Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Năm học mới, hy vọng mới

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Hôm qua 5-9, trong ngày khai giảng truyền thống, khoảng 1,2 triệu học sinh (HS) TPHCM phấn khởi đón chào năm học mới.

Mới 6 giờ 30 sáng, ngôi trường nhỏ thuộc huyện Hóc Môn TPHCM mang tên người anh hùng Nguyễn Hữu Cầu đã rợp màu cờ, bóng bay. Sân trường như càng chật hơn khi hơn 1.900 thầy và trò đã tụ họp về đón ngày khai trường.


Những tà áo dài, chiếc áo trắng tinh khôi mẹ mới may cho đỡ tốn kém  không chỉ điểm tô thêm sự rạng rỡ cho những gương mặt rạng ngời niềm vui mà còn tràn trề
hy vọng của những cô cậu học trò ngoại thành.


Trên nền nhạc “Đường đến ngày vinh quang” của nhạc sĩ Trần Lập, tinh thần ấy đã lan truyền đến từng HS và được học trò lớp 12 thay mặt các bạn hứa trước sân trường “Ngày khai trường này sẽ bắt đầu cho một năm học thi đua học tập, rèn luyện để đi đến thành công…”.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân động viên các em học sinh trường Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn) tại lễ khai giảng năm học mới 2008-2009. Ảnh: MAI HẢI

Đang phát biểu trong lễ khai giảng, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đột nhiên ngưng đọc, ông chỉ xuống phía đại biểu và xúc động: “Mặc dù còn khó khăn nhưng Trường Nguyễn Hữu Cầu đã đóng góp nhiều nhân tài, nhân lực chủ chốt cho địa phương và các sở ban ngành của TP. Trong đoàn đại biểu của TP đến dự lễ hôm nay có rất nhiều cán bộ từng là HS của ngôi trường này. Đây là truyền thống về tinh thần vượt khó để thầy trò trường phấn đấu phát huy trong thời gian tới”.

Cả  trường lặng đi niềm xúc động và quyết tâm dạy tốt, học tốt, giữ vững tỷ lệ của năm học cũ: 100% HS đỗ tốt nghiệp THPT, trên 60% HS đậu ĐH-CĐ…,  xứng đáng với Huân chương Lao động hạng ba mà Chủ tịch nước trao tặng.

Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, những quả bóng nhiều màu sắc từ từ bay lên không trung trong tràng vỗ tay kéo dài và lời hứa quyết tâm phát huy sáng tạo trong giảng dạy, học tập để tiếp nối xứng đáng truyền thống của gần 1.700 HS ngôi
trường chuyên.


Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo chúc tập thể nhà trường viết tiếp trang sử vẻ vang, trong đó, các thầy cô giáo đi đầu trong nâng cao chất lượng và HS không phụ lòng tin của cha mẹ, thầy cô. Dịp này, nhà trường đã khen thưởng 69 HS xuất sắc (2 HS được tuyển thẳng, 6 HS đạt danh hiệu thủ khoa, 7 HS là á khoa các trường ĐH…).  Năm 2008, trường có hơn 90% HS đậu ĐH, 367 HS giỏi cấp TP, 23 HS giỏi quốc gia…

 Niềm hân hoan trong ngày khai giảng năm học 2008 - 2009 của học sinh Trường Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn). Ảnh: THÁI BẰNG

2.450 học sinh THPT của vùng duyên hải Cần Giờ cũng háo hức hòa cùng không khí tươi vui của ngày hội đến trường, dù nhiều em nhà xa phải đến trường bằng xe bus hay chèo đò.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã chia sẻ những khó khăn của ngôi trường vùng sâu, vùng xa, đồng thời nhấn mạnh trong năm học mới, ngân sách TP cần hỗ trợ trường đầu tư trang thiết bị dạy học, kết nối Internet, thư viện, chỗ ở cho giáo viên. Huyện Cần Giờ cần xem xét hỗ trợ thêm ngân sách để trường nâng cao chất lượng giảng dạy, có chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút và đảm bảo đội ngũ giáo viên ổn định.

Khi nghe trường báo cáo tình hình thiếu GV, ông cũng chỉ đạo UBND huyện có chính sách cấp đất để GV yên tâm công tác.

Dịp này, huyện Cần Giờ và Liên đoàn Lao động TPHCM đã trao hơn 31 triệu đồng cho những học sinh có kết quả học tập xuất sắc, 45 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo của xã Thạnh An.

Phó Chủ tịch UBND Thường trực TP Nguyễn Thành Tài đã chia sẻ niềm vui khai giảng cùng thầy và trò Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, đặc biệt là niềm tự hào của 753 HS khối 10 đã trúng tuyển vào ngôi trường có điểm tuyển chuẩn cao nhất TP. Nhiều HS vừa trúng tuyển ĐH đã đến tri ân công lao của thầy cô giáo. Năm học qua, trường có 100% HS của trường đậu tốt nghiệp, trong đó có 42% HS tốt nghiệp loại giỏi, 4 thủ khoa, 112% HS đậu vào các trường ĐH, CĐ.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thành Lập đã đến Trường THPT Bình Chánh dự khai giảng. Dịp này, Báo SGGP và doanh nghiệp may Phúc Trinh (quận Tân Bình) tặng 10 suất học bổng vượt khó cho HS của trường (1 triệu đồng/suất).

Hà Nội: Nhiều thách thức mới

Hơn 1,3 triệu học sinh Hà Nội đã đón năm học mới 2008-2009 với dấu mốc quan trọng, là năm đầu tiên địa giới hành chính mở rộng, trở thành đơn vị có quy mô lớn
nhất cả nước với gần 2.300 trường học, 72.000 giáo viên.


Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học mới cũng đặt ngành giáo dục trước nhiều thách thức mới: số phòng học cấp 4 tăng lên (hiện vẫn còn 7.000 phòng học cấp 4), tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn (cả Hà Nội hiện thiếu 4.000 giáo viên).

Cũng trong sáng qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Ngôi trường này là nơi bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu của khu vực Hà Tây (cũ). Từ khi thành lập, trường đã cung cấp cho đất nước hơn 300 nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và có hàng trăm HS đạt giải quốc gia, quốc tế và khu vực ở các môn văn hóa, thể dục thể thao và môi trường.

ĐBSCL: Khai giảng đồng loạt để tránh lũ

Do đặc điểm của vùng, nhiều tỉnh của ĐBSCL như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… đã thực hiện khai giảng đồng loạt để tránh lũ.

Để giảm bớt tỷ lệ học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, Sở GD-ĐT Đồng Tháp quyết định miễn học phí cho HS thuộc diện hộ cận nghèo đang theo học tại các trường công lập và mầm non bán công. Đến nay, Sở GD-ĐT Đồng Tháp kết hợp với hội khuyến học vận động các nhà tài trợ được 700 triệu đồng trao 3.500 suất học bổng cho sinh nghèo.

Tại Cần Thơ, trong năm học 2008 – 2009, tuyển sinh ở các lớp mẫu giáo, lớp 6, lớp 10 đều tăng, duy chỉ có khối lớp 1 giảm 1.167 học sinh so với năm học 2007 – 2008. Trong năm học này, TP Cần Thơ tập trung xây dựng mới 76 trường học và xóa các điểm trường không có nhà vệ sinh và nước sạch.

Tỉnh Kiên Giang đưa vào sử dụng hơn 200 phòng học mới, sửa chữa 300 phòng học và 120 công trình nhà vệ sinh. Hiện Kiên Giang vẫn đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm 248 phòng học với kinh phí 68,7 tỷ đồng, đáp ứng đủ phòng học cho năm học mới.  Ngoài ra, ngành giáo dục  tỉnh cũng đã đầu tư bổ sung trang thiết bị dạy học cho khối lớp 2, lớp 7 và mua sắm trang thiết bị cho khối lớp 12  với kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng. Tỉnh Hậu Giang năm nay có thêm ba trường THPT mới thành lập. Việc thành lập mới các trường vừa giảm áp lực học sinh cho các trường khác vừa giảm tỉ lệ bỏ học do điều kiện đi lại khó khăn.

Khoảng 1,7 triệu HS khu vực Tây Nguyên – Nam Trung bộ đã bước vào năm học mới 2008 – 2009. Năm học này, Lâm Đồng có trên 313.000 HS, tăng gần 6.000 HS so với năm trước. Ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã trích 5,5 tỷ đồng để mua sách, vở phát miễn phí cho HS dân tộc thiểu số và HS vùng đặc biệt khó khăn.

Tại Gia Lai, tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 507 phòng học mới, sửa chữa 209 phòng và đóng mới 6.303 bộ bàn ghế cho HS và giáo viên.

Tỉnh Đắc Lắc đã cấp 165.000 bộ SGK và hỗ trợ 1.350.000 quyển vở cho HS dân tộc thiểu số. Ngành GD-ĐT đảm bảo đủ phòng học 2 ca, chủ động trong việc xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp nặng; lồng ghép các chương trình để ưu tiên đầu tư cho bậc học mầm non. Tuy vậy, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng học vi tính và kho chứa thiết bị vẫn còn thiếu.

Tỉnh Đắc Nông có khoảng 139.000 HS đến trường, tăng 8.000 HS, trong đó 33% HS dân tộc thiểu số. Ngành GD-ĐT đầu tư 4 tỷ đồng mua sách, vở cấp phát miễn phí cho HS dân tộc thiểu số. Một số khó khăn mà ngành GD-ĐT Đắc Nông gặp phải là tiến độ xây dựng trường lớp còn chậm nên sĩ số HS tại một số lớp còn đông; thiếu kinh phí để trang bị máy vi tính cho các trường tiểu học để HS làm quen với tin học…

Ninh Thuận cấp vở cho gần 20.000 HS ở các xã đặc biệt khó khăn. 8.422 HS tiểu học là con em đồng bào dân tộc Chăm thuộc 23 trường tiểu học được học chữ Chăm với thời lượng 2 tiết/tuần.

Trao học bổng, tặng sách vở đầu năm học mới

(SGGP).- Ngày 5-9, đại diện Ủy ban MTTQ TPHCM đã đến thăm, động viên các em học sinh (khóa 9) tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố (Sở LĐTB-XH TPHCM). Tại đây, đoàn đã trao 50 suất học bổng gồm xe đạp, dụng cụ học tập, thẻ BHYT, đồng phục để các em có điều kiện tốt nhất bước vào năm học mới

* Ngày 4-9, tại hội trường Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempic, Quỹ Khuyến học Việt Nam phối hợp với Hội Khuyến học TPHCM đã tổ chức chương trình giao lưu và trao học bổng “Vòng tay đồng đội” lần thứ 1 năm 2008 cho các học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học thuộc diện con em bộ đội, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công và công nhân quốc phòng thuộc 6 tỉnh khu vực phía Nam.


Đợt này, tổng cộng có 280 suất học bổng trong đó TP Hồ Chí Minh (50 suất), Bạc Liêu (39 suất), Bình Dương (41 suất), Đồng Nai (50 suất), Đồng Tháp (50 suất) và Lâm Đồng (50 suất). Mỗi suất học bổng “Vòng tay đồng đội” trị giá 500.000 đồng (HS tiểu học), 600.000 đồng (HS THCS), 800.000 đồng (HS THPT) và 1.000.000 đồng (sinh viên ĐH).

* Ngày 5-9, Hội Nông dân huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, đã tổ chức trao 131 suất học bổng cho 131 con em nông dân nghèo hiếu học tại 15 xã và thị trấn trên địa bàn huyện với tổng trị giá 54 triệu đồng và 420 cuốn tập, mỗi suất trị giá từ 400 đến 600 ngàn đồng


Đây là số tiền do các cá nhân, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện hỗ trợ, giúp đỡ nhằm chia sẻ, động viên các em phấn đấu học tập tốt hơn, góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình phổ cập giáo dục của huyện.

* Sáng 5-9, tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề thiếu niên TPHCM (quận Gò Vấp), nơi đang nuôi dạy trên 220 em sống lang thang, cơ nhỡ, Đoàn TNCS Báo SGGP đã đến trao tặng 50 bộ sách giáo khoa (ảnh), 550 quyển tập, 12
suất học bổng và gạo, búp bê, bánh kẹo


Số quà trên do Nhà xuất bản Giáo Dục, Công ty Sách-Thiết bị trường học TPHCM, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ bột mì và đoàn viên-thanh niên của Báo SGGP đóng góp.

Nhóm PV (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)