồm lý lịch trích ngang, thông báo của nhà trường, học phí và thu chi các loại, các đối tượng miễn giảm, học sinh cá biệt, biện pháp giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhận xét hằng tuần, biên bản họp lớp đột xuất, biên bản sinh hoạt cuối tuần, biên bản nhận xét hạnh kiểm hằng tuần, hằng tháng, biên bản khen thưởng, kỷ luật… Nhiều GV xanh mặt khi mình được ban giám hiệu “tin tưởng” giao làm chủ nhiệm. Khi sổ sách của GV bình thường đã làm ná thở, nay có thêm quyển sổ… 13 trong 1 là sổ chủ nhiệm nữa thì thật… kinh hãi.
Riêng sổ giáo án thì có nhiều “chủng loại”: chính khóa, dạy thay, dạy học theo chủ đề, dạy học theo nghiên cứu bài học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu… Thầy cô xác xơ vì sổ sách, chìm nghỉm trong sổ sách, mất rất nhiều thời gian vào sổ sách, thậm chí có tình trạng GV cắt xén tiết dạy để tranh thủ… làm sổ sách cho kịp ngày kiểm tra.
Chuyện giảm gánh nặng sổ sách thật ra không mới nhưng năm nào GV cũng mơ. Mong muốn quá thì mơ thôi.
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)