Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học mới: Ngành Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đảm bảo chất lượng giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm học 2023-2024, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐSCL) có hơn 3 triệu học sinh (HS)  các cấp.  Ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn để mang lại cho HS các cấp một năm học mới đáp ứng các yêu cầu  về đảm bảo chất lượng.


Đại tướng Phạm Văn Trà trao học bổng từ “Quỹ Khuyến học Phạm Văn Trà” cho HS  tỉnh Hậu Giang để chuẩn bị NHM

Là trường thuộc vùng ven, học sinh (HS) đa số là con em người lao động phổ thông, cơ sở vật chất hạn hẹp, nhưng năm học vừa qua trường Trung học cơ sở  (THCS) Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đã đạt nhiều thành quả xuất sắc trong dạy và học. Số giáo viên (GV) và học sinh (HS) đạt giỏi các cấp tăng hơn các năm học trước, trong đó có 15 HS đạt giải cao (nhất, nhì, ba) trong các kỳ thi HS giỏi cấp thành phố, và 01 giải quốc gia môn Tin học, 1 giải quốc gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên Nhi đồng. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua HS của trường vinh dự là thủ khoa trường trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Việt Hồng (là trường có điểm chuẩn TS lớp 10 cao thứ nhì TP.Cần Thơ, sau trường THPT Châu Văn Liêm); nhiều HS đậu vào trường Chuyên Lý Tự Trọng, trong đó có 2 em là Thủ khoa bộ môn… Năm học 2023- 2024, số HS lớp 6 của trường là 606 với 14 lớp, tăng 2 lớp so với năm học trước; tổng số HS của trường là 1.706 gồm 41 lớp, trung bình 43 HS/lớp. Trường phải  ngăn đôi phòng Hội đồng giáo viên để có thêm 2 phòng học; và tận dụng các phòng học bộ môn mới đủ phòng học. Trong hè nhà trường trích kinh phí hoạt động để tu sửa, nâng cấp một số hạng mục nhỏ; sửa chữa bàn ghế, bổ sung tư liệu, đồ dùng dạy học… trị giá hàng chục triệu đồng, đáp ứng yêu cầu dạy học. Thầy Hoàng Xuân Toàn – Hiệu trưởng trường, bộc bạch: “Thiếu bàn ghế trường tự  xoay sở; không vận động phụ huynh HS vì đầu năm học các gia đình đã phải  mua sắm nhiều thứ cho con. Đa số gia đình HS thuộc diện nhập cư, tạm trú; chuẩn bị cho ngày khai giảng, trường vận động xã hội hoá (XHH)  để hỗ trợ những HS khó khăn và khen thưởng những HS đạt thành tích học tập, rèn luyện cao trong năm học vừa qua. Nhưng lo nhất là  thiếu 8 GV, rải đều ở các bộ môn. Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo  đủ thầy cô  giảng dạy. Trường đang phấn đấu đạt chất lượng giáo dục mức độ 1, tạo đà tiến tới  trường chuẩn quốc gia”.


Chuẩn bị cho NHM, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu (bìa phải), và Đoàn công tác thăm trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, Cần Thơ

Năm học vừa qua, trường Tiểu học (TH) Bình Thủy, quận Bình Thủy, nằm trong số trường dẫn đầu cấp Tiểu học của ngành GD TP.Cần Thơ về chất lượng GD và số GV và HS giỏi các cấp là lá cờ đầu TP về số HS đạt các giải quốc tế. Năm học 2023 – 2024, trường  có  32 lớp với 1.218 HS, trong đó có 58 em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc vận động XHH hỗ trợ các em tập vở, sách giáo khoa (SGK), quần áo  và đóng các loại bảo hiểm, trường còn nhiều “vấn đề” cần tháo gỡ, như:   Khắc phục việc thiếu 6 GV (4 GV chủ nhiệm, 1 GV âm nhạc, 1 GV GD thể chất); ngoài ra  một số HS do nhiều nguyên nhân, chưa có mã định danh. Năm học này môn âm nhạc lớp 4 có môn thổi sáo. HS phải có sáo mới học được, mỗi cây sáo khoảng 150.000 đồng, trong khi khối lớp 4 có 33 HS hoàn cảnh khó khăn, 1 HS thuộc hộ cận nghèo. Đây là những HS mà thời gian qua nhà trường phải chăm lo cho các em từ phương tiện học tập, đến vận động các  nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, góp phần  để các em không bỏ học. Cô Trịnh Thị Nhung – Hiệu trưởng trường, băn khoăn: “Nhiều em  ở với ông bà do cha mẹ làm ăn ở xa. Ông bà lớn tuổi, không có thu nhập nên  hoàn cảnh các em rất khó khăn. Không có sáo các em học không đạt môn này thì phải ở lại lớp. Do vậy nhà trường phải gánh thôi”.


Trước ngày khai giảng, Tổ Chuyên môn  – Phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều thẩm định hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài trường THCS Trần Ngọc Quế

Đến thăm trường TH Bình Thủy nhân dịp chuẩn bị cho năm học mới (NHM), trước những khó khăn của trường, ông Cao Xuân Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bình Thủy, chỉ đạo BGH các trường trên địa bàn thống kê tất cả số HS có hoàn cảnh khó khăn tại các trường, lập danh sách gởi về phường và gởi đến các địa phương nơi các em cư ngụ để chính quyền và người dân cùng tham gia vận động chăm lo cho các em: “Làm sao để 100% trẻ trong độ tuổi của phường đều đến trường. Và không để vì khó khăn mà các em phải bỏ học hoặc thiếu phương tiện, dụng cụ học tập” – Ông Cao Xuân Toàn khẳng định.

… Để chuẩn bị cho năm học mới với mục tiêu chủ đạo: Tiếp tục xây dựng môi trường học tập thân thiện, thầy cô gương mẫu – học sinh chăm ngoan – trường lớp sạch đẹp; các tỉnh – thành trong khu vực đã  nâng cấp và xây mới nhiều trường học. Vận động xã hội hóa để cấp hàng trăm ngàn suất học bổng và hỗ trợ  phương tiện học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã khởi công đầu tư xây dựng 5 dự án, với tổng kinh phí trên 193,8 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc nâng cấp, sửa chữa 8 trường Trung học phổ thông (THPT), với kinh phí 14,5 tỉ đồng… phối hợp một số đơn vị trao trên 26.000 bản SGK cho HS, và sẽ tiếp tục tặng SGK cho Thư viện các trường phổ thông; kết hợp các tổ chức, trao tặng hàng ngàn suất học bổng và phương tiện học tập cho các em HS…

Vấn đề khó khăn nhất là tình trạng thiếu GV.  Năm học 2023-2024, tỉnh Hậu Giang huy động hơn 159.000 HS các cấp;  thiếu 1.196 GV ở các cấp học;  nhiều nhất là các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh và tin học. Công tác tuyển dụng GV các năm qua  không đạt chỉ tiêu kế hoạch vì không có nguồn. Tháng 7-2022, HĐND tỉnh Hậu Giang  ban hành nghị quyết về chính sách thu hút GV giảng dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh và tin học. Những GV được tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hưởng 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc ít nhất 5 năm. Nhưng  đến nay chỉ mới tuyển được 23 giáo viên.

Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang Phan Văn Nhớ chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, chuẩn bị vào NHM, nỗi lo lớn nhất vẫn là  thiếu GV. Dù điều kiện ở thành thị khá hơn, nhưng năm học này TP. Vị Thanh vẫn thiếu 41 GV trong khi ngành  còn 57 biên chế chưa sử dụng. Giải pháp vẫn là  ký hợp đồng với GV, nếu trường nào chưa đủ thì hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đều đứng lớp…”.

Năm học mới,  tỉnh  Đồng Tháp có 350.000 HS;  thiếu hơn 1.400 GV các cấp… Có 479 trường thiếu GV, tập trung nhiều  là các trường ở vùng xa, vùng khó khăn.

Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, có nhiều cơ sở đào tạo ngành sư phạm nhưng năm học này TP. Cần Thơ thiếu 680 GV các cấp học; nhiều nhất là ở cấp tiểu học: 313 GV… Các quận, huyện, trường học đã tiến hành tuyển dụng nhưng số lượng người dự tuyển vẫn không đủ so với chỉ tiêu.


Ông Cao Xuân Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (thứ 3 từ phải vào) và đoàn công tác đến thăm trường TH Bình Thủy trước NHM

Để bảo đảm  công tác giảng dạy, ngành GD-ĐT các tỉnh thành trong Vùng  thực hiện nhiều  biện pháp như có chính sách hỗ trợ GV mới ra trường; ký  hợp đồng với GV…  Bà Nguyễn Thúy Hà – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết giải pháp: “Ngoài tuyển dụng, Đồng Tháp đã sắp xếp (sáp nhập hoặc giải thể) các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ để nâng chất lượng giáo dục và hạn chế tình trạng thiếu GV.  Điều động, biệt phái GV theo thẩm quyền để giải quyết thừa, thiếu cục bộ… Về lâu dài,  Đồng Tháp đào tạo gắn với tuyển dụng theo hướng ưu tiên nhóm sinh viên tốt nghiệp theo hình thức đặt hàng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh thông tin: “Năm học 2023-2024,  Nghị quyết của HĐND tỉnh  quy định số hợp đồng GV  là 427 người. Các địa phương sẽ căn cứ vào số lượng này để hợp đồng GV tạm thời. Nếu còn thiếu thì điều chuyển  từ nơi thừa sang nơi thiếu. Phân công GV dạy liên trường; đồng thời các cơ sở GD khẩn trương  xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV,  nhân viên, để tuyển hết số lượng biên chế được cấp thẩm quyền giao.”

Ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết: Bằng nhiều biện pháp, trong đó Sở đã xem xét, bố trí đội ngũ GV theo yêu cầu thực tiễn của các trường, điều chuyển nội bộ 20 giáo viên; phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị UBND thành phố điều chuyển số lượng người làm việc ở 16 đơn vị; đến  nay các cơ sở GD của TP cơ bản  đủ GV đứng lớp. Tuy nhiên  về lâu dài, ông Trần Thanh Bình  kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ cho phép địa phương  hợp đồng GV trình độ cao đẳng sư phạm đối với cấp tiểu học và THCS trong thời gian chưa tuyển dụng được GV có trình độ theo quy định. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đào tạo mã ngành đối với các môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, sư phạm tin học dạy cấp tiểu học) để có nguồn tuyển dụng.

Đan Phượng

 

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)