Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học mới – nỗ lực mới

Tạp Chí Giáo Dục

Năm hc mi đã bt đu. Các em hc sinh li nô nc đến trưng sau thi gian ngh hè sut my tháng lin. Nhiu trưng hc mi, phòng hc mi đang chào đón các em vào hc. Các thy cô giáo cũng hào hng tr li trưng đ tiếp tc công vic “trng ngưi” cao quý ca mình.


Hc sinh lp 1 Trưng Tiu hc Đng Đa (Q.4, TP.HCM) tu trưng ngày 21-8-2023. Ảnh: P.Trí

Năm học 2023-2024 là năm học thứ tư thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều bước tiến tốt đẹp. Cùng với những niềm vui đón chào năm học mới thì ngành giáo dục cũng đứng trước nhiều cam go, thử thách cần vượt qua.

Không lo lắng sao được khi năm học 2022-2023 có đến 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Năm học mới đã đến nhưng nhiều trường vẫn còn thiếu giáo viên, phải chật vật tìm kiếm giáo viên để hợp đồng tạm thời. Nhiều giáo viên đã về hưu cũng được mời gọi hợp đồng tiếp tục giảng dạy. Giáo viên các môn học mỹ thuật, âm nhạc, tin học, tiếng Anh còn thiếu trầm trọng hơn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các yêu cầu về năng lực, phẩm chất cụ thể, rõ ràng; sách giáo khoa biên soạn cũng có những yêu cầu cần đạt đòi hỏi phải có giáo viên chuyên mới có thể đảm đương nổi. Mọi sự “chắp vá” để có thể thực hiện các môn này đều không thể đạt hiệu quả như mong muốn của chương trình mới. Bài toán về đội ngũ giáo viên đủ cả chất lẫn lượng kéo dài nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được giải.

Lương bổng của giáo viên, nhân viên trong nhà trường là đề tài “nói hoài, nói mãi” từ năm này sang năm khác, làm cho các thầy cô giáo lâu năm trong nghề cảm thấy ngại ngùng, “mắc cỡ” với các ngành nghề khác trong xã hội. Nhiều giáo viên lớn tuổi đã bức xúc nói: “Nếu không làm cho giáo viên sống được bằng lương thì đừng nói nữa!”. Trong buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới đây, nhiều giáo viên đã nêu những vất vả của thầy cô giáo không chỉ trong giảng dạy mà còn trong các hoạt động, phong trào, hội thi… Bộ trưởng trả lời các hội thi, phong trào của ngành giáo dục đều có sự cân nhắc để không gây thêm gánh nặng cho giáo viên, còn các phong trào khác thì nhà trường cần chọn lọc để tham gia. Câu trả lời của Bộ trưởng thật nhẹ nhàng nhưng thực tế nhà trường, giáo viên không có quyền khước từ. Việc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi trong ngành giáo dục trước đây là bắt buộc, còn hiện nay chỉ là phong trào của ngành giáo dục. Thế nhưng, hai phong trào này của ngành có trường nào dám tuyên bố “trường tôi không tham gia”. Nếu như trước đây là cuộc thi bắt buộc trong ngành, các trường chỉ chọn lọc 1-2 giáo viên có năng lực thật sự nổi bật tham gia thì giờ đây là phong trào thì tất cả phải tham gia để tính thi đua trong năm học. Các cuộc thi của ngành giáo dục dành cho học sinh như thi học sinh giỏi, khoa học sáng tạo, robotic, đấu trường toán học, an toàn giao thông, hùng biện tiếng Anh, ngày hội STEM… do các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT tổ chức, các trường làm sao từ chối. Những cuộc thi này của học sinh đều phải có giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ. Các phong trào như văn nghệ, thể thao…;  những hội thi sơ cấp cứu, tìm hiểu về biển đảo… do các ban ngành, do địa phương tổ chức, nhà trường không tham gia liệu có được đánh giá tốt. Giáo viên giờ đây không chỉ làm việc 2 buổi sáng, chiều mà còn phải làm việc cả buổi tối kể cả thứ bảy, chủ nhật. Nhiều giáo sinh ra trường chỉ dạy 1, 2 năm là rời khỏi ngành giáo dục vì áp lực công việc. Không tham gia đầy đủ các phong trào, hoạt động, hội thi trong nhà trường, thầy cô giáo sẽ bị nhắc nhở, phê bình và không bao giờ được đánh giá xuất sắc. Đến bao giờ giáo viên thật sự chỉ làm công tác chuyên môn của mình: Giáo dục và giảng dạy.

Cũng trong buổi gặp gỡ với giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nói: “Hiệu trưởng không phải là ông quan trong cơ sở giáo dục…”. Thực tế, cơ sở giáo dục có rất nhiều “ông quan”. Có “ông quan” hiệu trưởng là do muốn thể hiện mình là người có chức có quyền trong tay, buộc mọi người phải chấp hành mệnh lệnh của mình. Sự dân chủ trong ngôi trường ấy dường như không có. Nhưng có những “ông quan” hiệu trưởng do muốn trường được tiếng tốt nên luôn muốn giáo viên tham gia thực hiện tất cả hoạt động, phong trào, hội thi của ngành, của đoàn thể, của địa phương. Với dạng “ông quan” hiệu trưởng nào thì cũng làm giáo viên đuối sức, mệt mỏi, chán nản. Giáo viên thật sự mong muốn có hiệu trưởng như Bộ trưởng yêu cầu “Hiệu trưởng không phải là ông quan trong cơ sở giáo dục mà là người dẫn dắt, tập hợp, hỗ trợ…”. Hiệu trưởng phải hiểu, thông cảm cho giáo viên, không chạy theo thành tích để được khen ngợi bất chấp mọi khó khăn, cực nhọc của giáo viên để giữ “chiếc ghế hiệu trưởng”. Những cống hiến của thầy cô giáo cho xã hội thật to lớn. Thế nhưng, chỉ cần sai phạm của một vài thầy cô giáo được đưa lên báo chí thì thì dường như tất cả các giáo viên đều bị quy kết là xấu xa, tồi tệ. Những dòng bình luận của các “anh hùng bàn phiếm” làm nhói đau tất cả những thầy cô giáo tâm huyết với ngành giáo dục. Giáo viên mong lắm một sự hiểu biết, thông cảm của cả xã hội. Ngành nghề nào cũng có người tốt, người xấu. Đừng vì “một con sâu” mà nhẫn tâm gây “thương tích” cho tất cả những người thầy.

Những khó khăn trong ngành giáo dục hiện nay không thể giải quyết nhanh gọn như mong muốn của giáo viên nói riêng, của toàn xã hội nói chung. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường còn “bám trụ” trong ngành giáo dục cho đến nay cần trong tâm thế: Năm học mới – Nỗ lực mới. Với tâm thế đó, nhà trường mới có thể hoàn thành chương trình năm học 2023-2024 với kết quả tốt đẹp nhất. Ngành giáo dục hiện nay cần thực hiện “4 kiên” như Bộ trưởng GD-ĐT kêu gọi: Kiên định, kiên trì, kiên quyết, kiên trinh. Theo đó, kiên định với mục tiêu đổi mới; kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội cùng chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục; kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người; kiên trinh với nghề giáo, vượt qua mọi khó khăn để dạy tốt, học tốt. Chương trình mới, sách giáo khoa mới nhưng không có “người thầy mới” thì không thể thực hiện có kết quả. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có đạt được mục tiêu giáo dục được hay không chính là ở các thầy cô giáo. Cụ thể, các thầy cô giáo phải làm mới chính mình trong việc giảng dạy cũng như giáo dục học sinh. Đổi mới là một quá trình dài, không thể vội vàng đi lối tắt. Học tập, nghiên cứu để thực hiện, để đổi mới cho phù hợp với chương trình mới là nhiệm vụ hàng đầu của từng thầy cô giáo. Các thầy cô giáo hãy là một tấm gương học tập suốt đời. Mỗi giáo viên thấy mình tiến bộ dần so với chính mình trước đây là công cuộc đổi mới của ngành giáo dục đã tiến được một bước. Đến giờ phút này, các thầy cô giáo còn đến trường, còn gắn bó với ngành nghề là một sự nỗ lực không ngừng vì học sinh thân yêu, vì tương lai của đất nước. Vậy trong năm học mới này, các thầy cô giáo hay tự động viên mình tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng học sinh, cùng nhà trường, cùng phụ huynh và cùng toàn xã hội để đất nước Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” (Hồ Chí Minh) mà mọi người đều mong muốn.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)