Sự kiện giáo dụcTin tức

Năm học mới, học phí mới

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua tờ trình học phí
Ngày 13-7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa VIII đã bế mạc. Theo đó nhiều tờ trình đã được thông qua, đặc biệt là tờ trình về cơ chế thu và sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2013-2014 trên địa bàn TP.HCM theo nghị định 49 của Chính phủ.
Như vậy là, bắt đầu từ năm học 2013-2014, các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn TP.HCM sẽ không còn phải sử dụng mức thu học phí cũ được áp dụng từ năm 1998.
Mức học phí phù hợp với thu nhập của người dân
Theo phân tích của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ nhiều năm nay, việc xây dựng mức thu học phí thường dựa theo mức thu lần trước, không xây dựng trên cơ sở thu đủ bù chi sau khi được phân bổ ngân sách. Ngân sách cho GD-ĐT hiện nay là trên 26% ngân sách chi thường xuyên hàng năm của TP. Tuy nhiên, phần lớn đã dành chi cho con người (hơn 80%) nên còn hạn chế phần chi hoạt động và cơ sở vật chất. Mặt khác, từ năm 1998 đến nay, Nhà nước đã 8 lần nâng lương tối thiểu, dẫn đến mức thu học phí càng làm khó khăn hơn trong hoạt động của nhà trường.
Từ năm 2004 khi thực hiện chế độ lương mới, các trường phải trích 40% tổng thu học phí để phục vụ cải cách tiền lương. Vì vậy, với mức thu học phí thấp, lại phải trích chi lương nên kinh phí dành cho hỗ trợ giảng dạy không đáp ứng được yêu cầu. Thu nhập từ học phí của giáo viên/tháng theo mức thu cũ, cao nhất là 108.892 đồng (giáo viên THPT ở nội thành) và thấp nhất là 41.821 đồng (giáo viên THCS ngoại thành). Còn ở tiểu học không thu học phí nên giáo viên không được hưởng.
Trong khi ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp thì học phí là nguồn bổ sung tài chính quan trọng, thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa Nhà nước, xã hội và người học để chi phí dạy – học ở các trường đạt mức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Vả lại, học phí mới là sự hợp thức hóa các khoản thu đã được thực hiện tại các trường công lập và nhằm minh bạch hóa cơ cấu tài chính trường học.
Học phí mới được xây dựng căn cứ nghị định 49 và thu nhập bình quân hộ gia đình trên địa bàn TP. Do thu nhập của hộ gia đình ở các khu vực trong TP khác nhau nên mức đóng góp học phí được chia thành 2 nhóm đối tượng. Nhóm 1 là HS có gia đình sống ở các quận, nhóm 2 là HS có gia đình sống ở các huyện.
Riêng HS lớp chuyên không thu học phí, lớp thường ở trường chuyên thu theo mức học phí phổ thông cùng cấp. Đối với các mức thu khác như học phí bán trú, môn tự chọn, ngoại khóa, học phí trường chất lượng cao, Sở GD-ĐT TP sẽ xây dựng và trình UBND TP xem xét quyết định.
Tập trung đảm bảo an sinh xã hội

Phụ huynh đóng tiền học phí cho con năm học vừa qua
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định: “Tình hình kinh tế TP còn nhiều khó khăn, hồi phục chậm, số doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm ngừng hoạt động còn nhiều, tỷ lệ nợ xấu còn cao. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Việc giảm tải tại các bệnh viện đã đạt kết quả bước đầu, song do bệnh nhân từ các tỉnh về TP nên hiệu quả chưa cao. Tình hình ô nhiễm môi trường, quản lý và khai thác tài nguyên, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt yêu cầu đề ra. Tệ nạn xã hội ở một số địa bàn còn phức tạp, gây bức xúc trong xã hội và lo lắng cho nhân dân. Với trách nhiệm, vai trò quản lý và điều hành, thay mặt UBND TP, tôi xin chịu trách nhiệm về những khuyết điểm trên”.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, UBND TP sẽ tập trung thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho diện chính sách, người nghèo và các đối tượng xã hội. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra và giám sát các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chữa trị các loại dịch bệnh phát trên địa bàn TP. Tổ chức tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, khai giảng năm học mới. Khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của HS trong năm học 2013-2014. Phấn đấu đến cuối năm đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, cấp bách như cầu Sài Gòn 2, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – đường cao tốc TP.HCM – Long Thành, 2 cầu vượt quốc lộ 1K, tỉnh lộ 10, các cầu vượt thép, một số công trình trong chương trình giảm ngập nước, bệnh viện và trường học đã được thông qua.
Nghị quyết của HĐND TP thống nhất với nhiệm vụ và giải pháp mà UBND TP trình tại kỳ họp. Trong đó lưu ý UBND TP tập trung chỉ đạo, điều hành các nội dung trọng tâm như tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp; ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông; phát triển nhà ở xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở người thu nhập thấp; mở rộng mạng lưới cấp nước sạch đến khu lưu trú công nhân và địa bàn nông thôn; tập trung tấn công, trấn áp, kéo giảm rõ rệt các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân TP…
Bài, ảnh: Hòa Triều
 
Mức thu học phí năm học 2013-2014
Đvt: đồng/học sinh/tháng
Cấp học
Nhóm 1
Nhóm 2
Nhà trẻ
150.000
90.000
Mẫu giáo
120.000
60.000
Tiểu học
Không thu
Trung học cơ sở
75.000
60.000
Bổ túc trung học cơ sở
112.000
90.000
Trung học phổ thông
90.000
75.000
Bổ túc trung học phổ thông
135.000
112.000                    
 
Mức thu học phí năm học 2014-2015
Đvt: đồng/học sinh/tháng
Cấp học
Nhóm 1
Nhóm 2
Nhà trẻ
200.000
140.000
Mẫu giáo
160.000
100.000
Tiểu học
Không thu
Trung học cơ sở
100.000
85.000
Bổ túc trung học cơ sở
150.000
130.000
Trung học phổ thông
120.000
100.000
Bổ túc trung học phổ thông
180.000
150.000                   
 
 
 

Bình luận (0)

Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học mới, học phí mới?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ở những vùng khó khăn như Cần Giờ có thể sẽ không phải đóng học phí

Chiều 7-5, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM đã có buổi giám sát tại Sở GD-ĐT TP.HCM về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo”. Theo đó, vấn đề mà Ban Văn hóa – Xã hội HĐND đặc biệt quan tâm là học phí mới của năm học mới…
Tăng học phí là đương nhiên
Từ 15-3 đến nay, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP đã làm việc với các phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường từ mầm non đến THPT, qua đó nhận ra một thực tế là các khoản thu theo Quyết định 49 (năm 1998) của UBND TP đối với ngành GD-ĐT hoàn toàn không còn phù hợp với thời giá hiện nay.
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP tâm tư: “Các khoản thu theo Quyết định 49, nay đã quá lạc hậu gây rất nhiều khó khăn cho các trường. Đi giám sát, chúng tôi phát hiện có không ít quận, huyện và trường đã phải “xé rào” để thu cao hơn. Chẳng hạn như phí phục vụ bán trú có nơi thu 50 ngàn đồng, có nơi thu 60 ngàn đồng, thậm chí nơi thu 100 ngàn đồng, trong khi quy định chỉ có 30 ngàn đồng. Hay như vệ sinh phí, quy định là 5 ngàn đồng nhưng nhiều nơi phải thu lên 10 – 20 ngàn đồng. Ở những nơi “xé rào” thu cao hơn quy định (đương nhiên có sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh) thì chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh rất tốt. Ngược lại, những nơi thu đúng quy định thì nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khó thực hiện các biện pháp giáo dục, nuôi dạy học sinh…”. Theo đó, bà Ngọc Anh cùng nhiều đại biểu trong đoàn giám sát đều cho rằng, việc tăng học phí cũng như điều chỉnh các khoản thu là đương nhiên…
Nhưng tăng như thế nào để nhà trường có thể hoạt động tốt với nguồn thu cũng như phụ huynh không “kêu trời” lại không phải là chuyện dễ dàng.
Ai cũng biết điều kiện sống của người dân thành phố không đồng đều. Có gia đình bỏ ra 5 – 7 triệu đồng/ tháng để đóng tiền học cho con cảm thấy rất nhẹ nhàng. Ngược lại cũng có những ông bố, bà mẹ bỏ ra vài chục ngàn đồng để con được cắp sách đến trường là cả một vấn đề. Chính vì vậy, việc quy định học phí cũng như các khoản thu khác không thể chỉ căn cứ vào tiêu chí nội thành và ngoại thành như hiện nay.
Bà Ngọc Anh cho rằng, có những khu vực cần phải miễn phí hoàn toàn. Trên thực tế khi đi khảo sát ở một số trường tiểu học thuộc xã nghèo, đoàn giám sát nhận thấy có những lớp 40 học sinh nhưng chỉ có 3 em đóng tiền học buổi thứ 2. Bên cạnh những khu vực miễn phí cũng cần có khu vực thu học phí cao như Trường THPT Lê Quí Đôn hiện nay, rồi khu vực thu học phí ở mức trung bình…
Bà Ngọc Anh cũng cho biết là HĐND TP đã “bật đèn xanh” để Sở GD-ĐT TP xây dựng đề án học phí mới cho năm học sắp tới.
Theo đó, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Khi nào HĐND có văn bản chỉ đạo thì sở sẽ xây dựng khung học phí mới và trình lên trong thời gian sớm nhất để kịp với kỳ họp HĐND lần này (dự kiến từ ngày 6 đến 9-7).
Đời sống giáo viên sẽ được quan tâm hơn
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP chất vấn: “Đi giám sát ở một số nơi, nhất là các huyện ngoại thành, chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng của các thầy, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục. Nhiều giáo viên đi dạy rất xa – khoảng 30km, thế nhưng địa phương lại không có nhà công vụ cho các thầy cô. Bởi vậy, ở một số trường của huyện Cần Giờ đã xảy ra tình trạng trên lầu thì học sinh học, còn dưới đất trẻ con (con của giáo viên) chạy lung tung vì giáo viên ở trong trường. Từ lâu, thành phố đã có chủ trương về nhà công vụ cho giáo viên, ngành GD-ĐT cần quan tâm hơn đến vấn đề này…”.
Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Từ nhiều năm nay, ngành GD-ĐT rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Riêng năm 2010, đã đầu tư 30 tỷ để xây nhà công vụ cho giáo viên ở huyện Cần Giờ. Ngoài ra, các giáo viên ở quận, huyện khác cũng đã quyên góp được 450 triệu đồng để xây nhà công vụ cho đồng nghiệp ở Doi Lầu…”.
Đại biểu Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP) lại quan tâm đến chế độ chính sách đối với giáo viên. Ông băn khoăn không biết có bao nhiêu giáo viên sống được bằng lương, nhất là giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Chủ tịch Công đoàn ngành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Với giáo viên mầm non đã được giải quyết chế độ phụ trội, tuy vậy xin 2 giờ/ ngày nhưng thành phố mới cho được 1 giờ”. “Sở GD-ĐT cần mạnh dạn “xin” thêm 1 giờ còn lại để tránh thiệt thòi cho giáo viên mầm non”, bà Ngọc Anh đề xuất.
Ban Văn hóa – Xã hội cũng đề xuất ngành GD-ĐT chăm lo đến đời sống của học sinh nghèo, khó khăn. Tháng 10-2009, thành phố đã có văn bản hỗ trợ mỗi học sinh thuộc xã đảo Thạnh An đang theo học tại Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ 140 ngàn đồng/ tháng (tiền ăn) nhưng khi đi giám sát mới hay đến nay các em vẫn chưa được nhận. Về vấn đề này, Sở GD-ĐT cho biết là văn bản của thành phố nêu rõ Cần Giờ tự cân đối thu chi nhưng do không cân đối được nên Cần Giờ đã xin thành phố cấp. Theo đó, ngày 15-1-2010, Sở GD-ĐT có văn bản trình UBND TP, song chưa nhận được văn bản trả lời. Theo đó, bà Ngọc Anh hứa sẽ báo cáo với HĐND để thành phố quan tâm hơn đến đối tượng học sinh này…
Bài, ảnh: Kim Anh